322. Bình luận “Đánh giá thực trạng tính ổn định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”.

(ANVI) Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC bình luận tại Hội thảo do Viện Khoa học Pháp lý tổ chức[1].

1. Quan điểm về tính ổn định của pháp luật:

1.1. Tính ổn định của pháp luật:

Tính ổn định của pháp luật, đương nhiên được hiểu theo nghĩa là ít có sự biến động, thay đổi, xáo trộn. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đồng nghĩa với việc pháp luật không có sự thay đổi hoặc rất ít thay đổi.

Trường hợp pháp luật có thay đổi tương đối nhiều, nhưng vẫn có thể bảo đảm tính ổn định nếu vẫn giữ nguyên hoặc thay đổi rất ít về các nguyên tắc, quy định khung, các quy định quan trọng, mà chỉ mở rộng, phát triển, cập nhật thêm và sửa đổi, bổ sung những nội dung giúp cho cho pháp luật rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu hơn.

1.2. Sự thay đổi của pháp luật:

Sự thay đổi pháp luật là đòi hỏi của cuộc sống, là điều cần thiết và tất yếu để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và nhận thức. Chỉ tính trong khoảng thời gian 30 năm qua, pháp luật Việt Nam đã có sự thay đổi một cách cơ bản, tăng mạnh về cả số lượng văn bản, điều khoản và nội dung vấn đề, phạm vi. Điều này đã đáp ứng được yêu cầu của việc ứng xử và quản lý xã hội, của công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường hội nhập.

Tuy nhiên, pháp luật dù có văn minh, tiến bộ và hợp lý đến đâu, mà tốc độ thay đổi quá nhanh và mức độ thay đổi quá lớn thì cũng sẽ gây ra những sự bất ổn lớn cho xã hội.

Từ năm 1946 đến nay đã có 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013). Trong khoảng hơn 30 năm nay, đã có 3 Bộ luật Dân sự (1995, 2005 và 2015), 4 Luật Đất đai (1987, 1993, 2003 và 2013), 4 Luật Doanh nghiệp (1990, 1999, 2005 và 2014). Đó là chưa kể đến các văn bản sửa đổi, bổ sung các đạo luật này.

Ngay Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng thay đổi trên dưới 10 năm mỗi lần (1996, 2008 và 2015), đến nay lại chuẩn bị phải sửa đổi. bổ sung.

Đương nhiên, các văn bản dưới luật thì còn bị thay đổi nhanh hơn. Chẳng hạn, qua 21 năm thực hiện việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đã có tới 11 Nghị định (8 ban hành mới và 3 sửa đổi, bố sung) (các Nghị định số 28/1996/NĐ-CP, 25/1997/NĐ-CP, 44/1998/NĐ-CP, 64/2002/NĐ-CP, 187/2004/NĐ-CP, 17/2006/NĐ-CP, 109/2007/NĐ-CP, 59/2011/NĐ-CP, 189/2013/NĐ-CP, 116/2015/NĐ-CP và 126/2017/NĐ-CP). Kèm theo đó là nhiều hơn số thông tư hướng dẫn và chưa kể đến một số văn bản liên quan như Nghị định 63/2015/NĐ-CP xử lý lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Tình trạng thay đổi liên tục và phủ nhận nhau, nên có thời gian ngân hàng thương mại nhà nước (vì 100% vốn nhà nước), sau khi được cổ phần hoá xong vẫn gọi là ngân hàng thương mại nhà nước (vì trên 51% vốn nhà nước).

Tuy nhiên, bện cạnh đó, vẫn còn nhiều văn bản, vấn đề vô lý, bất cập nhưng còn chậm được thay đổi, thậm chí không chịu thay đổi, như việc đa dạng hoá về sở hữu về đất đai, việc không bắt buộc phải thanh toán những số tiền lớn qua tài khoản ngân hàng, đối với giao dịch của cá nhân.

1.3. Nguyên nhân bất ổn định của pháp luật:

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến hệ thống pháp luật bất ổn định. Nguyên nhân khách quan là sự chuyển đổi từ nền kinh tế hành chính, quan liêu, bao cấp xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường và hội nhập trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển vô cùng nhanh chóng.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là yếu tố chủ quan. Đó là, chậm chấp nhận thay đổi, không đi theo đúng quy luật, yêu cầu của sự phát triển và hội nhập; chưa thật sự coi trọng vai trò của pháp luật; tổ chức việc soạn thảo và xây dựng pháp luật bất hợp lý. Điều này đã dẫn đến những sự bất ổn định của pháp luật thể hiện qua 3 khía cạnh chính: Pháp luật thay đổi một cách bất hợp lý, phủ nhận quy định trước và mâu thuẫn với nhau.

