Chủ sợ con nợ
(ANVI) – Đỉnh cao cỡ nào hay thánh thần, trời phật ra sao, cái gì thì cũng có hai mặt hay – dở, tốt – xấu, lợi – hại, phải – trái, chứ chẳng riêng gì dịch vụ đòi nợ thuê.
Vấn đề là cần phải dùng cơ chế, ý chí và luật pháp áp đặt để quản lý, duy trì, hạn chế, phong bế, kiềm tỏa mặt hại, cái xấu, đồng thời với việc khuyến khích, phát huy, o bế, đề cao mặt lợi, cái tốt.
Dịch vụ đòi nợ là điều tất yếu cần thiết trong cái thời buổi thừa mứa lừa lọc, hiếm hoi chữ tín như hiện nay. Pháp luật cũng đã có nhiều quy định liên quan về phạt lãi suất chậm trả khá nặng 150%, về thu giữ tài sản bảo đảm và về việc mua bán, đòi nợ thuê.
Thậm chí Bộ luật Hình sự đã ra tay với quy định rõ ràng tại Điều 175: Vay tiền, có khả năng mà không trả, thì bị trừng trị vì “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thế mà hiện nay lại nhăm nhe sửa Luật Đầu tư cấm dịch vụ đòi nợ, sợ nó ngang với mại dâm, ma túy[1].
Dù quyết tâm theo đuổi kinh tế thị trường, nhưng dường như tư duy vẫn chưa đi theo lẽ công bằng, mà chỉ nghĩ bảo vệ bên yếu thế. Đó là sự nhầm lẫn tai hại trong mối quan hệ bảo vệ quyền sở hữu và bảo vệ quyền của chủ nợ.
Trong việc đòi nợ thì chủ nợ mới chính là bên yếu thế, ngược với lúc cho vay hay bán chịu. Quan trọng hơn là bảo vệ cái gốc, đó là quyền sở hữu là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, chư không phải cái ngọn là con nợ.
Ngày 31-7-2019
[1] Luật Đầu tư 2020 đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.