(TBKD) – Nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính đã phải “ngậm đắng, nuốt cay” vì không thu hồi được tài sản đã cho thuê, như: tàu biển, phương tiện, máy móc… Tệ hơn, khi khách hàng thuê tài chính đã bị kiệt quệ, không trả nợ thì các đơn vị này cũng khó thu hồi tài sản, hoặc tài sản giảm giá trị, chỉ còn cách… bán sắt vụn!
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động cho thuê tài chính. Theo đó điều chỉnh, bổ sung một số nội dung để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, bám sát chương trình tái cơ cấu các TCTD. Đặc biệt, phù hợp với thực tiễn cho thuê tài chính đã phát triển quá “nóng” thời gian qua, gây ra nợ xấu lớn.
Khó xử lý nợ xấu
Nguyên nhân của thực trạng này, theo NHNN, là do năng lực, quản trị, điều hành của công ty cho thuê tài chính còn hạn chế, đặc biệt là quản trị rủi ro. Một số công ty có kế hoạch, chiến lược hoạt động kinh doanh không phù hợp, vượt quá năng lực, trong khi quy mô hoạt động nhỏ, vốn điều lệ và uy tín thấp, huy động vốn gặp khó khăn (chủ yếu từ TCTD). Việc tập trung cho thuê vào một số ít khách hàng có chung lĩnh vực kinh doanh trong tập đoàn hoặc tổng công ty và cho vay một số lĩnh vực có rủi ro cao như tàu thủy đã dẫn đến rủi ro hoạt động.
Do đó, trong dự thảo Thông tư mới, NHNN đã đề xuất bổ sung thêm quy định về điều kiện hoạt động của công ty cho thuê tài chính và công ty tài chính là phải đảm bảo “điều kiện về đội ngũ cán bộ, nhân viên đủ trình độ chuyên môn, quy định nội bộ về cấp tín dụng dưới hình thức cho thuê tài chính…”.
Về cơ bản, nội dung dự thảo Thông tư mới kế thừa các quy định hiện hành và được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Hiện nay, các công ty cho thuê tài chính phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN. Trong bối cảnh khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng thuê tài chính khá hạn chế, khiến nợ xấu của các tổ chức này không hề nhỏ. Trong khi việc xử lý tài sản cho thuê, nhất là tài sản do khách hàng đứng tên sở hữu hiện rất phức tạp. Do đó, dự thảo Thông tư mới vẫn “mở” lối cho phép TCTD được cơ cấu lại nợ cho khách hàng thuê tài chính.
Các tàu biển bị ALC I thu hồi
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, dự thảo quy định khá chung chung về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn, giảm lãi tiền thuê tài chính đối với khách hàng khó khăn. Có nghĩa, việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng sẽ phụ thuộc vào quy định nội bộ của từng công ty. Ông Đức cũng thừa nhận thực tế có thể công ty tài chính, cho thuê tài chính và khách hàng sẽ “lách” quy định này để thực hiện việc “đảo nợ”, che giấu nợ xấu.
Về hình thức, các TCTD đứng ra mua tài sản, sau đó cho doanh nghiệp (DN) thuê lại tài sản để kinh doanh. Hoặc cho vay vốn mua tài sản do TCTD hoặc DN đứng tên sở hữu, được đảm bảo bằng chính tài sản đó. Bản chất, đây là khoản tín dụng cấp cho nhóm khách hàng đặc thù, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bỏ rơi tài sản trăm tỷ
Dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng lượng vốn đổ vào hoạt động cho thuê tài chính ước chừng lên tới hàng chục nghìn tỷ. Trong đó, vốn chủ yếu được rót mạnh vào các dự án đầu tư tàu bè của khối DN vận tải đường thủy, đường biển. Đến khi kinh doanh thua lỗ, các DN thuê tàu không còn khả năng trả nợ, buộc các TCTD phải tự xử lý tài sản.
Đơn cử, cuối tháng 3/2013, tàu Dynamic Bright của Công ty Cho thuê tài chính ALC II (thuộc Agribank) đã được kéo về khu vực bến phà Đình Vũ (Hải Phòng) để chờ bán thanh lý. Được biết, ALC II đã cho Công ty TNHH Thương mại – Vận tải biển Long Thịnh (Tp.HCM) thuê tàu Dynamic khai thác, quản lý theo hình thức cho thuê tài chính. Tuy nhiên, công ty này đã không trả được nợ, buộc ALC II phải bắt giữ tàu, bán thanh lý để thu nợ. Trong tình cảnh thị trường tàu biển ế ẩm, giá chào bán tàu Dynamic cũng chỉ tương đương giá sắt vụn, khoảng 16 tỷ đồng. Mức giá này, theo các chủ buôn tàu cũ, thì ALC II, cầm chắc lỗ.
Tương tự, tàu Đại Phát của ALC II cũng bị bỏ rơi ở khu neo đậu cả năm trời do công ty thuê tàu khai thác kém, không trả được nợ.
Từ năm 2010, Công ty Cho thuê tài chính ALC I (thuộc Agribank) đã ngừng cho thuê, thuê mua tàu, mà chỉ tập trung xử lý khối nợ lên tới hơn 2.000 tỷ đồng từ hoạt động này. Một lãnh đạo của ALC I từng chia sẻ: từ năm 2008 đến giờ, cước vận tải biển sụt giảm tới 50 – 60%, các chi phí tăng cao nên phần lớn chủ tàu và người thuê tàu không có lãi hoặc bị lỗ nặng, khiến nợ xấu của ALC I gia tăng.
Dù công ty đã liên tục giãn nợ, giảm lãi, hỗ trợ hết mức, nhưng khách hàng vẫn không trả được nợ. Bước đường cùng, ALC I đã phải thu hồi tàu. Nhưng tàu thu về cho thuê tiếp rất khó, mà bán thanh lý tài sản thì giá rẻ, bị lỗ vốn. Việc xử lý các tàu biển cũ cũng không đơn giản, mà phải tuân theo các quy định pháp luật và trải qua quy trình phức tạp. Do đó, khối tài sản tàu bè trị giá hàng trăm tỷ đồng giờ chỉ còn là đống sắt vụn, vẫn tiếp tục “làm khó” chính các ngân hàng, công ty cho thuê tài chính.
Thu Hằng
————–
Thời báo Kinh doanh 31-7-2013:
(101/1.131)