315. Bình luận Dự thảo Luật Quản lý thuế.

(ANVI) Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC bình luận Dự thảo trình Quốc hội 11-2018, tại Hội thảo do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.

                                                                                                                                       

1. Về “Phạm vi điều chỉnh” (Điều 1):

1.1. Quy định:

Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” của Dự thảo quy định như sau:

“1. Luật này quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là thuế) do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.

  1. Căn cứ quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, Chính phủ quy định việc quản lý thu đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu”.

Viết như trên là thiếu logic, vì khoản 1 đã quy định thuế và các khoản khác rõ ràng không phải là thuế (nhất là được giải thích rất rõ tại khoản 1 Điều 3 về “Giải thích từ ngữ” thế nào là thuế và tại khoản 2 và 3 thế nào là “các khoản thu khác”, nhưng ngay sau đó lại được gọi chung là thuế. Rồi mặc dù “gọi chung là thuế”, nhưng một số điều ngay trong Dự thảo vẫn phải sử dụng cụm từ “thuế và các khoản thu khác”. Vì vậy, cần tìm một khái niệm khác để bảo đảm bao quát một cách hợp lý.

Đồng thời, khoản 1 đã quy định bao quát hết phạm vi điều chỉnh, thì khoản 2 chỉ có thể là trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh hoặc quy định trường hợp ngoại lệ.

1.2. Kiến nghị:

Vì vậy cần sửa đổi khoản 2 nêu trên như sau:

“2. Đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước và không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu thì cũng được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của Chính phủ”.

2. Về “Đối tượng áp dụng” (Điều 2):

2.1. Quy định:

2.1.1. Dự thảo đề cập đến đối tượng áp dụng và các đối tượng phải tuân thủ Luật với nhiều quy định khác nhau như:

  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân” tại khoản 1, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”;
  • Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế” và “Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và tổ chức khác được cấp một mã số thuế” tại Điều 30 về “Đối tượng đăng ký thuế và cấp mã số thuế”;
  • Cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế thay cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công…” tại khoản 3, Điều 33 về “Thời hạn đăng ký thuế lần đầu”;
  • Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh” tại điểm a, khoản 2, Điều 37 về “Đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh”;
  • Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh” tại điểm a, khoản 2, Điều 40 về “Khôi phục mã số thuế”.

2.1.2. Các quy định trên là không thống nhất và chỉ phù hợp với hệ thống pháp luật thiếu chính xác trước đây. Hiện nay, mọi chủ thể giao dịch pháp luật, cần phải được chỉnh sửa dần dần từng bước theo hướng, nếu không phải là cá nhân thì chỉ có pháp nhân (kể cả Nhà nước là một loại pháp nhân đặc biệt) mới có tư cách pháp lý tham gia các quan hệ pháp luật. Hay nói cách khác, tất cả các tổ chức (kể cả hộ kinh doanh, hộ gia đình theo quy định của pháp luật và Điều 51 về “Xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế”, hay là “hộ” theo quy định tại Điều 31 về “Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu” của Dự thảo), nếu không phải là pháp nhân thì phải giao dịch với tư cách là một hoặc nhiều cá nhân (theo đúng quy định tại Điều 101 về “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015). Trường hợp cần phải sử dụng cụm từ “hộ gia đình”, “hộ kinh doanh”, “tổ hợp tác” hay tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, thì phải được hiểu là thuộc loại chủ thể “cá nhân”.

Chính Dự thảo luật cũng như các Luật thuế đã đề đến nhiều lần cụm từ “người nộp thuế” cũng đã thế hiện, chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân (đều có chung chữ nhân là người).

2.2. Kiến nghị:

Cần phải sửa quy định tại Dự thảo luật này nói riêng, tất cả các luật khác nói chung cần phải thống nhất sửa đổi thành chỉ có 2 chủ thể là “cá nhân” và “pháp nhân” để bảo đảm đúng nguyên tắc pháp lý, cũng như các điều 1 và 101 của Bộ luật Dân sự năm 2015, đã được giải thích rõ tại Mục 1 về “phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự”, Báo cáo só 1002/BC-UBTVQH13 ngày 22-11-2015 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

3. Về “Giải thích từ ngữ” (Điều 3):

3.1. Quy định:

3.1.1. Có một số từ ngữ tại Điều 3 về “Giải thích từ ngữ” của Dự thảo đã được giải thích nhưng lại không được sử dụng bất cứ lần nào khác trong Dự thảo như:

  • Cụm từ “Đại diện của người nộp thuế” tại khoản 4;
  • Cụm từ “Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế” tại khoản 14;
  • Cụm từ “Quản lý rủi ro trong quản lý thuế”, tại khoản 16;
  • Cụm từ “Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế” tại khoản 17 (ngoại trừ  nhắc lại 1 lần nữa tại chính khoản này);
  • Cụm từ “Cơ sở dữ liệu thương mại”, tại khoản 19

3.1.2. Có một số từ ngữ tại Điều 3 về “Giải thích từ ngữ” của Dự thảo đã được giải thích nhưng lại chỉ được sử dụng 1 lần nữa trong Dự thảo:

  • Cụm từ “Trụ sở của người nộp thuế” tại khoản 5, chỉ được nhắc đến 1 lần nữa tại điểm c, khoản 1, Điều 109 về “Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế”;
  • Cụm từ “Tờ khai hải quan” tại khoản 9, chỉ được nhắc đến 1 lần nữa tại khoản 1, Điều 35 về “Sử dụng mã số thuế”
  • Cụm từ “Rủi ro về thuế” tại khoản 15, chỉ được nhắc đến 1 lần nữa tại điểm d, khoản 1, Điều 110 về “Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế”;
  • Cụm từ “Hệ thống thông tin quản lý thuế” tại khoản 21, chỉ được nhắc đến 1 lần nữa tại khoản 1, Điều 96 về “Xây dựng, thu thập, xử lý và quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế”;
  • Cụm từ “Nguyên tắc giao dịch độc lập” tại khoản 22, chỉ được nhắc đến 1 lần nữa tại điểm a, khoản 4, Điều 42 về “Nguyên tắc khai thuế và tính thuế”;
  • Cụm từ “Nguyên tắc bản chất quyết định hình thức” tại khoản 23, chỉ được nhắc đến 1 lần nữa tại điểm a, khoản 4, Điều 42 về “Nguyên tắc khai thuế và tính thuế”;
  • Cụm từ “Các trường hợp bất khả kháng” tại khoản 24, nhưng khi sử dụng ở các điều khác thì lại chuyển thành “trường hợp bất khả kháng” (không có chữ “các”), như tại khoản 9, Điều 59 về “Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế”, điểm a, khoản 1, Điều 62 về “Gia hạn nộp thuế” và khoản 5, Điều 93 về “Cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử”.

3.1.3. Cụm từ “bản chất kinh tế” được sử dụng tại điểm h, khoản 1, Điều 50 về “Ấn định thuế đối với người nộp thuế nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế” và điểm e, khoản 1, Điều 52 về “Ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu” không biết liên quan thế nào với cụm từ “Nguyên tắc bản chất quyết định hình thức” tại khoản 23, Điều 3 nêu trên?

3.2. Kiến nghị:

Việc giải thích từ ngữ chỉ đặt ra khi cần sử dụng nhiều lần, tránh tình trạng không sử dụng hoặc lại sử dụng từ ngữ khác với từ ngữ đã được giải thích.

Trong trường hợp không sử dụng, hay chỉ xuất hiện 1 lần hoặc tại 1 Điều luật, thì không giải thích hoặc cần giải thích ngay tại chính mục, điều, khoản nơi nó xuất hiện.

Nếu đã giải thích từ ngữ, thì sau đó phải sử dụng đúng từ ngữ đó, chứ không viết khác đi.