Chẳng hạn như quy định về lãi suất hay bảo lãnh trong 3 Bộ luật Dân sự; rồi về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Đánh giá thực trạng tính ổn định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng:

2.1. Bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội ảnh hưởng đến tính ổn định của lĩnh vực pháp luật tài chính, ngân hàng:

Tài chính, ngân hàng là lĩnh vực trọng tâm, gắn liền với sự vận động, phát triển của nền kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trước thời kỳ đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường, hành lang pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này rất thiếu và ở cấp độ thấp. Đến năm 1987 mới có luật thuế đầu tiên (Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng mậu dịch). Đến năm 1990, lần đầu tiên mới có 2 pháp lệnh về ngân hàng, chính thức chuyển đổi mô hình ngân hàng từ 1 cấp thành 2 cấp ngân hàng là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Đến năm 1997, lần đầu tiên mới có 2 đạo luật về ngân hàng. Như vậy, các đạo luật trong hai lĩnh vực này mới chỉ có “tuổi đời” hơn 20 năm.

Từ đó đến nay, pháp luật về lĩnh vực tài chính, ngân hàng liên tục được thay đổi, hoàn thiện, với hàng chục đạo luật và hàng trăm văn bản dưới luật, đóng góp vai trò rất quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, xã hội đất nước.

Tuy nhiên, do sự biến động liên tục rất lớn của nền kinh tế, xã hội, nên pháp luật về lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng liên tục biến động do phải cập nhật sửa đổi, bổ sung, thay thế.

2.2. Thực trạng tính ổn định của lĩnh vực pháp luật tài chính, ngân hàng:

2.2.1. Khái quát hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam về lĩnh vực tài chính, ngân hàng:

Lĩnh vực tài chính có nhiều quy định trong các mảng khác nhau như: Thuế, phí và lệ phí, giá, hải quan, kho bạc, kế toán, kiểm toán, chứng khoán, bảo hiểm. Riêng lĩnh vực thuế đã gồm 9 đạo luật hiện hành là:

  • Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014 và 2016);
  • Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010;
  • Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014, 2016);
  • Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993;
  • Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010;
  • Luật Thuế tài nguyên năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);
  • Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014);
  • Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014 và 2016);
  • Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016;
  • Trước năm 2017 còn có một loại thuế nữa là thuế môn bài, nay chuyển thành phí môn bài.

Trong lĩnh vực tài chính, số lượng văn bản điều chỉnh một vấn đề cũng như nội dung văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết và biện pháp thi hành quá nhiều so với luật. Nhất là trong lĩnh vực thuế, luật thuế thường chỉ gồm vài trang, nghị định thì vài chục trang, nhưng thông tư thì có khi đến một vài trăm trang.

Lĩnh vực tài chính khác cũng gồm nhiều đạo luật như:

  • Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010);
  • Luật Giá năm 2012;
  • Luật Hải quan năm 2014;
  • Luật Kế toán năm 2015;
  • Luật Kiểm toán độc lập năm 2011;
  • Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015;
  • Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010);
  • Luật Ngân sách Nhà nước năm 2017;
  • Luật Phí và lệ phí năm 2015 (sửa đối bổ sung năm 2017 và 2018);
  • Luật Quản lý nợ công năm 2017.

Lĩnh vực ngân hàng thì gồm 5 đạo luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội và 1 Pháp lệnh:

  • Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 (sửa đổi năm 2013);
  • Các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
  • Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
  • Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010;
  • Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012;
  • Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH13 của Quốc hội về Xử lý nợ xấu;
  • Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

2.2.2. Đánh giá tính ổn định của pháp luật lĩnh vực tài chính, ngân hàng giai đoạn từ năm 2005 đến nay[2]:

Thứ nhất: Ý đồ, định hướng mục tiêu điều chỉnh và nội dung chính sách của lĩnh vực pháp luật tài chính, ngân hàng nhìn chung được duy trì nhất quán trong một thời gian tương đối dài, ít nhất là từ năm 2005 đến nay.

Điển hình là lĩnh vực pháp luật thuế, được xác định nhất quán là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước; mọi hoạt động phát sinh doanh thu, thu nhập đến một ngưỡng nhất định đều phải nộp thuế; và việc đánh thuế bảo đảm sự công bằng, hợp lý, nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.

Hoặc như là lĩnh vực pháp luật ngân hàng thương mại, là nhất quán về mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong những năm qua đã cơ bản đáp ứng tốt hơn các nguyên tắc, mục tiêu bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng, đồng thời cải thiện chất lượng của pháp luật, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và xã hội phát triển bền vững.

