Không thông thì tắc
(ANVI) – Lẽ thường trong mỗi cuộc chơi cũng như suốt cả cuộc đời, ai sai trái thì phải gánh chịu trách nhiệm, từ đạo đức xã hội cho đến hậu quá pháp lý, mà dân dã gọi là nhầm thua vô ý mất tiền hay phiên bản nhầm thua vô ý mất tình.
Pháp luật quy định rõ 4 dạng trách nhiệm và chế tài điển hình, đó là: kỷ luật, dân sự, hành chính và hình sự, với hàng vạn điều luật bủa vây, không dễ gì thoát khỏi, ít ra là về mặt lý thuyết.
Chẳng hạn, một quyết định hay hành vi hành chính, nếu sai thì phải bị khiếu nại. Giải quyết không ngon thì bị khởi kiện ra Tòa, yêu cầu thay đổi, bồi thường.
Nhưng câu chuyện trách nhiệm đối với cái gốc điều chỉnh và xử lý ty tỷ hành vi xử sự của muôn người thì lại khơi khơi. Một điều luật có thể kích thích phát triển hay làm hại cả nền kinh tế, gây tác động ngược xuôi, xấu tốt, làm lợi lớn hoặc khai tử hàng vạn doanh nghiệp, ảnh hưởng tới hàng triệu con dân; thậm chí có khi phải trả giá bằng sự tụt hậu của đất nước và để sửa chữa, khắc phục thì phải mất đứt nhiều năm, thường không ít hơn thời gian mà nó đã bị thực thi.
Thế mà cơ quan, cá nhân soạn thảo, thông qua và ban hành quy định thì chỉ chịu trách nhiệm mơ hồ, chung chung, có thưởng, vô phạt. Nhưng điều quan trọng nhất là mọi cá nhân & pháp nhân không được quyền khởi kiện văn bản quy phạm pháp luật cho dù có trái luật hay là vi Hiến. Điểm liệt tắc tị vì không có cách thông!
Ngày 23-10-2019