Luật quyền huyền ảo
(ANVI) – Của cải ngày xưa, tài sản ngày nay là thứ muôn đời mong ngóng, hy vọng, lật lọng, tranh giành, đồng hành với cuộc sống, nhưng trông luật chẳng dễ để hiểu rõ nó là cái quái quỷ gì?
Điều khoản 105.1 về “Tài sản”, Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Cái thứ tư thì cứ chung chung, mông lung như giải thích tại Điều 115 về “Quyền tài sản” tiếp theo: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
Cũng theo Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu tài sản sẽ có đủ 3 quyền: Chiếm hữu, sử dụng và định đoạt, do đó mới được mang bán, trao đổi, tặng cho, thế chấp,… tới tấp. Người sử dụng đất thì dĩ nhiên là chỉ có quyền chiếm hữu và quyền sử dụng chứ không thể nào nhảy vào quyền định đoạt. Nhưng cứ thế thì nói làm gì.
Thiên tài ở chỗ đã tách quyền sử dụng đất thành một tài sản riêng. Và vì vậy, mới cho người sử dụng cũng có quyền sở hữu. Bằng chứng rõ nhất là người sử dụng cũng có đủ quyền chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, góp vốn,… và thế chấp quyền sử dụng đất. Trong khi Điều khoản 295.1 về “Tài sản bảo đảm”, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như đinh đóng cột: “1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm”.
Như vậy, với đất đai là vật đồng thời là quyền, là tài sản đè tài sản, là sở hữu chồng sở hữu.
Ngày 07-8-2019