Các thay đổi trên thực tế chủ yếu là nhằm giảm bớt điều kiện, yêu cầu chặt chẽ, không cần thiết đối với người nộp thuế, với khách hàng vay vốn và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thay vì tăng thêm gánh nặng, nghĩa vụ cho xã hội, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Vì vậy, dù về hình thức, việc thay đổi vẫn ảnh hưởng đến tính ổn định của pháp luật, nhưng về nội dung thì không có hoặc rất ít tác động tiêu cực từ sự bất ổn định, nên được mong chờ và đánh giá tốt.

Thứ hai: Tính chính đáng và dự báo của những thay đổi (bao gồm cả sửa đổi, bổ sung, thay mới) trong quy định pháp luật về tài chính, ngân hàng tương đối hợp lý.

Những thay đổi (sửa đổi, bổ sung, thay mới) của pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hầu hết là sự cải thiện chính sách, pháp luật cần thiết, chính đáng, được giải trình tương đối thuyết phục do sự thay đổi khách quan của tình hình kinh tế – xã hội.

Sự thay đổi ấy được thực hiện theo cách thức công khai, minh bạch, có thể dự báo được, các đối tượng chịu sự tác động có đủ thời gian để điều chỉnh hành vi, thích nghi kịp thời. Chẳng hạn như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, sửa đổi, bổ sung năm 2005 đã quy định, thuế suất với bia từ năm 2006 giữ nguyên như cũ là 30%, từ năm 2008 tăng lên mức 40%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 quy định thuế suất đối với bia từ năm 2010 tăng lên mức 45%, từ năm 2013 tăng lên mức 50%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, sửa đổi năm 2014, quy định thuế suất đối với bia từ năm 2016 tăng lên mức 55%, từ năm 2017 tăng lên mức 60% và từ năm 2018 tăng lên mức 65% (riêng thuế suất bia chai là 75% trước năm 2010, từ năm 2010 trở đi theo mức thuế chung). Sự thay đổi pháp luật theo cách thức này là liên tục (10 năm tăng thuế 6 lần) và biến động lớn hơn 2 lần (từ 30% lên 65%), nhưng vẫn giúp cho đối tượng chịu sự tác động có đủ thời gian cần thiết để thích ứng với sự thay đổi của pháp luật.

Tuy nhiên, cần phải xem lại tính công khai, minh bạch về thuế liên quan đến tổng số tiền nộp thuế. Một trong những nguyên tắc quản lý thuế theo quy định tại khoản 3, Điều 4 về “Nguyên tắc quản lý thuế”, Luật Quản lý thuế năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2016) đó là: “Việc quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng”. Tuy nhiên, Điều 73 về “Bảo mật thông tin của người nộp thuế” và Điều 74 về “Công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế” của Luật lại quy định: Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế, người đã là công chức quản lý thuế, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế phải giữ bí mật thông tin của người nộp thuế theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau:

  • Phải cung cấp thông tin của người nộp thuế cho các Cơ quan: Điều tra, viện kiểm sát, toà án; thanh tra, kiểm toán nhà nước; các cơ quan quản lý khác của Nhà nước và cơ quan quản lý thuế nước ngoài theo quy định của pháp luật;
  • Phải công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp sau đây: Trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn; vi phạm pháp luật về thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác; không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Do vậy, danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2017 do Tổng cục Thuế công bố và vinh danh vào năm 2018 lại không có số tiền nộp thuế. Tuy nhiên, danh sách 50 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất của thành phố Hải Phòng năm 2018 lại có cụ thể số tiền đã nộp. Để góp phần phòng chống gian lận về thuế và hành vi tham nhũng, rất cần công khai số thuế của các đối tượng nộp thuế, nhất là thuế thu nhập cá nhân của quan chức thuộc diện phải kê khai tài sản.

Các nội dung thay đổi trong lĩnh vực pháp luật tài chính tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết; tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, tháo bỏ hạn chế đối với chi phí hợp pháp, hợp lý của doanh nghiệp (như năm 2013 mức trần đối với phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh được thay đổi tăng từ 10% lên 15% tổng số chi được trừ. Sau đó năm 2014 đã thay đổi dỡ bỏ toàn bộ quy định giới hạn này[3]. Hoặc thay đổi đáng kế là giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 22% từ năm 2013 và giảm xuống còn 20% kể từ năm 2016[4].

