312. Bình luận thực trạng pháp luật về hợp đồng tín dụng: Những vướng mắc bất cập của pháp luật từ thực tiễn thi hành & đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC tham gia Chuyên đề của Bộ Tư pháp.

1. Yêu cầu hoàn thiện hợp đồng tín dụng:

1.1. Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 quy định, cấp cấp tín dụng là việc thỏa thuận của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (dưới đâu gọi chung là các TCTD) để cá nhân, pháp nhân khác sử dụng hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác[1].

1.2. Như vậy, có thể hiểu rằng, hợp đồng tín dụng hay hợp đồng cấp tín dụng, bao gồm hợp đồng cho vay, hợp đồng chiết khấu, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng bao thanh toán, hợp đồng bảo lãnh ngân hàng và các hợp đồng tín dụng khác.

1.3. Hợp đồng tín dụng là một giao dịch dân sự, kinh doanh rất phổ biến, không thể thiếu, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống. Vì vậy, yêu cầu hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng là rất cần thiết để bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng của các TCTD, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, hạn chế mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập.

2. Khái niệm hợp đồng tín dụng

2.1. Tên gọi hợp đồng tín dụng:

Từ năm 1958 đến nay, các văn bản pháp luật đã gọi hợp đồng tín dụng được với những cái tên khá khác nhau, như “hợp đồng vay tiền”[2], “hợp đồng vay vốn”[3], “hợp đồng cho vay”[4], “hợp đồng tín dụng”[5], “hợp đồng cấp tín dụng”[6].

Trong suốt nhiều năm trời, ngành Ngân hàng chỉ tập trung vào hoạt động cho vay, mà hầu như không có hoạt động bảo lãnh và tín dụng khác, nên khái niệm cho vay gần như được đồng nhất với khái niệm tín dụng. Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990 cũng chỉ quy định hoạt động tín dụng là cho vay. Tín dụng thuê mua (nay là cho thuê tài chính) và chiết khấu cũng chưa được coi là hoạt động tín dụng theo quy định của Pháp lệnh này. Ngoài ra, Pháp lệnh cũng chưa hề quy định về bảo lãnh và bao thanh toán.

Do vậy, “cho vay” gần như đã được đồng nhất với “tín dụng”, cũng như “hợp đồng cho vay” đã được gọi là “hợp đồng tín dụng” và văn bản quy định về cho vay đã được gọi là “Thể lệ tín dụng”[7].

Thậm chí đến khi “Thể lệ tín dụng” đã được thay đổi thành “Thể lệ cho vay” và “Quy chế cho vay”, nhưng trong nội dung thì vẫn quy định là “hợp đồng tín dụng” chứ không thay đổi là “hợp đồng cho vay”[8].

Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định không thống nhất về loại hợp đồng này, cụ thể trong số 8 văn bản liên quan, đã có ít nhất 1 văn bản gọi là Hợp đồng vay vốn, 2 văn bản gọi là Hợp đồng cho vay và 4 văn bản gọi là Hợp đồng tín dụng.

Luật Các TCTD năm 1997 đã chính thức tạo ra một khái niệm mới là “cấp tín dụng” để thay cho khái niệm “tín dụng”. Theo đó, cấp tín dụng bao gồm “các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác”[9]. Đây là một sự không rõ ràng, không chính xác, thậm chí có thể coi là là một sự nhầm lẫn pháp lý, vì đã sử dụng một khái niệm chung là “tín dụng” để chỉ một trường hợp riêng là “cho vay”.

2.2. Các hợp đồng tín dụng theo quy định hiện hành:

TTHợp đồng trong lĩnh vực ngân hàngLoại hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2015Văn bản quy định
1.“Hợp đồng bao thanh toán”Hợp đồng vay tài sảnThông tư số 02/2017/TT-NHNN 17-5-2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “Quy định về hoạt động bao thanh toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
2.“Hợp đồng bảo lãnh”[10]Hợp đồng dịch vụ – Hợp đồng vay tài sản (tuỳ giai đoạn)Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25-6-2015 của Thống đốc NHNN “Quy định về Bảo lãnh ngân hàng”.
3.“Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn” (“Hợp đồng hợp vốn”)Hợp đồng vay tài sảnThông tư số 42/2011/TT-NHNN ngày 15-12-2011 của Thống đốc NHNN “Quy định việc cấp tín dụng hợp vốn của các TCTD đối với khách hàng”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 24/2016/ TT-NHNN ngày 30-6-2016.
4.“Hợp đồng chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá”Hợp đồng mua bán tài sảnThông tư số 04/2013/TT-NHNN ngày 01-3-2013 của Thống đốc NHNN “Quy định về Hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 21/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016.
5.“Hợp đồng cho thuê tài chính”Hợp đồng thuê tài sảnLuật Các TCTD năm 2010.

Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07-5-2014 của Chính phủ về “Hoạt động của Công ty tài chính và Công ty cho thuê tài chính”.

6.“Hợp đồng cho vay”Hợp đồng vay tài sảnThông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18-6-2012 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 18/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016.

Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31-12-2015 của Thống đốc NHNN “Quy định về Quỹ tín dụng nhân dân”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 06/2017/ TT-NHNN ngày 05-7-2017

7.“Hợp đồng cho vay đặc biệt”Hợp đồng vay tài sảnThông tư số 01/2018/TT-NHNN ngày 26-01-2018 của Thống đốc NHNN “Quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt”.
8.“Hợp đồng cho vay tiêu dùng”Hợp đồng vay tài sảnThông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính”.
9.“Hợp đồng tín dụng”Hợp đồng vay tài sảnNghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD”.

Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngyaf 31-3-2017 của Chính phủ về “Tín dụng đầu tư của Nhà nước”.

Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08-3-2018 của Chính phủ “Về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Thông tư số 18/2015/TT-NHNN ngày 22-10-2015 của Thống đốc NHNN “Quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”.

10.“Hợp đồng tín dụng tái cấp vốn” (“Hợp đồng tái cấp vốn”)Hợp đồng vay tài sảnThông tư số 15/2012/TT-NHNN ngày 04-5-2012 của Thống đốc NHNN  “Quy định về việc NHNN Việt Nam tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với các TCTD”.
11.“Thỏa thuận cho vay”Hợp đồng vay tài sảnThông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

Các “Hợp đồng bao thanh toán”, “Hợp đồng bảo lãnh”, “Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn” (“Hợp đồng hợp vốn”), “Hợp đồng chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá”, “Hợp đồng cho thuê tài chính”, “Hợp đồng cho vay”, “Hợp đồng cho vay đặc biệt”, “Hợp đồng cho vay tiêu dùng”, “Hợp đồng tín dụng”, “Hợp đồng tín dụng tái cấp vốn” (“Hợp đồng tái cấp vốn”) và “Thỏa thuận cho vay” nêu trên chính là “Hợp đồng tín dụng” nói chung.

Luật Các TCTD năm 2010 thì chỉ đề cập đến 2 loại hợp đồng là “hợp đồng cấp tín dụng”[11] và “hợp đồng cho thuê tài chính”, trong đó “hợp đồng cho thuê tài chính”[12] cũng là một loại thuộc “hợp đồng cấp tín dụng”, mà không đề cập đến các hợp đồng tín dụng khác.

Dưới đây chủ yếu đề cập đến loại hợp đồng tín dụng là hợp đồng cho vay của các TCTD.

3. Giao kết hợp đồng cho vay:

3.1. Quyền tự chủ giao kết hợp đồng:

Cũng như các loại hợp đồng khác, việc giao kết hợp đồng cho vay là quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các TCTD mà không cá nhân, pháp nhân nào được can thiệp vào một cách trái pháp luật. Đồng thời, TCTD có quyền từ chối các yêu cầu của khách hàng không đúng với quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên[13].

Nhưng khác với các hoạt động cho vay hay hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác, hợp đồng cho vay của TCTD phải thực hiện theo rất nhiều quy định đặc thù và chặt chẽ. Chẳng hạn TCTD không chỉ lưu giữ hợp đồng cho vay và chứng từ kế toán như quy định chung, mà phải lưu giữ hồ sơ cho vay, bao gồm: Hợp đồng cho vay và tài liệu ghi rõ mục đích sử dụng vốn; hồ sơ về biện pháp bảo đảm; báo cáo thực trạng tài chính của khách hàng; quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền; những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến hợp đồng cho vay[14].

3.2. Điều kiện đối với chủ thể giao kết hợp đồng:

Từ những năm 2000 NHNN đã quy định, khách hàng vay vốn tại TCTD gồm các pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh[15]. Như vậy, vào thời điểm đó có 6 chủ thể được vay vốn của các TCTD, bao gồm 3 nhóm pháp nhân, cá nhân và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Sở dĩ công ty hợp danh được liệt kê riêng trong quy định này, là vì khi đó Luật Doanh nghiệp năm 1999 chưa xác định công ty hợp danh là một pháp nhân như Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2015 sau này[16]. Quy định theo cách liệt kê này đã dẫn đến thiếu một chủ thể rất quan trọng là hộ kinh doanh, cũng như nhiều chủ thể khác là tổ chức nhưng không phải là pháp nhân.

Từ ngày 07-3-2005, nội dung trên đã được sửa đổi thành, khách hàng vay vốn tại TCTD chỉ còn 2 chủ thể các tổ chức và cá nhân[17], trong đó 5 loại hình cụ thể gồm pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là “tổ chức”. Điều này là phù hợp với quy định của hai Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005, bao gồm nhiều loại chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân và các loại chủ thể là các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác.

Từ ngày 15-3-2017, khách hàng vay vốn tại TCTD chỉ gồm 2 nhóm là pháp nhân và cá nhân[18]. Điều này là hoàn toàn đúng với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể giao dịch dân sự chỉ còn pháp nhân và cá nhân. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự[19].

Tuy nhiên, bên cạnh quy định trên của Bộ luật Dân sự năm 2015 còn rất nhiều đạo luật và văn bản dưới luật hiện hành quy định về tư cách pháp lý và việc tham gia vào giao dịch của các chủ thể là hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân,…[20] Vì vậy, không thể xoá bỏ được tư cách, ít nhất là tên gọi của các chủ thể này trong giao dịch dân sự, nhưng cũng không thể thừa nhận tư cách chủ thể giao dịch như trước đây, vì trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó cách xử lý hợp lý, đúng đắn duy nhất là vẫn ghi đúng tên gọi của các chủ thể này là các tổ chức đã được pháp luật thừa nhận, nhưng bản chất quan hệ thì phải xử lý với tư cách của một hoặc toàn bộ các cá nhân trong tổ chức. Theo đó doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức chỉ có 1 cá nhân như hộ gia đình hay hộ kinh doanh chỉ có 1 thành viên thì cả hình thức và nội dung pháp lý vẫn không có gì thay đổi so với trước đây. Bằng chứng là từ trước đến nay pháp luật đều quy định chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, là nguyên đơn hoặc bị đơn tham gia tố tụng và phải chịu trách nhiệm đến cùng (trách nhiệm vô hạn) đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân[21]. Điều đó có nghĩa là về hình thức, doanh nghiệp tư nhân luôn được thừa nhận là một chủ thể, với danh nghĩa của một tổ chức tham gia quan hệ pháp luật, nhưng về nội dung thì chính là trách nhiệm của một cá nhân. Điều này cũng giống như đối với Tập đoàn và Tổng công ty không có tư cách pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhưng trên thực tế các tổ chức này vẫn tham gia giao dịch với tên gọi tập đoàn, tổng công ty, tuy nhiên với tư cách là các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Đáng tiếc là quy định nói trên của NHNN đã được giải thích và áp dụng theo hướng, không cho phép hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân vay vốn và giao dịch tại các TCTD. Quan điểm này được thể hiện rõ thông qua quy định, từ sau ngày 01-3-2019 trở đi sẽ chỉ còn tài khoản thanh toán của cá nhân và pháp nhân, xoá bỏ việc mở và sử dụng tài khoản của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân[22], tức là xoá bỏ mọi tư cách giao dịch của các chủ thể này tại các TCTD.

Bộ luật Dân sự năm 2015 không cho phép các tổ chức không có tư cách pháp nhân là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự để tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên các chủ thể này vẫn được chính thức thừa nhận tại hàng trăm đạo luật khác nhau, được cho phép thành lập, hoạt động và công nhận bằng các quy định, thủ tục, giấy tờ pháp lý, nên không thể bị loại bỏ hoàn toàn hoặc không được ghi nhận trong các giao dịch dân sự.

Có thể khẳng định, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nội dung và bản chất của chủ thể quan hệ pháp luật, còn các luật khác quy định về hình thức & tên gọi của các chủ thể giao dịch. Vì vậy yêu cầu đặt ra là không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các đạo luật khác quy định về các chủ thể là tổ chức phi pháp nhân, mà cần phải hiểu và kết hợp được đồng thời cả về nội dung và hình thức, về cả bản chất và tên gọi để xử lý đúng trong quan hệ vay vốn, mở và sử dụng tài khoản cũng như các giao dịch khác.

Do đó, phải giữ nguyên tên gọi các chhur thể theo giấy tờ giao dịch đúng với tên doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật. Còn về mặt bản chất ký hợp đồng và trách nhiệm pháp lý thì xử lý các chủ thể này như với cá nhân, chứ không phải đương nhiên như với các chủ thể quan hệ dân sự như trước kia. Điều này cũng tương tự như đối với các loại hình pháp nhân, tên gọi có thể rất khác nhau, nhưng về bản chất là giống nhau. Như vậy, vừa đúng với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, vừa phù hợp với các đạo luật khác và không gây ra vướng mắc, rủi ro pháp lý trên thực tế.

4. Điều kiện vay vốn:

4.1. Độ tuổi khách hàng:

Điều kiện vay vốn thứ nhất là khách hàng cá nhân “từ đủ 18 tuổi trở lên” hoặc “từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi”[23] là không rõ ràng, vì trường hợp thứ hai chỉ được thực hiện một số giao dịch hạn chế, chứ không phải tất cả các giao dịch vay vốn.

Vì vậy, cần sửa theo hướng tách riêng thành 2 độ tuổi được vay vốn cụ thể hơn.

4.2. Mục đích sử dụng vốn:

Điều kiện vay vốn thứ 2 là “Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp”[24] là chưa chính xác, vì chỉ nên quy định sử dụng vào mục đích không bị pháp luật cấm, chứ mục đích hợp pháp thì nhiều khi không xác định rõ có hợp pháp hay không do pháp luật không có quy định cụ thể.

Vì vậy, nêu sửa điều kiện này thành “Nhu cầu vay vốn không sử dụng vào mục đích bất hợp pháp” thì hợp lý hơn. Điều này còn phù hợp với nguyên tắc của một Nhà nước pháp quyền là, người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.

4.3. Phương án sử dụng vốn:

Điều kiện vay vốn thứ 3 là “Có phương án sử dụng vốn khả thi”[25] chỉ hợp lý đối với cho vay sản xuất, kinh doanh, mà không phù hợp đối với cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, vì thường không ai quan tâm, xem xét yếu tố “khả thi” và cũng khó có thể xác định được “khả thi” là gì.

Vì vậy, cần sửa quy định này theo hướng, trừ điều kiện “khả  thi” đối với vay vốn tiêu dùng.

5. Cấm và hạn chế cho vay:

5.1. Cấm cho vay:

Luật Các TCTD năm 2010 quy định, không được cho vay trong 6 trường hợp, trong đó những người là quản lý, điều hành, kiểm soát của chính TCTD[26].

Luật Các TCTD năm 1997 và Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN trước kia quy định một số trường hợp bị cấm cho vay, trong đó có trường hợp cho vay là “người thẩm định, xét duyệt cho vay”[27]. Tuy nhiên, lại không có giải thích “người thẩm định, xét duyệt cho vay” là ai trong số 4 trường hợp sau đây: Người thẩm định, xét duyệt chính khoản vay đó, người thẩm định, xét duyệt cho vay trong phòng, ban, chi nhánh của TCTD đó; người thẩm định, xét duyệt cho vay trong cả TCTD đó; và người thẩm định, xét duyệt cho vay trong cả hệ thống ngân hàng. Xét về tính hợp lý, thì chỉ có thể cấm người thẩm định, xét duyệt cho vay đối với chính khoản vay đó.

5.2. Hạn chế cho vay:

Luật Các TCTD năm 1997 đã từng quy định việc hạn chế cho vay đối với “Kế toán trưởng[28]”, đến Luật Các TCTD đã quy định rõ việc hạn chế cho vay đối với “Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng[29]”. Ngược lại, Luật Các TCTD năm 1997 quy định rõ việc hạn chế cho vay đối với “Các cổ đông lớn của TCTD[30]”, nhưng Luật Các TCTD năm 2010 thì lại bỏ cụm từ “của TCTD” sau đoạn “cổ đông lớn, cổ đông sáng lập”. Như vậy, cũng không rõ là chỉ hạn chế việc cho vay đối với “cổ đông lớn, cổ đông sáng lập[31]” của chính TCTD hay đối với cả “cổ đông lớn, cổ đông sáng lập” của các công ty khác vay vốn?

Luật Các TCTD năm 2010 đã thay đổi từ việc cấm sang việc cho vay có điều kiện, cụ thể là không được cấp tín dụng nói chung, cho vay nói riêng không có bảo đảm và cho vay với điều kiện ưu đãi trong 5 trường hợp, trong đó có “người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng”[32]. Tuy nhiên, vẫn tồn tại 2 vấn đề bất hợp lý, thứ nhất là việc bỏ quy định cấm cho vay đối với người thẩm định, xét duyệt chính khoản vay đó là không hợp lý. Thứ hai cũng giống như nêu trên là, hạn chế cho vay đối với trường hợp nào trong số 4 trường hợp đã nêu?

5.3. Vì vậy, cần sửa Luật Các TCTD theo hướng hạn chế cho vay đối với “cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của chính TCTD cho vay” cũng như hạn chế hoặc cấm cho vay đối với “người thẩm định, xét duyệt cho vay chính khoản vay đó”.

6. Các giới hạn cho vay:

6.1. Ngoài các quy định cấm và hạn chế cho vay nêu trên, pháp luật ngân hàng còn quy định về giới hạn cấp tín dụng nói chung, giới hạn cho vay nói riêng đối với các TCTD, như tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi[33].

Luật Các TCTD năm 1997 quy định “Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD…[34]. Luật Các TCTD năm 2010 quy định “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại,…[35].

6.2. Với cụm từ “dư nợ cho vay” được chuyển thành “dư nợ cấp tín dụng” như trên, theo lẽ thường, thì sẽ được hiểu rằng không có gì thay đổi. Vì những khoản tín dụng nào được xác định là “dư nợ” thì sẽ thuộc giới hạn trên, như “dư nợ cho thuê tài chính”[36], “dư nợ cho vay”, “dư nợ cho vay bắt buộc” sau khi TCTD phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả thay, mà sẽ không bao gồm ”số dư bảo lãnh”, “số dư bao thanh toán” hay “mức chiết khấu”. Vì trước khi có Luật Các TCTD năm 2010, thậm chí cả sau khi có Luật này, thì không gọi là “dư nợ bao thanh toán”, mà gọi là “số dư bao thanh toán”. Chẳng hạn như quy định “Số dư bao thanh toán là số tiền mà đơn vị bao thanh toán ứng trước cho bên bán hàng theo thoả thuận tại hợp đồng bao thanh toán[37].

Cũng như vậy, không gọi là “dư nợ bảo lãnh” mà gọi là “số dư bảo lãnh”. Chẳng hạn quy định “Tổng số dư bảo lãnh của TCTD đối với một khách hàng không được vượt quá 15% (mười lăm phần trăm) vốn tự có của TCTD[38]. Hay quy định “Tổng dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh của TCTD đối với một nhóm khách hàng có liên quan không được vượt quá 60% vốn tự có của TCTD[39]. Cho đến hiện nay, vẫn không gọi là “dư nợ bảo lãnh”, mà chỉ gọi là “số dư bảo lãnh”. Chẳng hạn như quy định “Số dư bảo lãnh đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bao gồm số dư phát hành cam kết bảo lãnh, số dư phát hành cam kết bảo lãnh đối ứng, số dư phát hành cam kết xác nhận bảo lãnh cho khách hàng đó, khách hàng đó và người có liên quan[40].

