(TBKD) – Thời điểm đầu năm, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể cho 4 nhóm ngân hàng, nhiều người cho rằng sẽ khó có thể có một cuộc chạy đua lãi suất trong năm 2012 do các ngân hàng đã bị chặn đầu ra. Tuy nhiên, câu chuyện đã đi theo hướng hoàn toàn khác khi mà chỉ cho tới nửa cuối năm, NHNN đã rất “hào phóng” khi cho phép nới chỉ tiêu tăng trưởng của nhiều ngân hàng. Do vậy, xuất hiện nhiều lo ngại về tình trạng chạy đua khó có thể khác biệt so với các năm khác, nhất là càng về cuối năm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp (DN) càng cao trong khi việc huy động lại gặp nhiều khó khăn do nhu cầu chi tiêu của người dân.
Ngay từ đầu tháng 9 đã xuất hiện nhiều ngân hàng chạy đua lãi suất huy động để thu hút khách hàng gửi tiền. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở một số ngân hàng có khó khăn về thanh khoản, mà ngay cả ngân hàng lớn, dồi dào thanh khoản cũng bị “cuốn theo” bởi áp lực cạnh tranh đầu vào. Dẫn tới không chỉ vấn đề lãi suất cho vay sẽ bị đội lên theo, mà còn là hiệu ứng cộng hưởng tới tâm lý tiêu cực chung cho thị trường và cả những ảnh hưởng kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm. Quan trọng hơn nữa là mặc dù vốn huy động vẫn tăng, nhưng DN lại không thể tiếp cận, cho thấy vốn đang bị “mắc” vào những khoản nợ xấu hay “chạy lòng vòng” trong hệ thống.
Ts. Nguyễn Thị Mùi – chuyên gia tài chính – ngân hàng, lo ngại: “Tình trạng vốn “mắc” trong hệ thống ngân hàng mà không ra được nền kinh tế là rất đáng lo, bởi điều này sẽ dẫn tới lợi nhuận thu về không xuất phát từ gốc rễ là sản xuất – kinh doanh, mà chỉ là lòng vòng kiếm lợi nhuận của nhau”. Thực trạng này có thể dẫn tới hệ quả nghiêm trọng, thoái lui sản xuất và niềm tin vào hệ thống ngân hàng bị suy giảm, trong khi hoạt động của ngân hàng chủ yếu là dựa trên niềm tin và chữ tín.
Tại một buổi đối thoại diễn ra mới đây giữa ngân hàng và DN, bà Trần Kim Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt len Mùa Đông, bày tỏ bức xúc với chính sách không để một ngân hàng nào đổ vỡ như hiện nay.
“Ngân hàng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và cũng tự nhận mình là một DN, vậy tại sao khi những DN thông thường phải phá sản do hoạt động kém hiệu quả thì ngân hàng vẫn được Nhà nước bảo hộ, không để đổ vỡ ngân hàng nào. Chính điều này đã dẫn tới việc làm liều của các ngân hàng như hiện nay”, bà Phương khẳng định.
Đúng là từ trước tới nay, các ngân hàng thường “ỷ lại” vào tính chất đặc trưng mang tên “rủi ro hệ thống” mà cho rằng việc đổ vỡ của một ngân hàng phức tạp hơn so với việc đổ vỡ của DN. Tuy nhiên, rõ ràng có nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền thay vì luôn đảm bảo hoạt động của ngân hàng không bị đổ vỡ để các ngân hàng hoặc hoạt động lành mạnh hơn hoặc chấp nhận rời khỏi “cuộc chơi”.
Thêm nữa, theo chuyên gia kinh kế Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thì bản thân chính sách trong hoạt động của ngân hàng hiện nay cũng không công bằng, đánh đồng tất cả đối tượng tham gia trên thị trường. Đơn cử như ngân hàng thương mại nhà nước được hỗ trợ vốn của Nhà nước với nguồn vốn dồi dào, cũng có lãi suất cho vay giống như các ngân hàng TMCP với vốn chủ yếu huy động tiền gửi. Chính vì chính sách không phù hợp với hoạt động theo cơ chế thị trường, nên mặc dù ra chỉ thị trần lãi suất, nhưng lại không thể thực hiện được, vẫn xuất hiện trường hợp “lách luật”.
Khi được hỏi liệu có lo ngại cuộc chạy đua lãi suất vào thời điểm cuối năm của các ngân hàng như những năm trước hay không, bà Phương cho biết sẽ không bất ngờ với việc lãi suất cao vào thời điểm cuối năm, vì huy động cao thì mặc nhiên lãi suất cho vay sẽ cao. Tuy nhiên, vị đại diện DN này cho rằng việc chạy đua lãi suất cuối năm nay sẽ không “nóng” bằng các năm trước, vì số lượng DN phá sản tương đối lớn nên lượng vốn cần có thể ít hơn. Mặt khác, số ngân hàng liều huy động cao cũng chỉ chiếm phần nhỏ, và vấn đề thanh khoản cũng không phải là vấn đề quá “nóng” trong năm nay.
Theo ý kiến của bà Mùi: “Nếu đã nhìn thấy cuộc chạy đua lãi suất rất có thể xảy ra thì cần có những biện pháp ngắn hạn trước mắt để hạn chế ảnh hưởng tới nền kinh tế. Cần nhìn vào nội tại của từng ngân hàng xem con số nợ xấu thực chất là bao nhiêu, đầu tư đi những đâu…, và từ đó khắc phục những yếu kém, bởi nếu không thì vĩ mô cũng không thể ổn định, và dòng vốn cũng không thể đi vào sản xuất – kinh doanh với đúng giá vốn của nó”.
Minh Chi
————–
Thời báo Kinh doanh 24-10-2012:
http://www.vnbusiness.vn/441/news-detail/391577/lang-kinh/dang-lo-chay-dua-lai-suat-cuoi-nam-.html