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, việc thay đổi không phải là sự điều chỉnh cho hợp lý hơn, mà là sự tăng thuế bất hợp lý như việc đánh thuế bảo vệ môi trường. Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định mức thuế đối với xăng là từ 1.000 – 4.000 đồng[5], nhưng lại không quy định rõ điều kiện, lộ trình áp dụng và sử dụng nguồn tiền thuế này để bảo vệ môi trường hay còn để sử dụng vào việc khác. Vì vậy thuế suất có thể được điều chỉnh bất kỳ lúc nào và mức nào. Trên thực tế Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định mức thuế 1.000 đồng vào năm 2011, 3.000 đồng vào năm 2015 và 4.000 đồng vào năm 2018[6], đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về việc miễn giảm gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp. Và việc điều chỉnh này có ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm cũng như hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Cũng là sự bất hợp lý tương tự nếu như sắp tới tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% theo dự kiến.

Quy định “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế” tại khoản 3, Điều 8 về “Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù”, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24-02-2017 của Chính phủ “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết” là một ví dụ về sự bất cập của pháp luật thuế ở cả 2 khía cạnh: Không thừa nhận chi phí hợp pháp, hợp lý, thực tế, chính đáng của doanh nghiệp, trong trường hợp không có hoạt động chuyển giá; thời gian thực hiện gấp, thậm chí đối với cả các giao dịch xảy ra trước khi Nghị định có hiệu lực. Điều này lặp lại sai lầm gần giống như việc khống chế chi phí quảng cáo trước kia.

Các quy định về lãi suất trong lĩnh vực pháp luật tài chính, ngân hàng cũng bất ổn định và không hợp lý. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản (từ năm 2011 đến 2016 là không quá 13,5%/năm); Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất cho vay không vướt quá 20%/năm, từ năm 2017. Quy định này quá xa rời thực tế, cho nên nhiều năm nay luôn bị cả trong và ngoài ngành Ngân hàng liên tục vi phạm với mức vượt xa. Thậm chí các công ty tài chính tiêu dùng gần đây công khai cho vay 70 – 80%/năm, gấp 3 – 4 lần trần lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, những quy định liên quan đến lãi suất ngân hàng trong 2 Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015 cũng như trong 2 Bộ luật Hình sự năm 1999 và 2015 cũng có sự thay đổi khác biệt. Do đó, đã dẫn đến tình trạng, biến động liên tục mức lãi suất để xác định tội phạm cho vay lãi nặng. Từ năm 2005, mức lãi suất cho vay cao hơn 15 lần lãi suất cơ bản (10 lần lãi suất cao nhất là 150% lãi suất cơ bản) là dấu hiệu phạm tội cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, rất khó xác định khi nào thì rơi vào mức lãi suất phạm tội, vì căn cứ vào lãi suất cơ bản thì lại bị thay đổi hằng tháng. Kể cả từ năm 2011 trở đi không có sự thay đổi lãi suất cơ bản và sau đó Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định trần lãi suất dựa vào lãi suất cơ bản, thì từ tháng 10-2010 đến nay, cũng đã có tới 4 lần thay đổi mức lãi suất phạm tội cho vay lãi nặng, cụ thể trước 11-2011 là 120%; từ 11-2011 đến hết năm 2016 là 135%; từ 01-01 đến hết năm 2017 là 200%; từ 01-01-2018 trở đi là 100%.

Cá biệt, có trường hợp thay đổi văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bỏ bớt quy định đã tạo ra lỗ hổng pháp luật. Chẳng hạn như việc thay đổi quy định về việc mở và sử dụng tài khoản tại ngân hàng. Mục đích của việc gửi tiền vào ngân hàng thì có thể rất khác nhau, như là để thanh toán, để ký quỹ, để chứng minh năng lực tài chính, để hưởng lãi suất hay chỉ đơn thuần là để giữ tiền (tài khoản tiền gửi đô la Mỹ lãi suất bằng 0%). Pháp luật về hệ thống tài khoản kế toán ngân hàng cũng quy định, tiền gửi của khách hàng được hạch toán theo các loại tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi tiết kiệm, tiền ký quỹ[7].

Tuy nhiên, nếu như trước kia có quy định chung về việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi[8], thì từ năm 2014 đến nay (2019) chỉ có quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán[9] (là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn để sử dụng vào mục đích thanh toán). Như vậy, việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi có kỳ hạn nói riêng và tài khoản tiền gửi nói chung đã không còn được quy định, tức tự dưng bị “xóa sổ”, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ như việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp[10] hay tài khoản tiền gửi tiết kiệm[11].

Do đó, các tổ chức tín dụng và khách hàng phải tự quy định hoặc tham khảo quy định định liên quan trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán để mở các tài khoản tiền gửi khác với nhiều nội dung không được pháp luật quy định như: Đối tượng được mở tài khoản (người dưới 18 tuổi có được mở tài khoản không?); hình thức mở tài khoản (có được mở tài khoản đồng sở hữu không?); hồ sơ, trình tự, thủ tục mở tài khoản (những gì là bắt buộc?); việc sử dụng, khóa, phong tỏa và đóng tài khoản (khi nào được phép?); quyền, nghĩa vụ của chủ tài khoản và ngân hàng, v.v..