Tương tự là không gọi là “dư nợ chiết khấu” mà là “mức chiết khấu”. Chẳng hạn như quy định mức chiết khẩu tối đa đối với một khách hàng bằng 15% vốn tự có của TCTD nhận chiết khấu[41]. Quy định từ năm 2013 đến nay, vẫn tiếp tục gọi là “mức chiết khấu”[42].

6.3. Rõ ràng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phân biệt hai khái niệm “dư nợ” và “số dư” khác nhau. “Dư nợ” thì có thể nằm trong “số dư” nhưng không phải là ngược lại. Trong suốt quá trình làm Luật Các TCTD năm 2010, cũng không có bất cứ tài liệu hay ý kiến nào về việc thay đổi giới hạn cho vay, tức là không có chuyện chuyển toàn bộ “số dư” thành “dư nợ” như “số dư bao thanh toán” thành “dư nợ bao thanh toán”[43] đã diễn ra trong những năm gần đây. Đặc biệt là việc giải thích “tổng mức dư nợ cấp tín dụng” bao gồm tất cả số dư bao thanh toán, số dư bảo lãnh, mức mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,…[44] là không hợp lý và thống nhất trong hệ thống pháp luật ngân hàng. Điều này không làm thay đổi giới hạn đối với từng hạn mức nghiệp vụ về cho vay, bảo lãnh, mua trái phiếu doanh nghiệp, bao thanh toán, chiết khẩu, nhưng lại dẫn đến việc tự nhiên thay đổi tổng mức giới hạn tín dụng đối với một số nhóm nghiệp vụ đang từ từ 45%, 55%, thậm chí là 70% trước kia đều bị kéo xuống một mức 15% vốn tự có của TCTD.

6.4. Vì vậy, cần sửa đổi Luật Các TCTD và các văn bản dưới luật theo hướng xác định rõ khái niệm “dư nợ” và “số dư” để quy định về giới hạn cho vay nói riêng và giới hạn tín dụng nói chung.

7. Lãi suất và phí cho vay:

7.1. Lãi suất cho vay trong hạn:

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có hai loại hợp đồng vay có lãi và không có lãi[45]. Đối với các TCTD, tuy không có quy định nào về việc không được cho vay không có lãi, nhưng qua các quy định hiện hành và thực tế thì có thể hiểu rằng việc cho vay phải có lãi hay nói cách khác là không có lãi suất bằng 0%[46].

Từ ngày 05-11-2010 đến hết năm 2016, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005[47] và các quyết định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản[48], thì lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tức là không được vượt quá 13,5%/năm.

Từ năm 2017 trở đi, theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất cho vay nói chung không được vượt quá 20%/năm. Quy định này nói riêng và quy định của pháp luật nói chung về trần lãi suất có một số điểm bất hợp lý như sau:

Thứ nhất, trần lãi suất trong Bộ luật này cũng giống như trong Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 đều thấp xa so với mức lãi suất giao dịch cho vay thực tế từ xưa đến nay của của cá nhân, pháp nhân, trong đó có dịch vụ cho vay cầm đồ hợp pháp.

Thứ hai, các TCTD lại vẫn được cho vay phổ biến với mức lãi suất cao hơn trần lãi suất theo quy định của các Bộ luật Dân sự, đặc biệt là cho vay tín dụng tiêu dùng có thể lên đến 50 – 70%/năm và khi có tranh chấp đưa ra giải quyết vẫn được Toà án thừa nhận là hợp pháp.

Thứ ba, doanh nghiệp không đủ điều kiện vay các TCTD, phải đi vay vốn ở bên ngoài thì lẽ thường phải trả lãi suất cao hơn. Nhưng Điều 9, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) lại quy định lãi vay không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản (13,5%), mà trong nhiều trường hợp, thì mức này còn thấp hơn lãi suất vay của các TCTD.

Thứ tư, bất luận thế nào, lãi suất cho vay bên ngoài không thể bị giới hạn thấp hơn lãi suất của các TCTD. Thậm chí, Bộ luật Dân sự năm 1995 đã từng quy định, lãi suất cho vay ở bên ngoài được phép cao hơn 1,5 lần lãi suất của các TCTD[49]. Năm 1999, lãi suất cho vay cầm đồ cũng đã từng được quy định cao gấp hơn 3 lần nếu tính theo tháng và hơn 9 lần nếu tính theo ngày so với các TCTD (trường hợp cho vay dưới 10 ngày, lãi suất không quá 0,3 %/ngày, tức 1.095%/năm, từ 10 ngày trở lên không quá 3%/tháng, tức 36%/năm)[50].

Quy định “lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” của Bộ luật Dân sự năm 2015[51] và quy định “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật” của Luật Các TCTD năm 2010[52] phải được hiểu là luật Các TCTD nếu có quy định về lãi suất thì thì chỉ có thể là giới hạn thấp hơn, chứ không được phép cao hơn giới hạn chung 20%/năm. Điều này cũng giống như việc Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có một số quy định về trần lãi suất cho vay ưu đãi trong một số lĩnh vực. Ví dụ như lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội là 4,8% – 5%/năm[53].

Do quy định của pháp luật về trần lãi suất quá xa rời thực tế, nên TCTD đã dựa vào nguyên tắc thoả thuận lãi suất cho vay theo cơ chế thị trường, liên tục phá bỏ các trần lãi suất bất cập do luật định.

Vì lãi suất là giá cả của đồng tiền và đồng tiền thể hiện sức khoẻ của nền kinh tế, nên quy định trần lãi suất phải dựa vào cung cầu của thị trường. Và Bộ luật Dân sự cần phải đặt ra trần lãi suất chung cho mọi giao dịch dân sự, kinh tế.

Do vậy, cần phải sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng nâng trần lãi suất lên mức khoảng 50%/năm (là mức khả bình thường đối với giao dịch vay tiền dân sự trong suốt mấy chục năm nay). Còn tốt nhất là căn cứ vào trần lãi suất của ngành Ngân hàng, đồng thời cho phép lãi suất vay tiền bên ngoài không thấp hơn trần lãi suất của các TCTD. Riêng đối với tội cho vay lãi nặng, nếu vẫn giữ, thì cần ấn định cụ thể mức phạm tội là trên 100%/năm, mà không phụ thuộc vào quy định của Bộ luật Dân sự như lâu nay.

7.2. Lãi suất trả nợ vay trước hạn:

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, “đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác[54].

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN không quy định về việc trả lãi trong trường hợp trả nợ trước hạn, mà thay thế quy định về lãi suất nói trên bằng quy định về “phí trả nợ trước hạn” và không quy định phải trả phí thế nào[55]. Nếu theo đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật, thì phải hiểu rằng, “phí trả nợ trước hạn” phải bằng “toàn bộ lãi theo kỳ hạn” còn lại của khoản vay, vì chỉ có “luật có quy định khác”, chứ Thông tư thì không được quy định khác với Bộ luật Dân sự.

