(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC trình bày tại Hội thảo doVCCI tổ chức.
Thấy rằng, gần như toàn bộ những thành công, thành quả, thành tích, thành tựu cải cách và phát triển kinh tế đều là nhờ ở sự sửa sai. Vậy thì rất cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nói riêng và các Luật khác nói chung và sửa càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt.
1.1 Vấn đề:
- Nội dung sửa đổi qua 3 năm thi hành luật là khá nhiều, với dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng cộng 75 điều luật trên tổng số 289 điều của 2 Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và 9 luật khác[1]. Ngoài ra đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật Đầu tư vào năm 2016.
- Việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai. Ví dụ:
- Điểm b, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy lại nguyên văn quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014.
- Những vấn đề bất cập từ lâu, nhưng chưa được giải quyết trong Luật 2014, như không tập trung đăng ký kinh doanh tất cả các hoạt động kinh doanh không chỉ của doanh nghiệp mà của mọi pháp nhân
- Nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Ví dụ doanhnghiệp nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% (khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật).
- Còn nhiều vấn đề bất cập quan trọng chưa được sửa đổi, một số vấn đề được nêu ở dưới đây.
1.2. Kiến nghị:
- Cần bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.
- Trước mắt sửa đổi những vấn đề cần thiết, trong đó có những nội dung được nêu ở dưới dây. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần phải xem xét. Chẳng hạn, cần phải thừa nhận văn phòng ảo, thực ra là thật với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký tại 1 địa chỉ, với một vài trăm, thậm chỉ một vài chục m2. Mô hình này đã phát triển tương đối nhiều từ trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 và việc quản lý hơn văn phòng trong ngóc ngách không tìm được. Theo đó, Luật cần phải quy định mở hơn, ví dụ không cần ghi biển hiệu như bình thường, doanh nghiệp kinh doanh văn phòng ảo.
2. Về Luật đầu tư:
2.1. Vấn đề:
- Cốt lõi của Luật Đầu tư là Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. Điểm a, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật giải thích “Đầu tư kinh doanh là việc bỏ vốn bằng tiền và các tài sản khác để kinh doanh”.
- Ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây.
2.2 Kiến nghị:
- Bỏ Luật đầu tư, đồng thời chuyển Danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điểu kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.
- Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, LuậtBảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy,… Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm 1 chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài.
3. Về thủ tục đăng ký và công bố thông tin:
3.1. Vấn đề:
- Quy định đăng ký doanh nghiệp với thủ tục tại Điều 27 về “Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp”, lệ phí (100.000 đồng) tại khoản 2, Điều 28 về “Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” và nội dung tại Điều 29 về “Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp.
- Nhưng đến Điều 33 về “Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp” thì lại phải làm thêm 1 thủ tục và nộp phí (300.000 đồng), với nội dung trùng với Điều 29 nếu trên.
3.2. Kiến nghị:
- Nhập 2 thủ tục trên làm 1, bớt việc, thời gian và chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tốt nhất là chỉ tính lệ phí 1 lần bằng khoảng 50% so với hiện nay.
- Việc này phù hợp với một trong những mục tiêu của Dự luật theo Dự thảo Tờ trình là “cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính” và yêu cầu của Chính phủ;
- Chuyển việc đăng ký kinh doanh sang Tòa án.
4. Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh:
4.1. Vấn đề:
- Luật đã bỏ toàn bộ việc ghi nhận ngành, nghề đầu tư, kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay vì chỉ bỏ những ngành, nghề tự do đầu tư, kinh doanh không cần điều kiện.
- Các ngành, nghề tự do kinh doanh nhưng lại vẫn phải thông báo ngành nghề, kinh doanh như đối với 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thực chất vẫn là 1 dạng đăng ký.
4.2. Kiến nghị:
- Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì vẫn cần ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (kinh doanh) như trước đây.
- Cần bỏ hẳn việc thông báo ngành nghề kinh doanh vì hầu như không có ý nghĩa pháp lý, kể cả việc thống kê. Chỉ có ý nghĩa pháp lý và cần quản lý khi doanh nghiệp tiến hành kinh doanh thực tế thông qua quản lý hóa đơn, chứng từ, kế toán, tài chính.
5. Về chủ thể kinh doanh
5.1. Vấn đề:
- Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh) là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là và phải là doanh nghiệp tư nhân (trách nhiệm vô hạn và không có tư cách pháp nhân).
- Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được sinh ra để lấp chỗ trống thời kỳ cấm doanh nghiệp tư nhân, nay đã hết vai trò. Duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng, một sự mập mờ pháp lý.
5.2. Kiến nghị:
- Cần loại bỏ hộ kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh), để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty.
- Đồng thời quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế. Cụ thể là coi như doanh nghiệp áp dụng “Chế độ kế toán hộ kinh doanh” hiện hành, ban hành theo Quyết định số 169/2000/QĐ-BTC ngày 25-10-2000 về (đã được sửa, bổ sung theo Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC ngày 18-10-2002). Chế độ kế toàn này cần đơn giản hơn Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ”.
6. Về loại hình công ty:
6.1. Vấn đề:
- Về bản chất pháp lý và nguyên lý quản trị, điều hành giữa hai loại công ty TNHH và cổ phần là như nhau (đều là công ty đối vốn và chịu trách nhiệm hữu hạn như nhau), nhưng lại được quy định rất khác nhau không vì lý do chính đáng, không phù hợp với thực tế. Ví dụ công ty cổ phần gồm 3 cổ đông là vợ, chồng và con, đã có Đại hội đồng cổ đông, lại buộc phải có thêm Hội đồng quản trị, được bán cổ phần tăng vốn ra công chúng và được tự do chuyển nhượng vốn cổ phần công ty; trong khi công ty TNHH có 50 thành viên thì chỉ có Hội đồng thành viên, không được bán tăng vốn ra công chúng và không được tự do chuyển nhượng vốn công ty. Việc phân chia công ty TNHH có từ 1 đến 50 thành viên và công ty cổ phần có từ 3 cổ đông trở lên là không hợp lý.
- Việc phân chia thành hai loại như trên, tạo ra quá nhiều sự trùng lắp, dài dòng, phức tạp, rắc rối, vô lý về pháp lý. Ví dụ, khoản 8, Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi quy định, nhà đầu tư “mua cổ phần, phần vốn góp” của tổ chức kinh tế theo một trong các hình thức “mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông” là không chính xác. Vì đi do sự phân biệt đối xử pháp lý, nên chỉ có việc mua cổ phần của công ty cồ phần, chứ không có việc mua phần vốn góp của công ty TNHH và cũng chỉ có việc mua cổ phần từ công ty, mà không mua tử cổ đông (chỉ mua cổ phiếu từ cổ đông, còn cổ phần thì là chuyển nhượng). Hay khoản 5, Điều 2 của Dự thảo Luậtbổ sung khoản 4 Điều 78 về “Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu” nội dung: Nếu công ty có nhiều người làm đại diện theo pháp luật thì phải có ít nhất 1 người người giữ một trong các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Tổng giám đốc hoặc giám đốc. Quy định này bị bỏ sót, phải bổ sung và trở thành phải nhắc lại trong 3 điều luật (về công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và Công ty cổ phần).
6.2. Kiến nghị:
- Đã đến lúc phải sửa sai, mạnh dạn xoá bỏ việc phân biệt về số thành viên, mô hình, yêu cầu tổ chức, hoạt động,… khác nhau giữa công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Chỉ cần phân biệt sự khác nhau giữa các công ty khi đạt đến một quy mô cổ đông nhất định có thể ảnh hưởng đến yêu cầu quản lý, quyền lợi của cổ đông và công chúng, như từ 11 thành viên (gọi chung là cổ đông) trở lên thì phải thực hiện thêm một số yêu cầu(đã được quy định trong Luật hiện hành với cả hai loại hình công ty). Đặc biệt là công ty đại chúng từ 100 cổ đông trở lên thì phải thực hiện thêm nhiều yêu cầu cao hơn (hiện nay chỉ đặt ra đối với công ty cồ phần).
- Khi đó công ty có từ 2 đến 10 cổ đông được tổ chức và hoạt động giống nhau (không phân biệt giữa Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng thành viên, giữa cổ đông và thành viên, giữa tối thiếu 1 hay 3 và tối đa 50 hay bao nhiêu cổ đông). Khi có từ 11 và 100 cổ đông trở lên thì phải đáp ứng một số yêu cầu, chẳng hạn có Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán nội bộ, cơ chế tự do chuyển nhượng cổ phần,…
7.1. Vấn đề:
- Dự thảo Luật bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng, là nội dung trong các quy định về con dấu doanh nghiệp.
- Nhưng Dự thảo Luật lại không xử lý việc hàng chục lĩnh vực mà doanh nghiệp hoặc bản chất giống với doanh nghiệp như công ty luật, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, hợp tác xã,… nhưng vẫn không được tự quyết định hình thức, nội dụng, việc quản lý và sử dụng con dấu, mà vẫn phải phải được cơ quan Công an cấp “Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu” như đối với cơ quan nhà nước. Điều này dẫn đến việc, công ty chứng khoán hay Quỹ tín dụng nhân dân thì con dấu do Công an quản lý, còn ngân hàng thì lại tự do. Hay hộ kinh doanh thì lại không được quy định về việc tự quyết định về con dấu như doanh nghiệp.
- Trường hợp “Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật” hoặc nói cách khác là phải đóng dấu theo quy định của pháp luật, theo quy định tại khoản 4 Điều 44 về “Con dấu của doanh nghiệp”. Nếu không xác định được thì ý nghĩa và hậu quả pháp lý thế nào thì là một quy định rườm rà, vô nghĩa.
7.2 Kiến nghị:
- Cần bỏ hẳn việc quy định phải đóng dấu theo quy định của pháp luật. Trường hợp nào thật sự cần thiết thì phải quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp hoặc các luật khác.
- Nếu vẫn giữ lại, thì cần thống nhất quy định về con dấu đối với tất cả các doanh nghiệp và tương tự doanh nghiệp.
8. Về người đại diện theo pháp luật,
8.1. Vấn đề:
- Khoản 3, Điều 2 Dự thảo Luật quy định “ Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật và Điều lệ công ty không quy định về quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật thì những người đại diện theo pháp luật của công ty có quyền và nghĩa vụ như nhau”. Câu thứ 3 trong đoạn này đã được trình ra Quốc hội năm 2014, nhưng bị bác bỏ một cách vô lý, giờ lại phải đưa vào.
- Dự thảo Luật thêm câu thứ 3 để khắc phục sự rất vô lý là thuận lợi cho nội bộ công ty nhưng gây khó khăn, rủi ro cho bên ngoài. Tuy nhiên, đây là sự sửa đổi nửa vời, không hợp lý khi vẫn giữ nguyên câu thứ 2.
8.2. Kiến nghị:
- Cần mạnh dạn sửa bỏ cơ chế đại diện theo pháp luật như lâu nay, mà chỉ quy định đại diện pháp lý để đảm nhận việc tiếp nhận các giấy tờ, thủ tục pháp lý.
- Nếu chưa bỏ được thì cần quy định, trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật thì phải chịu trách nhiệmnhư nhau, chứ không chỉ sửa là trường hợp không có quy định trong Điều lệ. Như vậy, cần sửa câu “Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” thành Điều lệ chỉ quy định số lượng, còn quyền và nghĩa nghĩa vụ phải như nhau, tức là bỏ quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo Điều lệ[2] thì mới bảo đảm an toàn pháp lý cho các đối tác, khách hàng và cơ quan nhà nước.
9. Về quyền của cổ đông:
9.1. Vấn đề:
- Khoản 10, Điều 2 Dự thảo Luật đã sửa đổi quyền của nhóm cổ đông được quy định tại khoản 2, Điều 114 về “Quyền của cổ đông phổ thông” (tương tự là khoản 1, Điều 161 về “Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc”), với việc bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần “trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” mới có một số quyền như đề cử người vào Hội đồng quản trị, yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông,…
- Quy định trên là nhằm bảo vệ cả 2 phía là quyền cổ đông và sự ổn định của công ty. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu cổ phần vẫn không thay đổi là 10% trở lên (trừ trường hợp Điều lệ quy định khác) là không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông, nhất là các công ty đại chúng có quy mô lớn.
9.2. Kiến nghị:
- Cần sửa tỷ lệ sở hữu từ 10 xuống 5% để tăng cường sự bảo đảm quyền của cổ đông, đồng thời cũng tương thích với quy định cổ đông lớn sở hữu từ 5% trở lên theo quy định tại khoản 9, Điều 6 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010); khoản 26, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)[3].
10. Về Nhiệm kỳ HĐQT:
10.1. Vấn đề:
- Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định theo hướng, bỏ nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị như Luật Doanh nghiệp năm 2005[4], mà chỉ quy định về nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị[5]. Tuy nhiên lại còn 2 điều luật đề cập đến nhiệm kỳ Hội đồng quản trị (điểm b, khoản 3 Điều 114 về “Quyền của cổ đông phổ thông” và khoản 1, Điều 153 về “Cuộc họp Hội đồng quản trị”). Ngoải ra, khoản 2 Điều 47 về về “Cử người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp”, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 cũng đề cập đến nhiệm kỳ Hội đồng quản trị khi quy định: “Thời hạn cử người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp được xác định không quá nhiệm kỳ của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị.”
- Cùng với việc bỏ nhiệm kỳ Hội đồng quản trị lại bỏ việc bắt buộc bầu Hội đồng quản trị theo phương thức bầu dồn phiếu đã dẫn đến việc hạn chế rất nghiêm trọng đến quyèn của nhóm cổ đông thiểu số.
10.2. Kiến nghị:
- Khôi phục quy định về nhiệm kỳ Hội đồng quản trị, nếu vẫn giữ lại 3 điều luật trên.
- Hoặc bỏ quy định về nhiệm kỳ Hội đồng quản trị tại 3 điều luật nói trên, đồng thời thiết kế những quy định khác để bảo đảm quyền của nhóm cổ đông thiểu số, trong đó có việc bắt buộc phải bầu dồn phiếu.
11. Về phương thức bầu cử:
11.1. Vấn đề:
- Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định về việc bắt buộc phải bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát theo phương thức bầu dồn phiếu[6]. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định theo hướng mở, cho phép Điều lệ công ty quy định việc bầu cử khác với phương thức bầu dồn phiếu hoặc quy trở về theo phương thức truyền thống thông thường1. Đây là một quy định sai lầm, trên cơ sở nhận định tại Mục 9, “Báo cáo Thẩm tra dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi)” số 1896/BC-UBKT13 ngày 23-5-2014 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội như sau: Một số ý kiến không tán thành với việc quy định bắt buộc bầu dồn phiếu, vì có thể dẫn đến tình trạng các cổ đông lớn của công ty lợi dụng để lựa chọn phương án có lợi cho mình thay vì lợi ích chung của công ty. Nhận định rằng, bầu cử theo phương thức bầu dồn phiếu dẫn đến việc các cổ đông lớn lợi dụng là ngược lại hoàn toàn với nguyên tắc này,
- Bỏ quy định bắt buộc bầu theo phương thức bầu dồn phiếu, nếu công ty đã có nhóm cổ đông sở hữu hoặc đại diện cho quyền sở hữu 51% số phiếu bầu thì không còn cửa nào cho tất cả các cổ đông còn lại, kể cả 1 cổ đông sở hữu gần 50% số cổ phần có quyền biểu quyết.
- Có thể nói, đây là một điểm thụt lùi rất đáng tiếc của Luật doanh nghiệp năm 2014. Với mục đích cởi mở là trao thêm quyền chủ động cho doanh nghiệp, nhưng lại xoá bỏ quy định hợp lý và cần thiết của Luật doanh nghiệp năm 2005, đồng thời, cũng gián tiếp làm giảm thay vì quan điểm mong muốn đề cao vai trò tham gia quản trị của các thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong Luật doanh nghiệp năm 2014.
- Khoản 3 Điều 144 về “Điều kiện để nghị quyết được thông qua”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không còn chỉ quy định duy nhất bầu theo phương thức dồn phiếu như Luật 2005, nhưng vẫn viết câu sau, đã dẫn đến việc hiểu bầu thông thường cũng không cần phải đạt tỷ lệ phiếu bầu tối thiểu từ 51% trở lên: “Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty”.
11.2. Kiến nghị:
- Khôi phục quy định bắt buộc bầu thành viên Hội đồng quản trị theo phương thức dồn phiếu, đồng thời xử lý vấn đề nhiệm kỳ Hội đồng quản trị để thực sự bảo đảm quyền của nhóm cổ đông thiểu số.
12. Về tỷ lệ biểu quyết:
12.1. Vấn đề:
- Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định tỷ lệ biểu quyết tối thiểu của cả Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần và Hội đồng thành viên Công ty TNHH là 65% và 75%. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã giảm tỷ lệ tối thiểu với Đại hội đồng cổ đông là 51% và 65%, nhưng đối với Hội đồng thành viên vẫn giữ nguyên tỷ lệ tối thiểu 65 và 75%[7].
- Đây là điều rất bất hợp lý, trong khi tính chất, đặc điểm pháp lý hoàn toàn như nhau (cũng do sự phân biệt thành hai loại hình công ty không hợp lý).
- Giảm tỷ lệ biểu quyết tối thiểu của Hội đồng thành viên xuống 51 và 65% tương tự như đối với Đại hội đồng cổ đông.
- Các đoạn quy định cho phép Điều lệ quy định một tý lệ khác ở điều này cũng như tất cả các điều khác thì cần phải viết rõ là khác cao hơn, thấp hơn, dài hơn, ngắn hơn để tránh bị hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
13. Một số nội dung khác:
13.1 Cần thống nhất trong Luật cụm từ “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc” thay vì một số điều luật viết là “Giám đốc, Tổng giám đốc”.
13.2. Cần khôi phục lại khái niệm “vốn pháp định” trước kia đã từng được quy định tại khoản 7, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Doanh nghiệp năm 1999.
13.3. Khoản 12, Điều 2 của Dự thảo Luật, sửa đổi khoản 2 Điều 140 Luật Doanh nghiệp viết “Văn bản ủy quyền được lập theo quy định của Luật dân sự và phải nêu rõ số lượng cổ phần được ủy quyền”. Cụm từ “Luật dân sự” là không chính xác, mà phải là “Bộ luật Dân sự” hoặc “pháp luật dân sự”.
13.4. Cần giải thích cụm từ “thành viên điều hành của Hội đồng quản trị” tại điểm c khoản 4 Điều 153 về “Cuộc họp Hội đồng quản trị”, Luật doanh nghiệp năm 2014.
13.5. Danh mục ngành, nghề viết về Trọng tài thương mại là “được thành lập với mục đích xét xử” là không chính xác, mà chỉ là cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Hà Nội 20-02-2019
[1] Dự thảo Tờ trình Chính phủ chỉ tính sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 51 điều.
[2] Quy định theo hướng này không mâu thuẫn với khoản 2, Điều 141 về “Phạm vi đại diện”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Khoản 6, Điều 20 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004) quy định là 10%.
[4] Khoản 1, Điều 109 về “Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị”, Luật Doanh nghiệp năm 2005.
[5] Điều 150 về “Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị”, Luật doanh nghiệp năm 2014.
[6]. Điểm c khoản 3 Điều 104 về “Thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông”, Luật doanh nghiệp năm 2005.
1 Khoản 3 Điều 144 về “Điều kiện để nghị quyết được thông qua”, Luật doanh nghiệp năm 2014.
[7] Khoản 1 Điều 59 về “Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên”, Luật doanh nghiệp năm 2014.