Thứ ba: Tuổi thọ trung bình của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (tính từ khi có hiệu lực tới khi bị sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới) tương đối ngắn, chỉ khoảng 4 – 5 năm.

Đây là tiêu chí thể hiện rõ nét nhất sự bất ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói riêng. Đặc biệt, mỗi khi sửa đổi, bổ sung, thay thế luật, thì luôn dẫn đến một loạt nghị định, thông tư phải thay đổi theo.

Chẳng hạn như đối với pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ khi ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 đến nay là 10 năm, thì đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2013, 2014 và chuẩn bị lại phải sửa đổi (tuổi thọ bình quân hơn 3 năm). Cùng với đó, đã có ít nhất 8 Nghị định quy định chi tiết thi hành (3 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11-12-2008; số 122/2011/NĐ-CP ngày 27-12-2011 và số 92/2013/NĐ-CP ngày 13-8-2013 đã hết hiệu lực; 5 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 28-12-2013; số 91/2014/NĐ-CP ngày 01-10-2014; số 12/2015/NĐ-CP ngày 12-02-2015; số 20/2017/NĐ-CP ngày 24-02-2017 và số 146/2017/NĐ-CP ngày 15-12-2017 đang có hiệu lực). Kèm theo ít nhất là 8 Thông tư hướng dẫn thi hành (3 Thông tư số Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008; số 18/2011/TT-BTC ngày 10-2-2011; số 141/2013/TT-BTC ngày 16-10-2013 đã hết hiệu lực; 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18-6-2014; số 119/2014/TT-BTC ngày 25-8-2014; số 151/2014/TT-BTC ngày 10-10-2014; số 96/2015/TT-BTC ngày 22-6-2015; số 130/2016/TT-BTC ngày 12-8-2016 và số 41/2017/TT-BTC ngày 28-4-2017 đang có hiệu lực). Chưa kể một số văn bản  hướng dẫn riêng cho thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực đặc thù như tổ chức tài chính vi mô (Thông tư số 135/2013/TT-BTC ngày 27-9-2013), hoạt động bảo vệ môi trường (Thông tư số 212/2015/TTBTC ngày 31-12-2015), hoạt động của các tổ chức tín dụng (Thông tư số 16/2018/TT-BTC ngày 07-2-2018);…

Văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng thì ít thay đổi hơn. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, tuy nội dung văn bản thay đổi rất ít, thậm chí giữ nguyên, nhưng vẫn cứ được ban hành thay thế liên tục như việc quy định về cho vay ngoại tệ. Nhất là từ năm 2009 đến năm 2019 các văn bản này được thay đổi hằng năm. Cụ thể, chỉ tính từ năm 2005 đến nay, đã có tới 12 quyết định, thông tư quy định về cho vay ngoại tệ gồm: Các Quyết định số 343/2003/QĐ-NHNN ngày 10-4-2003 và 09/2008/QĐ-NHNN ngày 10-4-2008; các Thông tư số 25/2009/TT-NHNN ngày 15-12-2009; số 07/2011/TT-NHNN ngày 24-03-2011; số 03/2012/TT-NHNN ngày 08-3-2012; số 37/2012/TT-NHNN ngày 28-12-2012; số 29/2013/TT-NHNN ngày 06-12-2013; số 43/2014/TT-NHNN ngày 25-12-2014; số 24/2015/TT-NHNN ngày 08-12-2015; số 31/2016/TT-NHNN ngày 15-11-2016; số 18/2017/TT-NHNN ngày 27-12-2017 và số 42/2018/TT-NHNN ngày 28-12-2018. Đặc biệt là giai đoạn năm 2005 – 2010, mỗi tháng thay đổi 1 văn bản về lãi suất cơ bản.

Ngoại lệ, có một số trường hợp văn bản có tuổi thọ kéo dài không hẳn là do chất lượng tốt, phù hợp, không bất cập, mà là do không được xử lý thay đổi kịp thời. Chẳng hạn như Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành “Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách háng”, đáng lẽ phải được thay thế cùng thời điểm với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa vào kế hoạch soạn thảo và ban hành vào đầu năm 2011[12]. Nhưng mãi đến tận ngày 31-12-2016, Quyết định này mới được thay thế theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nội dung của Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN đã không còn hiệu lực và phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các quy định liên quan khác, trong đó có một số quy định sửa đổi, bổ sung Quyết định này[13]. Như vậy, một thông tư có tuổi thọ trong 15 năm chỉ là hình thức, còn thực chất thì vẫn phải sửa đổi, bổ sung 5 lần và thay thế nhiều nội dung.

2.2.3. Các hệ quả của việc pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng không ổn định:

Quy định của pháp luật thiếu rõ ràng, cụ thể, dẫn đến người dân và doanh nghiệp rất hay gặp vướng mắc và vi phạm. Chẳng hạn như vụ việc cuối tháng 12-2018, Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số 1157 cưỡng chế thi hành Quyết định hành chính thuế, với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt và phạt nộp thuế chậm trả là hơn 3.140 tỉ đồng (tiền thuế hơn 2.645 tỉ đồng và tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỉ đồng). Số tiền thuế trên bị truy thu do tính toán lại tiền thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015, được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014.

Có 2 vấn đề lớn nổi lên, thứ nhất là có sự hiểu khác nhau về một quy định của pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt giữa doanh nghiệp, kiểm toán và ngành Thuế. Thậm chí trước đây Sabeco đã làm theo đúng văn bản hướng dẫn của cơ quan Thuế. Thứ hai là truy thu các khoản tiền thuế từ 12 năm trước và đã xuất hiện tranh cãi từ hơn 5 năm trước. Vấn đề này liên quan đến thời hiệu xử lý vi phạm về thuế quá dài như phân tích ở phần dưới đây.

Trong lĩnh vực ngân hàng, thì liên quan đến một số vấn đề không rõ ràng như tiền ảo, cho vay ngang hàng (P2P) và mới nhất là việc in hình đồng tiền Việt Nam lên bao lì xì. Pháp luật không kịp thời minh định và điều chỉnh, rồi đến một thời điểm nào đó bất ngờ cấm đoán, hạn chế hoặc yêu cầu phải thực hiện gấp cũng là một dạng bất ổn định của pháp luật. Chẳng hạn, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng”[14] và Bộ luật Hình sự năm 2015[15] chỉ xử lý đối với hành vi “phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp”, trong đó có việc “phát hành, cung ứng, sử dụng” tiền ảo làm “phương tiện thanh toán”. Nhưng Ngân hàng Nhà nước lại có Chỉ chị số 02/CT-NHNN ngày 13-4-2018 về “Các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo”, trong đó tại khoản 1, Mục II yêu cầu: “Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế”. Như vậy, Chỉ thị này ngăn chặn các tổ chức tín dụng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tham gia vào mọi giao dịch khác liên quan đến tiền ảo.

Hay hoạt động cho vay ngang hàng đang phát triển rất nhanh chóng, nhưng đều mong manh về hành lang pháp lý.

Và đặc biệt là trước việc in đồng tiền Việt Nam lên bao lì xì, thì thấy quy định pháp luật rất không rõ ràng. Hành vi in ấn thì không phải là “sao chụp tiền” bị cấm theo Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ về “Bảo vệ tiền Việt Nam”. Nó càng không phải là tiền mẫu hay lưu niệm theo Quyết định 40/2012/QĐ-TTg ngày 05-10-2012 về “Quản lý tiền mẫu, tiền lưu niệm”. Và cuối cùng, việc đó cũng không bị phạt do “sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật”, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP, vì chưa thấy quy định nào áp vào cho đúng hay sai. Chưa kể nếu việc cấm được quy định trong các văn bản dưới luật thì lại trái với quy định tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013:

“2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

và khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015:

2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

2.2.4. Nguyên nhân của việc pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng không ổn định.

Thứ nhất: Tình trạng luật khung, sơ sài:

Pháp luật về tài chính và ngân hàng vẫn có tình trạng phổ biến là mới chỉ quy định về luật khung, luật ống, luật rỗng, luật hở. Còn chủ yếu các nội dung vẫn được điều chỉnh bằng nghị định, và phần lớn tập trung ở các Thông tư của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng vẫn còn thiếu nhiều nội dung quan trọng chưa được quy định trong luật, mà chủ yếu là trong các Thông tư, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn với các quy định chung và khi cần phải xác định hiệu lực của văn bản trong trường hợp có mâu thuẫn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì gặp khó khăn.

Thứ hai: Tình trạng kéo dài thời hiệu;

Thời hiệu xử lý, xử phạt vi phạm về pháp luật tài chính, ngân hàng cũng là một yếu tố quan trọng đánh giá tính ổn định của pháp luật. Pháp luật hiện nay quy định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính về thuế quá dài là 5 năm và dù dã hết thời hiệu rồi vẫn tiếp tục xử lý kéo dài đến 10 năm.

Điểm b, khoản 1, Điều 6 về “Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính”, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm đối với các vi phạm hành chính nói chung, về “kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán” nói riêng. Nhưng riêng đối với nhóm “Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế” thì Điều 110 về “Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế”, Luật Quản lý thuế năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2017 quy định như sau:

  • Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là 2 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện;
  • Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn, thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;
  • Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước; kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Thứ ba: Tình trạng nhiều loại văn bản:

Luật Ban hành văn bản quy phạm năm 1993, 2008 và 2015 đã cho phép quá nhiều cơ quan ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Một đạo luật có thể có nhiều văn bản dưới luật quy định chi tiết, biện pháp tổ chức và hướng dẫn thi hành.

Thứ tư: Tình trạng áp dụng văn bản bất hợp lý:

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có một số quy định dẫn đến sự bất ổn định của pháp luật. Đó là các quy định về hình thức, thẩm quyền, hiệu lực và việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Khoản 4, Điều 154 về “Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định như sau “4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Quy định này dẫn đến tình trạng, một đạo luật hết hiệu lực có thể kéo theo nhiều văn bản dưới luật hết hiệu lực, trong khi rất lâu sau đó chưa có văn bản thay thế. Hoặc là nhiều nghị định, thông tư buộc phải ban hành lại, nhưng không sửa đổi đáng kể, thậm chí giữ nguyên nội dung, góp phần thêm vào việc rút ngắn tuổi thọ của văn bản. Đây là một quy định bất hợp lý có từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, đã bị loại bỏ trong Luật năm 2008, nhưng lại được đưa trở lại vào Luật năm 2015.

Khoản 2 và 3, Điều 156 về “Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định xử lý trong trường hợp văn bản khác nhau như sau:

2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.

  1. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Đó là các nguyên tắc đặt ra đối với các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của pháp luật.

Còn đối với cá nhân và pháp nhân khác thì không có trách nhiệm và không thể nào biết sự vênh váo đó, cho nên cần được cho phép áp dụng các nguyên tắc thực tế hơn.

Chỉ một vấn đề thế nào là văn bản được ban hành trước sau cũng không dễ xác định. Ví dụ đối với khái niệm “người có liên quan” được quy định khác nhau trong 4 luật gồm: Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Doanh nghiệp năm 2014. Nếu cả luật sửa đổi, bổ sung cũng được tính là luật ban hành sau, thì sẽ dẫn đến hậu quả có thể phải đảo luật liên tục để áp dụng hiệu lực. Chẳng hạn, khái niệm “người có liên quan” gữa 2 Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp áp dụng sẽ phải đảo tới 7 lần trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2017, nay căn cứ vào luật này, mai căn cứ vào luật khác, vào các năm 1997, 1999, 2004, 2005, 2010, 2014 và 2017.

So sánh yêu cầu tuân thủ pháp luật giữa công dân với quốc gia khác. Điều ước quốc tế tương tự như hợp đồng giữa các quốc gia. Nếu không thừa nhận nguyên tắc có hiệu lực cao hơn luật thì bất kỳ lúc nào cũng có thể bị vô hiệu hoá bởi việc ban hành các đạo luật phủ nhận cam kết. Chưa kể ngay cả tại thời điểm ký kết, nước này cũng không thể biết được rõ luật nước kia quy định về vấn đề đó như thế nào. Thế nhưng lại bắt mọi người dân là cá nhân và pháp nhân phải nắm chắc hết hàng vạn văn bản quy phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực và thời gian là điều vô cùng bất hợp lý.

3. Một số giải pháp cải thiện tính ổn định của lĩnh vực pháp luật tài chính, ngân hàng:

3.1. Việc nâng cấp văn bản quy phạm pháp luật:

Cần phải xem xét xem xét ban hành các luật điều chỉnh những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng như Luật Cho vay, Luật Huy động tiền gửi, Luật Ngoại hối, Luật Thanh toán, Luật về đồng tiền Việt Nam,… để bảo đảm nguyên tắc, mọi sự hạn chế quyền của cá nhân và pháp nhân phải bằng luật theo quy định tại Hiến pháp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

3.2. Việc ban hành văn bản hướng dẫn:

Cần phải xem xét hạn chế tối đa việc ban hành văn bản quy định chi tiết, biện pháp và hướng dẫn thi hành, thậm chí phải cấm, trừ trường hợp đặc biệt như những vấn đề hoàn toàn mới phát sinh.

Văn bản cụ thể hoá chỉ được phép hướng dẫn cho rõ hơn, không được phép quy định thêm, nhất là các quy định ngăn cản, hạn chế quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân, sẽ hạn chế tình trạng mâu thuẫn và bất ổn định.

3.3. Việc hợp nhất văn bàn:

Cần phải thực hiện việc hợp nhất văn bản trước thời điểm có hiệu lực, đồng thời cần xem xét thay đổi cách thức hợp nhất, giữ nguyên với mức độ cao nhất về hình thức và nội dung của văn bản gốc, chèn các nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, chứ không tạo ra một loại văn bản hoàn toàn mới như hiện nay. Như vậy là tạo ra thêm nhiều loại văn bản và sẽ tạo ra sự bất ổn định mới.

3.4. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật:

Cần phải xem xét thay đổi quy định về việc trong trường hợp có sự khác nhau thì áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn và văn bản ban hành sau bằng quy định khác với luật hiện hành. Chẳng hạn như cho phép người dân và doanh nghiệp được quyền lựa chọn áp dụng bất kỳ văn bản nào mà họ cho là phù hợp hoặc ít nhất cũng là áp dụng văn bản riêng biệt, cụ thể đối với giao dịch liên quan thay vì phải áp dụng các nguyên tắc của nhà làm luật và các cơ quan nhà nước.

3.5. Việc xử lý pháp luật về thuế:

Cần phải xem xét rút ngắn thời hiệu và khống chế thời hạn xử phạt, truy thu liên quan đến thuế không quá khác biệt so với các loại thời hiệu chung.

Cần phải xem xét công khai thông tin về tổng số thuế nói chung, thuế thu nhập nói riêng của pháp nhân, cá nhân, nhất là của quan chức thuộc diện phải kê khai tài sản.

Cần phải xem xét quy định rõ, thuế và phí bảo vệ môi trường phải và chỉ được sử dụng cho việc bảo vệ môi trường.

3.6. Việc quy định về tài khoản tiền gửi:

Cần xem xét quy định về việc mở và sử dụng tài khoản chung tại ngân hàng, trong đó có tài khoản thanh toán như trước kia, đồng thời bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng đối với cá nhân từ một mức nhất định trở lên, trước mắt có thể là chấp nhận mức tương đối cao như một vài trăm triệu đồng. Sau đó có thể giữ ổn định mức đó vài chục năm, không điều chỉnh theo mức lạm phát (đồng nghĩa với việc giảm mức giao dịch tài khoản bắt buộc khi đã tạo ra thói quen).

3.7. Việc quy định về lãi suất:

Cần phải xem xét sửa Bộ luật Dân sự theo một trong 3 hướng sau: Hoặc là bỏ quy định về trần lãi suất; hoặc là theo trần lãi suất của ngân hàng hoặc là quy định một mức trần lãi suất chung một mức hợp lý (khoảng 50%/năm) để bảo đảm phù hợp với thực tế cho cả giao dịch trong và ngoài hệ thống Ngân hàng. Theo đó, lãi suất cho vay nặng lãi sẽ được ấn định một mức cụ thể 100%/năm trong Bộ luật Hình sự mà không phụ thuộc vào quy định của pháp luật dân sự.

Hà Nội 31-12-2018    

 

[1]    Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2018: Tính ổn định của pháp luật Việt Nam: Lý luận, thực trạng & giải pháp.

[2]     Thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và được tiếp tục thực hiện theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 04-4-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW.

[3]     Điểm m, khoản 2, Điều 9 về “Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014).

[4]     Điều 10 về “Thuế suất”, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013).

[5]     Điều 8 về “Biểu khung thuế”, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010.

[6]     Các “Biểu thuế bảo vệ môi trường”, ban hành theo Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14-7-2011, số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10-3-2015 và số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26-9-2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

[7].   Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29-4-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành “Hệ thống tài khoản kế toán các Tổ chức tín dụng” (sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 1146/2004/QĐ-NHNN ngày 10-9-2004, Thông tư số 10/2014/TT-NHNN ngày 20-3-2014 và Thông tư số 49/2014/TT-NHNN ngày 31-12-2014).

[8].  Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21-11-2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành “Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng”.

[9].   Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19-8-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.

[10].          Thông tư số 05/2014/TT-NHNN ngày 12-3-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam”.

[11]. Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ban hành “Quy chế về tiền gửi tiết kiệm”.

[12]  “Kế hoạch Triển khai Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng” số 5286/KH-NHNN ngày 15-7-2010 và “Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-02-2011 của Chính phủ trong ngành Ngân hàng” số 1639/KH-NHNN ngày 01-3-2011.

[13]  Các Quyết định số 688/2002/QĐ-NHNN ngày 01-7-2002, số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03-02-2005 và số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31-5-2005; các Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 08-10-2011 và số 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014.

[14]  Điểm d, khoản 6, Điều 27 về “Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán”, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng”.

[15]  Điểm h, khoản 1, Điều 206 về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,980