Quy định bên vay phải trả lãi suất trả nợ trước hạn bằng “toàn bộ lãi theo kỳ hạn” của Bộ luật Dân sự là sự áp đặt thiếu hợp lý. Như vậy, thì người trả nợ trước hạn không có lợi gì hơn so với trả nợ đúng hạn, thậm chí còn bất hợi hơn, vì vẫn phải trả đầy đủ tiền lãi cho khoảng thời hạn không được sử dụng vốn vay (có khi tính bằng nhiều năm). Trong khi đó, người cho vay lại có lợi hơn hẳn, vì được thu đủ tiền gốc, lãi và được sử dụng số tiền cho vay vào việc khác.

Áp dụng quy định này vào hợp đồng cho vay của các TCTD mà thu phí trả nợ trước hạn bằng với toàn bộ số tiền lãi còn lại thì không phù hợp. Trên thực tế, các TCTD chỉ thoả thuận thu một phần tương đối thấp, thậm chí không thu phí trả nợ trước hạn.

Vì vậy, cần sửa quy định trên của Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng, nếu bên vay trả trước hạn thì chỉ phải trả tối đa 50% số tiền lãi theo kỳ hạn còn lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.

7.3. Lãi suất cho vay quá hạn:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, khi bên vay chậm trả tiền vay, thì phải “trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Quy định này có nhiều điểm bất hợp lý như sau:

Thứ nhất, ấn định mức lãi suất chậm trả bằng 150% là quá cao đối với các trường hợp cho vay bằng ngoại tệ và cho vay với mức lãi suất tương đối cao (với trần lãi suất cho vay là 20% và không có giới hạn đối với cho vay của các TCTD). Mức này chỉ hợp lý đối với trường hợp có khả năng trả nợ mà cố tình trây ỳ, chứ không phù hợp với trường hợp khó khăn, thậm chí không có khả năng trả nợ, nhất là trong trường hợp vay với lãi suất cao.

Thứ hai, quy định trên gây ra sự bất công bằng, bất hợp lý rất lớn nếu lãi suất cho vay có sự khác nhau nhiều. Ví dụ, nếu cho vay với mức lãi suất ưu đãi rất thấp, chẳng hạn 4%/năm, thì lãi quá hạn không được quá 6%, trong khi nếu cho vay với mức lãi suất ngất ngưởng 60%, thì lãi suất quá hạn được phép lên đến 90%. Như vậy, khi quá hạn, cùng tính chất như nhau, nhưng trường hợp trước thì chỉ được tính tối đa 2%, còn trường hợp sau thì lại được tính tối đa 40% đối với phần lãi suất quá hạn. Xét về nguyên tắc, thì quy định về lãi suất quá hạn trong Bộ luật Dân sự năm 2005 là “trả theo lãi suất cơ bản”[56] công bằng, hợp lý hơn.

Thứ ba, khác với các quy định của của Ngân hàng Nhà nước là lãi suất nợ quá hạn “không vượt quá 150% lãi suất cho vay” trong hạn[57], Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chốt cứng lãi suất nợ quá hạn “bằng 150% lãi suất vay”. Do đó nếu văn bản dưới luật quy định một mức lãi suất chậm trả khác (cao hơn hoặc thấp hơn), chẳng hạn như quy định cho vay đối với nhà ở xã hội thì “lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay”[58] là trái luật. Hay chính quy định “không vượt quá 150% lãi suất cho vay” của Ngân hàng Nhà nước cũng trái luật.

7.4. Lãi suất chậm trả trong quá trình thi hành án:

Lãi suất đối với số tiền chậm trả trong quá trình thi hành án, sau khi đã có phán quyết của Toà án là 10%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015[59].

Tuy nhiên, Án lệ số 08/2016/AL[60] về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, đã yêu cầu ghi nhận vào bản án nội dung sau: Sau khi đã có bản án, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho TCTD khoản tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, TCTD cho vay, thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, TCTD cho vay.

Hướng dẫn của Án lệ số 08/2016/AL có ít nhất 3 điểm sai và rất bất hợp lý như sau:

Thứ nhất, sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, thì mọi vấn đề tranh chấp của các bên đã kết thúc và kết quả cuối cùng phải được ấn định một cách rõ ràng, cụ thể trong bản án, chứ không thể nào tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận như trước khi Tòa án ra phán quyết;

Thứ hai, sau khi đã có bản án, thì đã hoàn toàn chấm dứt mọi quan hệ hợp đồng, nên không còn tồn tại bất cứ thỏa thuận nào giữa các bên, kể cả về lãi suất và đặc biệt là về việc điều chỉnh lãi suất trong quá trình thi hành án;

Thứ ba, chỉ các TCTD, còn các đối tượng khác không được phép thỏa thuận về lãi suất chậm thi hành án, là sự bất bình đẳng trong giao dịch dân sự và giữa các chủ thể khác nhau.

Như vậy, án lệ nêu trên cần phải bị bãi bỏ, vì trái với quy định của Bộ luật Dân sự, thậm chí chứa đựng nội dung vi hiến.

7.5. Phí liên quan đến hoạt động cho vay:

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định, TCTD và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay nhưng chỉ gồm 5 loại sau[61]: Phí trả nợ trước hạn, phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng, phí thu xếp cho vay hợp vốn, phí cam kết rút vốn và các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trong đó, phí trả nợ trước hạn chính là khoản tiền lãi trả nợ trước hạn theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015[62].

Như vậy không được phép thu các khoản phí khác như phí hồ sơ cho vay, phí thẩm định khoản vay, phí giải ngân, phí cho mượn tài sản bảo đảm, phí cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ),…

Việc không cho phép các TCTD thu các loại phí ra đời trong bối cảnh cần phải khống chế trần lãi suất cho vay tăng quá cao vào giai đoạn cuối năm 2010, đầu năm 2011[63]. Do đó, nếu không quy định hạn chế việc thu phí thì sẽ bị vô hiệu hoá trần lãi suất cho vay bằng cách lách qua việc thu phí liên quan đến cho vay.

Đến nay, sau nhiều năm thực hiện tự do hóa, không có trần lãi suất, thì việc ngăn cấm thu phí như trên là một quy định vô lý, không xuất phát từ bất cứ cơ sở hợp lý nào.

Nếu đã cho phép các bên tự do thoả thuận lãi suất thì có thể thoả thuận lãi suất cho vay cao, không thu phí, hoặc thoả thuận lãi suất thấp và có thu phí liên quan đến cho vay. Thoả thuận theo cách thứ hai công bằng, linh hoạt hơn, giúp cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay nói chung và thu phí theo thực tế chi phí phát sinh có thể rất khác nhau.

Vì vậy, cần phải thay đổi quy định về phí trả nợ trước hạn cho phù hợp với Bộ luật Dân sự và bãi bỏ việc hạn chế chỉ được thu một số loại phí liên quan đến hoạt động tín dụng, trừ các trường hợp có giới hạn về trần lãi suất cho vay.

8. Biện bảo đảm tiền vay:

8.1. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản[64].

Tuy nhiên trong quan hệ cho vay thì chỉ liên quan đến 5 biện pháp bảo đảm là cầm cố, thế chấp, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp và cũng được gọi là các hợp đồng bảo đảm. Hợp đồng cho vay không liên quan trực tiếp đến 3 biện pháp ký cược, bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản. Riêng biện pháp đặt cọc, có thể áp dụng trong quan hệ cho vay, nhưng gần như không xuất hiện trên thực tế.

8.2. Việc bảo lãnh có thể là bảo lãnh ngân hàng hoặc bảo lãnh của pháp nhân hay cá nhân khác. Vì bảo lãnh ngân hàng là một biện pháp bảo đảm, nhưng đồng thời cũng là một hợp đồng tín dụng, nên có thể lại sử dụng các biện pháp bảo đảm đảm khác như ký quỹ, cầm cố, thể chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong quan hệ giữa các bên.

8.3. Về nguyên tắc, việc cho vay của các TCTD không bắt buộc phải có tài sản bảo đảm, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như[65]:

  • TCTD phải cấp tín dụng có bảo đảm một số đối tượng như cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng và một số đối tượng khác[66];
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại thông qua bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)[67];
  • Khách hàng khi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư dự án phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay tại VDB[68].

8.4. Không như các với các hợp đồng cho vay khác, pháp luật quy định TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 15-8-2017 đồng thời là nợ xấu trước ngày 15-8-2022[69].

8.5. Rất nhiều vấn đề khác về bảo đảm tiền vay sẽ được đề cập đến trong Chuyên đề “Bình luận thực tiễn thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và định hướng hoàn thiện”.

9. Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung:

9.1. Hợp đồng theo mẫu:

Đối với hợp đồng nói chung, thì “hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra[70]. Trong lĩnh vực tiêu dùng, “hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng[71].

Đối với hợp đồng nói chung, thì “điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này[72]. Trong lĩnh vực tiêu dùng, thì “điều kiện giao dịch chung là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với người tiêu dùng[73]

Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[74].

9.2. Hợp đồng cho vay theo mẫu:

Trong giai đoạn từ ngày 14-01-2015 đến ngày 21-10-2018, hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung về “Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng)” của các TCTD, phải đăng ký theo quy định của Thủ tướng Chính phủ[75].

Việc bỏ quy định đăng ký hợp đồng cho vay tiêu dùng là do trái với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chỉ đăng ký đối với hợp đồng thuộc loại “dịch vụ thiết yếu”.

Vì vậy, đề nghị sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 theo hướng quy định hợp đồng “cho vay tiêu dùng”[76] (hay còn gọi là “cho vay phục vụ nhu cầu đời sống”)[77] thuộc trường hợp phải thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

10. Thực hiện hợp đồng cho vay:

10.1. Thu nợ trước hạn:

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bên cho vay không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ 3 trường hợp sau đây[78]:

  • Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý;
  • Luật khác có liên quan quy định khác;
  • Bên cho vay có quyền “đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích[79].

Luật Các TCTD quy định, TCTD có quyền chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cho vay[80]. Như vậy, quy định này đã mở rất rộng quyền thu hồi nợ trước hạn của các TCTD so với Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì TCTD có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật[81].

10.2. Kiểm tra sử dụng tiền vay:

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bên cho vay có quyền “kiểm tra việc sử dụng tài sản”[82]. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cũng quy định việc kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng là quyền của các TCTD[83]. Tuy nhiên, Luật Các TCTD năm 2010 quy định, việc kiểm tra sử dụng tiền vay của khách hàng là quyền, nhưng cũng đồng thời là nghĩa vụ của các TCTD[84].

Vì vậy, cần sửa Luật Các TCTD, nếu như xác định việc kiểm tra sử dụng vốn vay chỉ là quyền của các TCTD hoặc ngược lại, cần sửa Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, nếu vẫn xác định đó là nghĩa vụ của các TCTD.

10.3. Miễn, giảm nợ gốc:

Pháp luật cũng quy định, TCTD có quyền quyết định miễn, giảm lãi suất, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của TCTD[85]. Tuy nhiên, lại không có quy định về việc miễn, giảm nợ gốc, ngoại trừ trường hợp sử dụng dự phòng theo quy định của pháp luật ngân hàng[86].

Vì vậy, cần sửa đổi Luật Các TCTD theo hướng cho phép miễn, giảm nợ gốc làm cơ sở pháp lý để cho các TCTD xử lý nợ, nhất là nợ xấu.

11. Sửa đổi hợp đồng cho vay:

11.1. Cũng như điều kiện ký kết, các bên cũng không được tự do sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho vay về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ), mà phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

11.2. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của TCTD được thực hiện theo quy định của NHNN[87]. Chẳng hạn, TCTD chỉ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ với điều kiện thời hạn cho vay không thay đổi[88]. Và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đồng thời phải phân loại và trích lập dự phòng theo quy định của pháp luật. Tức là, mặc dù khoản nợ có thể vẫn chưa quá hạn do được gia hạn và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, nhưng không còn thuộc nhóm “Nợ đủ tiêu chuẩn”, mà có thể phải xếp vào các nhóm “Nợ cần chú ý” hoặc nhóm nợ xấu (gồm “Nợ dưới tiêu chuẩn”, “Nợ nghi ngờ” và “Nợ có khả năng mất vốn”[89].

12. Giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay:

12.1. Thời hiệu khởi kiện hợp đồng cho vay:

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm[90].

Nhưng, đến nay chưa xác định được chắc chắn hợp đồng cho vay có bị áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định trên hay không? Lý do là, trước đây Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định 2 trong số các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là “Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu”[91]. Quy định này được giải thích là việc đòi lại tiền cho vay (đòi lại tài sản) sẽ không có thời hiệu.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định như sau: Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”[92]. Như vậy, Bộ luật hiện hành đã bỏ quy định loại trừ thời hiệu trong trường hợp “tranh chấp về đòi lại tài sản”. Trong khi đó, việc đòi lại tiền cho vay của các TCTD lại không thuộc trường hợp “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu”, vì theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”[93].

Vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn rõ có hay không áp dụng thời hiệu khởi kiện 3 năm đối với việc đòi lại tiền theo hợp đồng cho vay.

12.2. Khởi kiện xử lý tài sản bảo đảm tiền vay:

Quan hệ cho vay thường gắn với tài sản bảo đảm tiền vay, nên cũng thường xảy ra tranh chấp về việc bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp tài sản bảo đảm tiền vay là của chính bên vay thì thời hiệu giải quyết tranh chấp về bảo đảm tín dụng đương nhiên phụ thuộc vào thời hiệu giải quyết tranh chấp tín dụng.

