320. Công ty xử lý nợ xấu chỉ chọn mua ‘nợ tốt’ ?

(TBTC) – Với quy định khá chặt chẽ về điều kiện đối với các khoản nợ được mua, có ý kiến cho rằng VAMC đang chọn mua “nợ tốt”, những khoản nợ mà các ngân hàng có thể tự xoay sở được, thay vì nợ xấu.

 Tiêu chuẩn mua nợ của VAMC cao quá… Thực sự thì đó là những khoản nợ tốt của ngân hàng rồi, họ vẫn có khả năng thu hồi.
Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng đã có cuộc trao đổi xung quanh những vấn đề xử lý nợ xấu ở các ngân hàng thông qua VAMC (Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam).

* Theo ông, liệu VAMC có giải quyết được khối nợ xấu khổng lồ hiện nay chỉ với số vốn 500 tỷ đồng không?

– Với các công ty khác, tỷ lệ đòn bẩy là rất quan trọng nhưng với VAMC lại có một cơ chế rất đặc biệt. Vì thế, bản thân vốn của VAMC chỉ có ý nghĩa tượng trưng, sử dụng trong trường hợp mua bán tự nguyện.

VAMC chủ yếu nhằm để xử lý những món nợ bằng cách mua bán bắt buộc hoặc mua nợ trả bằng trái phiếu, và lại không có giới hạn về việc phát hành bao nhiêu trái phiếu. Tùy theo tình hình xử lý nợ xấu, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định mua bao nhiêu nợ bằng trái phiếu, thậm chí có thể mua toàn bộ bằng trái phiếu đặc biệt, mà không bị ảnh hưởng bởi giới hạn, hay tỷ lệ an toàn vốn điều lệ.- Tiêu chuẩn mua nợ của VAMC cao quá. Với 5 điều kiện như hiện nay, đặc biệt điều kiện 60% tài sản bảo đảm bằng bất động sản là rất khó. Thực sự thì đó là những khoản nợ tốt của ngân hàng rồi, các ngân hàng vẫn có khả năng thu hồi, tự xử lý được. * Ông đánh giá thế nào về các tiêu chuẩn xét mua nợ hiện nay của VAMC?

Các ngân hàng bao giờ cũng mong muốn xử lý được từ những khoản nợ xấu nhất trở đi. Cơ chế hiện nay của VAMC không giải quyết được điều đó, mà loại đi những khoản nợ xấu nhất. Những cơ chế hỗ trợ xử lý những khoản nợ xấu đó đến nay vẫn chưa có, dù bằng cách mua bán theo giá thị trường hay các cơ chế khác.

Chẳng hạn cơ chế khoanh nợ, xóa nợ, đến bây giờ vẫn không được nhắc đến, mà chỉ loanh quanh ở việc giãn nợ, hoãn nợ, mua bán. Những biện pháp này chỉ làm đẹp sổ sách không có tác dụng gì. Đặc biệt là chúng ta vẫn chủ quan, không nhận thức được thực chất nợ xấu, nhưng tôi đánh giá nợ xấu thực chất rất nghiêm trọng, rất cao so với con số công bố hiện nay.

*  Ông đánh giá thế nào về tính khả thi trong kế hoạch giải quyết nợ xấu của VAMC?

– Tôi nghĩ VAMC là biện pháp tốt, phát huy hiệu quả, nhưng nếu VAMC mua nợ mà chỉ dựa vào bảo lãnh thì rất nguy hiểm. Chưa kể bảo lãnh của VAMC không đơn giản là cứ đến hạn mà không trả nợ thì sẽ được thanh toán. Khi đó sẽ nảy sinh những vấn đề đùn đẩy trách nhiệm, nhất là khi đây là tiền từ ngân sách nhà nước.

Việc này khó hơn nhiều so với việc bảo lãnh nợ ở các ngân hàng thương mại vì họ có tài sản đảm bảo, có các quy định về an toàn vốn, họ còn phải giữ uy tín, thương hiệu của mình nên họ có trách nhiệm giải quyết. Nhưng VAMC thì lại không có những yếu tố này.

* Vậy theo ông, nên làm gì để thúc đẩy nhanh nhất quá trình xử lý nợ xấu?

– Theo tôi có hai vấn đề cơ bản. Một là phải có cơ chế để xử lý, tiêu thụ, phát mại được tài sản. Hai là thủ tục pháp lý phải đẩy nhanh được việc xử lý, các cơ quan từ công an, tòa án, quản lý nhà đất, phải hỗ trợ tối đa. Hiện nay, chúng ta vẫn rất bình tĩnh, như không có chuyện gì.

Công ty VAMC được đặt nhiều hy vọng, nhưng đó mới chỉ là trên lý thuyết, mục tiêu mà thôi. Bản thân VAMC cũng có những vướng mắc về cơ chế. Chẳng hạn như công ty muốn bán đấu giá tài sản, nhưng có được hay không lại phải phụ thuộc bên công chứng làm thủ tục, bên tài nguyên môi trường cho phép sang tên thì mới có thể bán được…. mất rất nhiều thời gian để xử lý nợ xấu. Trong khi nợ xấu để càng lâu càng thiệt hại.

* Xin cảm ơn ông!

5 điều kiện cơ bản để nợ xấu được VAMC mua là:

– Khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

– Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm;

– Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ;

– Khách hàng vay còn tồn tại;

– Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dương An

—————

 

Thời báo Tài chính 08-8-2013 (Mục Tiền tệ – Bảo hiểm):

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/tien-te-bao-hiem/cong-ty-xu-ly-no-xau-chi-chon-mua-no-tot

(869/993)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,460