3.3. Quy định:

Điểm b, khoản 24, Điều trên quy định “b) Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật dân sự”.

3.4. Kiến nghị:

Việc quy định trên là không hợp lý, vì cả 3 Bộ luật Dân sự tử trước đến nay không có giải thích chung về “bất khả kháng”. Điều 156 về “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định sự kiện bất khả kháng liên quan đến thời hiệu khởi kiện, chứ không phải là để áp dụng chung.

4. Về “Nguyên tắc quản lý thuế” (Điều 5):

4.1. Quy định:

Khoản 4, Điều 5 về “Nguyên tắc quản lý thuế” của Dự thảo quy định “Áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế”.

4.2. Kiến nghị:

Nếu đưa nguyên tắc trên vào thì phải giải thích và quy định cụ thể, ví dụ như nguyên tắc thứ 5 “Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế” đã được cụ thể hóa tại Điều 9 của Dự thảo.

5. Về “Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế” (Điều 6):

5.1. Quy định:

Điều 6 về “Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế” của Dự thảo quy định “nghiêm cấm” 7 nhóm hành vi, trong đó có một số hành vi là dấu hiệu phạm tội hình sự như “thông đồng, móc nối, bao che” trốn thuế, một số hành vi khác chưa đến mức xử lý hình sự.

5.2. Kiến nghị:

Chỉ nên quy định cấm, không cần phải quy định “nghiêm cấm”. Đồng thời, bỏ hành vi “móc nối”, vì đã nằm trong “thông đồng, bao che”. Điều 200 về “Tội trốn thuế” và Điều 223 về “Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng”, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng chỉ quy định “thông đồng, bao che”.

Đối với phạm vi rộng hơn, cũng cần cân nhắc và thống nhất trong Luật, khi nào sử dụng từ “không được”, “cấm” và “nghiêm cấm”.

6. Về “Quyền của người nộp thuế” (Điều 16):

6.1. Quy định:

  • Khoản 3, Điều 16 về “Quyền của người nộp thuế” của Dự thảo quy định một trong các quyền của người nộp thuế là “ Được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật”.
  • Việc quy định bí mật và công khai thông tin về thuế “theo quy định của pháp luật” là không hợp lý, không phù hợp với các quy định sau:
  • Quy định tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 “ Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
  • Quy định tại khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015: “ Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

6.2. Kiến nghị:

Các vấn đề nêu trên cần thiết phải được quy định trong Luật này. Tức là, Luật cần quy định cụ thể trường hợp nào bí mật, trường hợp nào cần công khai để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện. Đặc biệt thông tin về tổng số thuế phải nộp hằng năm của cá nhân và pháp nhân cần được công khai để góp phần vinh danh đối tượng nộp thuế nhiều (danh sách 1.000 đơn vị nộp thuế lớn nhất lâu nay không có số tiền), đồng thời góp phần phòng chống tình trạng trốn thuế, chây ỳ nộp thuế (khoản 6, Điều 19 vè “Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế” của Dự thảo quy định “công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế”.

7. Về “Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại trong việc quản lý thuế” (Điều 27):

7.1 Quy định:

Điều này của Dự thảo chỉ quy định trách nhiệm của Ngân hàng thương mại, trong đó có trách nhiệm “khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế” (khoản 3), “trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế” (khoản 4).

Theo quy định tại khoản 3 và 9, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì “ngân hàng thương mại” không bao gồm “chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

7.2. Kiến nghị;

Vì vậy, cần xem xét mở rộng, không chỉ ngân hàng thương mại mà là các tổ chức tín dụng, bao gồm cả ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác, vì đều có thể giữ tiền gửi của khách hàng.

8. Về “Sử dụng mã số thuế” (Điều 35):

8.1. Quy định:

Khoản 1, Điều 35 về “Sử dụng mã số thuế” của dự thảo quy định một trong các nghĩa vụ của người nộp thuế là phải “mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác”.