Tuy nhiên, trường hợp tài sản bảo đảm tín dụng là của người thứ ba, dù hợp đồng cho vay có thể không có thời hiệu khởi kiện, nhưng nếu hợp đồng bảo đảm của người thứ ba cũng bị kéo dài vô thời hạn thì là điều rất không hợp lý. Vì vậy, một trong những khả năng được đặt ra là có thể bị hết thời hiệu khởi kiện xử lý tài sản bảo đảm của người thứ ba trong thời hạn 3 năm như nêu trên.

Pháp luật cũng quy định được áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với hợp đồng cho vay của TCTD[94].

Hà Nội 20-9-2018    

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

(9.200 chữ)

[1] Khoản 14, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các TCTD năm 2010.

[2]   Một trong những văn bản đầu tiên là Thông tư số 123-LN-KH ngày 31-3-1958 của Ngân hàng Quốc gia và Liên minh Hợp tác xã về “Biện pháp quản lý tiền mặt”.

[3]   Một trong những văn bản đầu tiên là Thông tư số 03-NH/TT ngày 02-4-1985 của Tổng Giám đốc NHNN “Hướng dẫn những chính sách và biện pháp chủ yếu về tín dụng, tiền mặt, thanh toán thực hiện Nghị quyết số 156-HĐBT ngày 30-11-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn để cải tiến qản lý công nghiệp quốc doanh”.

[4]  Một trong những văn bản đầu tiên là Quyết định số 286/2002/QĐ-NHNN ngày 03-4-2002 của Thống đốc NHNN về việc ban hành “Quy chế đồng tài trợ của các TCTD”.

[5]  Một trong những văn bản đầu tiên là Chỉ thị số 5-NH/CT ngày 15-01-1975 củả Tổng Giám đốc NHNN về “Cho vay mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi”.

[6]  Một trong những văn bản đầu tiên là Quyết định số 286/2002/QĐ-NHNN ngày 03-4-2002 của Thống đốc NHNN về việc ban hành “Quy chế Đồng tài trợ của các TCTD”.

[7]  Các “Thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với các tổ chức kinh tế”, ban hành theo Quyết định số 04-NH/QĐ ngày 08-01-1991; Quyết định số 198/QĐ-NH1 ngày 16-9-1994; “Thể lệ tín dụng trung hạn, dài hạn”, ban hành kèm theo Quyết định số 367/QĐ-NH1 ngày 21-12-1995; “Thể lệ tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch Nhà nước”, ban hành kèm theo Quyết định số 77-NH/QĐ ngày 13-6-1991.

[8]  “Thể lệ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình và cho vay tiêu dùng”, ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-NH5 ngày 16-02-1994 ban hành; “Thể lệ cho vay vốn ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất”, ban hành kèm theo Quyết định số 270-QĐ/NH1 ngày 25-9-1995; các “Quy chế Cho vay của TCTD đối với khách hàng”, ban hành kèm theo Quyết định số 324/1998/QĐ-NHNN1 ngày 30-9-1998, số 284/2000/QĐ-NHNN1 ngày 25-8-2000 và số 1627/ 2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001.

[9]   Khoản 10, Điều 20 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các TCTD năm 1997.

[10]  Thông tư số 28/2012/TT-NHNN ngày 03-10-2012  của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về Bảo lãnh ngân hàng” gọi là “Hợp đồng cấp bảo lãnh”.

[11] Khoản 1 và 2, Điều 95 về ”Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất”; khoản 1, Điều 96 về “Lưu giữ hồ sơ tín dụng”; khoản 4, Điều 161 về “Quy định chuyển tiếp”, Luật Các TCTD năm 2010.

[12] Điều 113 về “Hoạt động cho thuê tài chính”, Luật Các TCTD năm 2010.

[13] Khoản 1, Điều 7 về “Quyền tự chủ hoạt động”, Luật Các TCTD năm 2010; Điều 3 về “Quyền tự chủ của TCTD”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[14] Điều 96 về “Lưu giữ hồ sơ tín dụng”, Luật Các TCTD năm 2010.

[15] Khoản 2, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”, “Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng”, ban hành kèm theo Quyết định số 284/2000/QĐ-NHNN1 ngày 25-8-2000 và Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc NHNN.

[16] Khoản 2, Điều 130 về “Công ty hợp danh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005; khoản 2, Điều 172 về “Công ty hợp danh”, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[17] Khoản 2, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”, “Quy chế cho vay của các TCTD đối với khách hàng”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03-02-2005.

[18] Khoản 3, Điều 2 về  “Giải thích từ ngữ”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[19] Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh”, Điều 101 về “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015; Mục 1, “Về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 1 và Điều 101)”, Báo cáo số 1002/BC-UBTVQH13 ngày 22-11-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”.

[20] Như luật Đất đai năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Luật sư năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012.

[21] Điều 99 về “Doanh nghiệp tư nhân” và khoản 2 và 3, Điều 101 về “Quản lý doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 1999; khoản 1, Điều 141 về “Doanh nghiệp tư nhân” và khoản 3 và 4, Điều 143 về “Quản lý doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2005; khoản 1, Điều 183 về “Doanh nghiệp tư nhân” và khoản 3 và 4, Điều 185 về “Quản lý doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

[22] Điều 4 về “Điều khoản chuyển tiếp”, Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 25-12-2016 của Thống đốc NHNN “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19-8-2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 02/2018/TT-NHNN ngày 12-02-2018.

[23] Khoản 1, Điều 7 về “Điều kiện vay vốn”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[24] Khoản 2, Điều 7 về “Điều kiện vay vốn”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[25] Khoản 3, Điều 7 về “Điều kiện vay vốn”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[26] Điều 126 về “Những trường hợp không được cấp tín dụng”, Luật Các TCTD năm 2010.

[27] Điểm b, Khoản 1, Điều 77 về “Những trường hợp không được cho vay”, Luật Các TCTD năm 1997.

[28] Điểm a, khoản 1, Điều 78 về “Hạn chế tín dụng”, Luật Các TCTD năm 1997.

[29] Điểm b, khoản 1, Điều 127 về “Hạn chế cấp tín dụng”, Luật Các TCTD năm 2010.

[30] Điểm b, khoản 1, Điều 78 về “Hạn chế tín dụng”, Luật Các TCTD năm 1997.

[31] Điểm đ, khoản 1, Điều 127 về “Hạn chế cấp tín dụng”, Luật Các TCTD năm 2010.

[32] Điểm đ, khoản 1, Điều 127 về “Hạn chế cấp tín dụng”, Luật Các TCTD năm 2010.

[33] Điều 128 về “Giới hạn cấp tín dụng”, Luật Các TCTD năm 2010; Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 của Thống đốc NHNN “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, đã được sửa đổi, bổ dung theo Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ngày 27-5-2016 và Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28-12-2017.

