319. Cơ chế pháp lý cản bước xử lý nợ xấu

(TBNH) – Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức cho rằng, hệ thống pháp lý là một trong những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện khi giải quyết nợ xấu có liên quan đến tài sản thế chấp.

Luật sư Trương Thanh Đức

Một khoản nợ có công chứng giao dịch đảm bảo rồi, đăng ký đầy đủ thủ tục pháp lý và ngân hàng là người luôn giữ giấy tờ sở hữu chính. Thế nhưng khi cần phải xử lý, thu hồi nợ thì ngân hàng gần như không có bất cứ quyền gì mà hoàn toàn phụ thuộc vào bên chủ tài sản.

Nếu họ không hợp tác, ngân hàng sẽ khó thu giữ được tài sản, không phát mại được và phải nhờ đến cơ quan pháp luật. Song điều đáng nói ở đây, khi đưa ra tòa án chỉ một vụ việc bình thường không có gì phức tạp, mâu thuẫn nhưng thủ tục, quy trình xử lý rất phức tạp, rườm rà. Điều này sẽ làm cho nợ xấu ngày càng trầm trọng.

“Tôi cho rằng, đáng lẽ với những khoản vay có giấy tờ đầy đủ rồi sẽ phải xử lý nhanh trong vòng vài tháng nhưng chúng ta phải luôn mất vài năm mới xong”, luật sư Đức băn khoăn.

Vậy theo ông cần có giải pháp nào cho vấn đề trên?

Các khoản nợ xấu cũ không được xử lý sẽ dồn ứ, chất lên khoản mới và làm mất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội… cho các bên liên quan. Do đó, theo tôi phải quan tâm đặc biệt đến đẩy nhanh thủ tục pháp lý. Tức là tạo điều kiện tối đa cho các ngân hàng làm việc với cơ quan pháp luật từ Tòa án, Công an đến cơ quan Quản lý nhà đất… Có như vậy mới đẩy nhanh việc xử lý tài sản phát mại.

Còn hiện tại chúng ta vẫn đang giải quyết các vụ việc như trong điều kiện nền kinh tế trước đây mà không có cách ứng xử thích ứng đối với khoản nợ xấu trong thời điểm nước sôi lửa bỏng như hiện nay. Nếu không giải quyết vướng mắc về cơ chế thì đây cũng là lực cản làm khó cho VAMC khi xử lý nợ xấu .

Theo ông, vai trò của trọng tài thương mại trong việc xử lý nợ xấu như thế nào?

Trọng tài thương mại cũng là cơ chế giải quyết khá nhanh chóng. Bởi ở đó có nhiều chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực liên quan… nhưng lại chưa được sử dụng nhiều. Mãi đến năm 2010 mới ban hành Luật Trọng tài thương mại, khi đó mới tăng thẩm quyền, địa vị cho trọng tài.

Nhưng, thực tiễn thị trường vẫn chưa quen, hầu hết các hợp đồng mọi người vẫn tự thỏa thuận rằng nếu có tranh chấp sẽ kéo nhau ra tòa khởi kiện. Còn nếu trước khi ký hợp đồng, các bên có thỏa thuận sẽ đưa ra trọng tài thương mại khi có vấn đề phát sinh thì các tranh chấp có thể giải quyết nhanh chóng, hữu hiệu. Bởi cơ chế trọng tài tương đối mở, không căng thẳng, phức tạp như đưa ra Tòa án…

Có ý kiến cho rằng, nếu ngân hàng sớm chấp nhận và thừa nhận nợ xấu thì sẽ sớm giải quyết được nợ xấu. Quan điểm của  ông?

Nợ xấu được ví như căn bệnh ung thư quái ác. Nếu phát hiện sớm thì cơ hội xử lý cao, còn càng để muộn thì càng khó cứu chữa.

Nhưng hiện các ngân hàng Việt Nam đang ở trong tình trạng tự chẩn đoán, tiên lượng bệnh chưa chuẩn và vẫn luôn hy vọng tự mình có thể giải quyết được với kỳ vọng khi thị trường nhanh chóng hồi phục… mọi chuyện sẽ qua đi. Do đó các ngân hàng vẫn chưa quyết liệt trong xử lý nợ xấu. Điều này thể hiện ở chỗ vẫn còn rất ít ngân hàng chấp nhận bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm với giá thấp.

Một lý do nữa khiến họ e ngại bán nợ xấu là cơ chế trách nhiệm về  mặt pháp lý. Ví dụ, trước kia ngân hàng cho vay 10 tỷ đồng, giờ thu hồi được 5 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra: ai là người sẽ bù lỗ, ai chịu trách nhiệm khoản mất mát này?

Có thể nói cơ chế pháp lý, đặc biệt là tình trạng hình sự hóa, quy trách nhiệm cho cán bộ ngân hàng nặng nề gây thất thoát đang ám ảnh các lãnh đạo và người có trách nhiệm ở các ngân hàng. Nếu không giải quyết cơ chế này thì xử lý nợ xấu sẽ vẫn còn bế tắc.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Vũ  (thực hiện)


Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 08-8-2013:

http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/2-co-che-phap-ly-can-buoc-xu-ly-no-xau-10633.html

(848)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,553