Quy định trên chưa bao quát được đối tượng là “Chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, không thuộc nhóm các “tổ chức tín dụng” cũng như “ngân hàng thương mại theo quy định tại Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh”, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

8.2. Kiến nghị:

Vì vậy, phải viết là “mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng khác” hoặc “mở tài khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

9. Về “Hồ sơ khai thuế” (Điều 43):

9.1. Quy định:

Khoản 3, Điều 43 về “Hồ sơ khai thuế” quy định:

“3. Hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm bao gồm:

  1. a) Hồ sơ khai thuế năm gồm Tờ khai thuế năm và các tài liệu khác liên quan đến xác định số thuế phải nộp;
  2. b) Hồ sơ khai quyết toán thuế khi kết thúc năm gồm Tờ khai quyết toán thuế năm, báo cáo tài chính năm, tờ khai giao dịch liên kết;các tài liệu khác liên quan đến quyết toán thuế”.

Quy định trên không phân biệt quyết toán thuế của doanh nghiệp, pháp nhân và cá nhân, gây khó khăn rất lớn cho việc nộp thuế và quyết toán thuế của cá nhân không kinh doanh.

9.2. Kiến nghị:

Nên quy định thuế thu nhập của cá nhân nộp theo các mức lũy tiến nhất định, chẳng hạn như thu nhập trên 5 triệu đến 20 triệu nộp 10%, đến 50 triệu nộp 15%, trên 50 triệu/lần đồng nộp 20% thay vì phải cộng toàn bộ thu nhập để quyết toán thuế rất phức tạp, rắc rối.

Trường hợp không thay đổi, thì cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế thông báo số liệu thuế đã theo dõi trên hệ thống cho người nộp thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quyết toán thuế.

10. Về “Xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế” (Điều 51):

10.1. Quy định:

Điểm a, Mục 22 về “Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh”, Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) số 65/BC-BTC ngày 05-10-2018 của Bộ Tài chính đã nêu “số hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên là 102.095 hộ, nhiều hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn thường xuyên có doanh thu lên đến vài trăm tỷ đồng/năm”.

Các hộ kinh doanh này là một chủ thể kinh doanh chuyên nghiệp, về bản chất là một loại hình doanh nghiệp. Sở dĩ có hộ kinh doanh này là do nhiều năm dài không thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân và các công ty, doanh nghiệp tư nhân. Đáng lẽ cần phải xóa bỏ và chuyển đổi dần hộ kinh doanh thành doanh nghiệp kể từ khi có các Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và nay là 2014.

10.2. Kiến nghị:

Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thường xuyên, liên tục thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh thì cần nhanh chóng xóa bỏ để chuyển thành loại hình doanh nghiệp và có quy định quản lý phù hợp.

Chỉ duy trì hộ gia đình và cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không thuộc trường hợp bắt buộc phải dăng ký kinh doanh nói chung và đăng ký mã thuế nói riêng (chỉ đăng ký với tư cách cá nhân không kinh doanh).

Trong thời gian vẫn duy trì “hộ kinh doanh” thì cần giảm thiểu việc khoán thuế theo quy định tại Điều 51 về “Xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế”.

11. Một số vấn đề khác

Đề nghị rà soát về từ ngữ, câu chữ cho thống nhất. Ví dụ như:

  • Đề nghị sửa từ “hàng năm” thành “hằng năm” tại khoản 3, Điều 98 vè “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế”;
  • Đề nghị sửa “tiết a”, thành “điểm a” tại khoản 2, Điều 27 về “Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại trong việc quản lý thuế”;
  • Đề nghị sửa “thời hạn mười ngày (10) làm việc” thành “thời hạn 10 ngày làm việc” tại Điều 33 về “Thời hạn đăng ký thuế lần đầu”, cho thống nhất với cách viết của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (bỏ viết con số bằng chữ).

Hà Nội 06-11-2018   

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.416. Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn...

Nhân viên ngân hàng lại dụ khách góp vốn vào công ty con, "núp bóng" gửi tiết kiệm. (TBTC)...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,066