[34] Khoản 1, Điều 79 về “Giới hạn cho vay, bảo lãnh, chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá khác, cho thuê tài chính”.

[35] Khoản 1, Điều 128 về “Giới hạn cấp tín dụng”, Luật Các TCTD năm 2010.

[36] Khoản 2, Điều 30, Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02-5-2001 của Chính phủ về “Tổ  chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 65/2005/NĐ-CP ngày 19-5-2005 và Nghị định số 95/2008/NĐ-CP ngày 25-8-2008; Khoản 5, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07-5-2014 của Chính phủ về “Hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính”.

[37] Khoản 9, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Quy chế hoạt động bao thanh toán của các TCTD”, ban hành kèm theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 06-9-2004.

[38] Khoản 1, Điều 7 về “Giới hạn bảo lãnh”, “Quy chế bảo lãnh ngân hàng”, ban hành kèm theo Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26-6-2006 của Thống đốc NHNN”.

[39] Khoản 4, Điều 8 về “Giới hạn cho vay, bảo lãnh, chiết khấu giấy tờ có giá”, Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20-05-2010 của Thống đốc NHNN “Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.

[40] Điều 6 về “Xác định số dư bảo lãnh đối với khách hàng”, Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25-6-2015 của Thống đốc NNN “Quy định về bảo lãnh ngân hàng”.”.

[41] Khoản 2, Điều 10 về “Mức chiết khấu, tái chiết khấu đối với một khách hàng”, “Quy chế chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá của TCTD đối với khách hàng”, ban hành kèm theo Quyết định số 1325/2004/QĐ-NHNN ngày 15-10-2004 của Thống đốc NHNN.

[42] Điều 13 về “Mức chiết khấu tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan”, Thông tư 04/2013/TT-NHNN ngày 01-3-2013 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[43] Điểm b, khoản 1, Điều 15 về “Hoạt động của công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng”, Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07-5-2014 của Chính phủ về “Hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính”.

[44] Khoản 13, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”,  Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 của Thống đốc NHNN “Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, đã được sửa đổi, bổ dung theo Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ngày 27-5-2016 và Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28-12-2017.

[45] Điều 469 về “Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn”; Điều 470 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[46] Điều 13 về “Lãi suất cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[47] Khoản 1, Điều 476 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2005.

[48] Quyết định số 2619/QĐ-NHNN ngày 05-11-2010 và Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Thống đốc NHNN về “Mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam”.

[49] Khoản 1, Điều 473 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 1995.

[50] Khoản 3, Mục II, Thông tư số 13/1999/TT-BTM ngày 19-5-1999 của Bộ trưởng Bộ Thương mại “Hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ”.

[51] Khoản 1, Điều 468 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015..

[52] Khoản 2, Điều 91 về “Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của TCTD”, Luật Các TCTD năm 2010.

[53] Điều 1, Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 22-01-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Mức lãi suất cho vay ưu đãi của các TCTD do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về Phát triền và quản lý nhà ở xã hội”; Điều 1, Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 03-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ”.

[54] Khoản 2, Điều 470 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[55] Khoản 1, Điều 14 về “Phí liên quan đến hoạt động cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[56] Khoản 2, Điều 305 về “Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự” Bộ luật Dân sự năm 2005.

[57] Khoản 2, Điều 11 về “Lãi suất cho vay”, “Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng”, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN; điểm c, khoản 4, Điều 13 về “Lãi suất cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[58] Điều 1, Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 03-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ”.

[59] Khoản 2, Điều 357 về “Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[60] Đã được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

[61] Điều 14 về “Phí liên quan đến hoạt động cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[62] Khoản 2, Điều 470 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[63] Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10-3-2011 của Thống đốc NHNN “Quy định về thu phí cho vay của TCTD, ngân hàng hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[64] Điều 292 về “Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[65] Mục 1.4 về “Bắt và cấm giao dịch bảo đảm”, Chương I về “Biện pháp bảo đảm và giao dịch bảo đảm”, Sách “9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017 & 2018.

[66]. Khoản 1 Điều 127 về “Hạn chế cấp tín dụng”, Luật các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[67]. Khoản 1 Điều 11 về “Biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn”, “Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại”, ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10-01-2011 của Thủ tướng Chính phủ.

[68]. Khoản 1 Điều 13 về “Bảo đảm tiền vay”, Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31-3-2017 của Chính phủ về “Tín dụng đầu tư của Nhà nước”.

[69] Khoản 1, Điều 4 về “Nợ xấu”; khoản 1, Điều 19 về “Điều khoản thi hành”, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD”.

[70] Đoạn 1, khoản 1, Điều 405 về “Hợp đồng theo mẫu”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[71] Khoản 5, Điều 3 về “ Giải thích từ ngữ”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[72] Khoản 1, Điều 406 về “Điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[73] Khoản 6, Điều 3 về “ Giải thích từ ngữ”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[74] Khoản 1, Điều 19 về “Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; khoản 1, Điều 8 về “Trách nhiệm đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27-10-2011 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

[75] “Danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”, được ban hành kèm theo Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13-01-2012 của Thủ tướng Chính phủ; đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20-8-2015 và Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg ngày 05-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

[76] Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính”.

[77] Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[78] Khoản 3, Điều 465 về “Nghĩa vụ của bên cho vay”; Điều 470 về “Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[79] Điều 467 về “Sử dụng tài sản vay”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[80] Khoản 1, Điều 95 về “Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất”, Luật Các TCTD năm 2010.

[81] Khoản 2, Điều 95 về “Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất”, Luật Các TCTD năm 2010.

[82] Điều 467 về “Sử dụng tài sản vay”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[83] Khoản 2, Điều 24 về “Kiểm tra sử dụng tiền vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[84] Khoản 3, Điều 94 về “Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay”, Luật Các TCTD năm 2010.

[85] Khoản 4, Điều 95 về “Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất”, Luật Các TCTD năm 2010; khoản 4, Điều 21 về “Chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[86] Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21-01-2013 của Thống đốc NHNN “Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18-3-2014.

[87] Khoản 2, Điều 95 về “Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất”, Luật Các TCTD năm 2010.

[88] Khoản 1, Điều 19 về “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc NHNN “Quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.

[89] Điều 10 về “Phân loại nợ và cam kết ngoại bảng theo phương pháp định lượng”, Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21-01-2013 của Thống đốc NHNN “Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18-3-2014.

[90] Điều 429 về “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[91] Điểm a, khoản 3, Điều 159 về “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (đã hết hiệu lực).

[92] Khoản 2, Điều 155 về “Không áp dụng thời hiệu khởi kiện”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[93] Điều 464 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

[94] Điều 8 về “Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án”, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD”; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Toà án nhân dân”.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.413. "Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ...

"Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ nếu gia hạn Thông tư 02". (VNF)...

Trích dẫn 

3.967. Điều lưu tâm từ một phiên toà.

Điều lưu tâm từ một phiên toà. Ly hôn đã 5 năm, bỗng nhiên cách đây...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,508