(ĐT) – Tại Hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp (DN) về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tổ chức ngày 9/10/2012 tại Hà Nội, vấn đề được nhiều DN quan tâm là việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn.
Điểm d, Điều 155, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định: “Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp thế chấp tại ngân hàng ở nước ngoài do Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể”.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vấn đề thế chấp này hiện có hai ý kiến trái chiều. Quan điểm thứ nhất đề nghị chưa nên quy định điểm này trong Luật Đất đai sửa đổi lần này, mà giao Chính phủ quy định rõ tiêu chí và xác định cụ thể các trường hợp được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng nước ngoài để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quan điểm thứ hai đề nghị cần quy định rõ trong Luật Đất đai là, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài để huy động vốn đối với một số trường hợp cụ thể.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, quy định về quyền thế chấp đất của tổ chức còn bất hợp lý ở việc hạn chế không cho tổ chức kinh tế thế chấp tại các tổ chức kinh tế và cá nhân khác để phục vụ sản xuất – kinh doanh.
Đại diện Công ty VILAF (Vietnam International Law Firm) nhận xét: “Hiện các quy định thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức ở bên ngoài Việt Nam để vay vốn mới chỉ dừng lại ở quy định chung. Các trường hợp này sẽ do Chính phủ Việt Nam quy định. Cần quy định cụ thể các trường hợp được phép thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức bên ngoài Việt Nam. Dự thảo Luật cần có quy định đảm bảo quyền sử dụng đất được dùng làm tài sản đảm bảo”.
Chia sẻ quan điểm này, Luật sư Lê Thanh Sơn (Văn phòng Luật sư AIC) cho rằng, cần thiết phải có quy định về việc cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn, bởi vì như vậy vừa biểu hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế, vừa phù hợp với Bộ luật Dân sự 2005 khi cho phép các tổ chức, cá nhân toàn quyền trong việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp góp vốn bằng tài sản của mình.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn là vấn đề nhạy cảm, vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia. Vì vậy, cần ràng buộc các điều kiện cực kỳ chặt chẽ, phải tính toán làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đồng thời đảm bảo chủ quyền về đất đai.
Để giải quyết vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, cần có các quy định cụ thể về xử lý hậu quả pháp lý, như ủy thác cho các tổ chức tín dụng trong nước xử lý, phát mãi tài sản hoặc thông qua hình thức bảo lãnh đối ứng…
Có thể thấy, trong điều kiện nguồn vốn trong nước có hạn, huy động vốn trên thị trường quốc tế không dễ dàng, nhiều dự án cần nguồn vốn rất lớn, thì việc nghiên cứu mở thêm kênh huy động vốn dồi dào góp phần khơi thông bế tắc, gỡ khó khăn cho cả DN lẫn ngân hàng là điều rất cần thiết. Đây cũng là vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm, chưa có thực tế để để tổng kết rút kinh nghiệp, nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Hữu Tuấn
————–
Đầu tư 11-10-2012: