(ĐĐK) – Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh, Bộ luật Dân sự 2005 có vị trí đặc biệt quan trọng, là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội, các giao lưu dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. Bộ luật đã phát huy vai trò to lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội có tính phổ biến trong đời sống, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới của đất nước, phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng như phục vụ hội nhập quốc tế…. Tuy nhiên, đến nay, Bộ luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định như có những quy định không phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; có những quy định không cụ thể, rõ ràng chưa tương thích với những quy định trong các điều ước và thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia… Việc tổng kết tìm ra những hạn chế không còn phù hợp để sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tại Hội thảo, TS Bùi Nguyên Khánh (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, các quy định pháp luật về tập quán pháp ở Việt Nam chỉ nhấn mạnh đến vai trò bổ sung của nguồn pháp luật này khi văn bản quy phạm pháp luật không có quy định và các bên không có sự thoả thuận. Hiện chưa có quy định mối liên hệ giữa Luật chung và Luật chuyên ngành trong việc lựa chọn quy tắc pháp luật, quy phạm pháp luật giữa các nguồn luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế tập quán pháp chưa được sử dụng và phát huy vai trò thực sự của nó trong hệ thống pháp luật, ý nghĩa pháp lý của nó sau khi được áp dụng… Các quy định về tập quán, áp dụng các quy định tương tự của pháp luật cần phải được sửa đổi toàn diện. Về nội dung cần giải quyết triệt để các tiêu chí xác định tập quán, thứ tự ưu tiên áp dụng của tập quán trong các nguồn luật, mối liên hệ giữa Luật chung và Luật chuyên ngành và giá trị pháp lý của chúng sau khi được Toà án áp dụng. Về tố tụng cần quy định chi tiết về nghĩa vụ chứng minh tập quán, chủ thể có trách nhiệm chứng minh, các quy tắc giải quyết xung đột trong quá trình chứng minh, nguồn thông tin, tài liệu chứng minh theo hướng minh bạch, công khai. TS Bùi Nguyên Khánh đề nghị cần trao cho Toà án nói chung và Thẩm phán nói riêng thẩm quyền giải thích pháp luật chính thức…
Xung quanh chủ đề bảo vệ quyền dân sự, bảo đảm nghĩa vụ dân sự, Luật sư Hoàng Huy Được (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng cần phải xác định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Theo Luật sư Được, Bộ luật Dân sự chỉ mang tính chất là “Bộ luật khung” và cần phải ban hành các Luật chuyên ngành để điều chỉnh các quan hệ dân sự cụ thể như: Luật về quyền sở hữu; Luật Nghĩa vụ dân sự và Hợp đồng dân sự, Luật về giao dịch bảo đảm… Nếu được như vậy, việc điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật dân sự một cách cụ thể, rõ ràng, thuận tiện và chính xác hơn. Về tư pháp cũng sẽ tránh được sự bất cập trong quá trình xét xử đối với các vụ án dân sự kinh doanh thương mại, quyền dân sự và việc bảo vệ quyền dân sự cũng sẽ được bảo đảm một cách hữu hiệu. Về nội dung các chủ thể quan hệ dân sự, Luật sư Trương Thanh Đức ( Giám đốc Công ty Luật ANVI) nêu một thực tế điều kiện để cá nhân và pháp nhân tham gia quan hệ dân sự đã được Bộ luật Dân sự quy định cụ thể nhưng một tổ chức không phải là pháp nhân thì chưa có quy định. Vì vậy, Bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới cần phải làm rõ về những khái niệm và điều kiện chung đối với các chủ thể quan hệ dân sự không phải là cá nhân và pháp nhân. Đồng thời cần làm rõ chủ thể quan hệ dân sự khác với chủ thể quan hệ pháp luật khác như thế nào. Nếu căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành thì gần như không thể xác định được, khi nào và điều kiện nào thì các chủ thể khác trở thành chủ thể của quan hệ dân sự.
Các đại biểu cũng đã tập trung đánh giá các quy định về các chủ thể quan hệ dân sự: cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, pháp nhân; giao dịch dân sự; đại diện; thời hạn và thời hiệu; tài sản và quyền sở hữu; quyền của người không phải là chủ sở hữu; bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và ngoài hợp đồng…
————
Đại đoàn kết 06-12-2002: