327. Ngân hàng không mặn mà bán nợ xấu

(KTĐT) – Công ty Mua bán tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chỉ mua các khoản nợ xấu… “đẹp”- đó là nguyên nhân khiến một số ngân hàng không mặn mà bán nợ cho VAMC.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức về các vấn đề trong xử lý nợ xấu hiện nay.

Xử lý tài sản đảm bảo chậm

Dù đã được bàn và đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay nhưng quá trình xử lý nợ xấu vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Nguyên nhân là vì sao, thưa ông?

– Việc xử lý nợ xấu vốn hết sức phức tạp do kinh tế khó khăn, DN yếu kém, việc ngân hàng cho vay ồ ạt… Ngoài ra, việc những quy định pháp lý chằng chịt, mất nhiều thời gian cũng khiến việc xử lý nợ xấu bị chậm. Ví dụ, khi đăng ký giao dịch bảo đảm, đã đăng ký thế chấp, đã làm đầy đủ thủ tục pháp lý, ngân hàng là nơi giữ giấy tờ chính. Nhưng, khi cần thu hồi nợ, ngân hàng lại hoàn toàn phụ thuộc vào chủ sở hữu tài sản, nếu họ không hợp tác, việc thu giữ tài sản sẽ rất khó. Nếu nhờ đến pháp luật, để ra được bản án phát mại tài sản cũng mất từ 1 – 2 năm, khiến nợ chồng nợ, rất khó xử lý.

Vậy, làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu này, thưa ông?

– Theo tôi, chúng ta phải giải quyết được hai vấn đề: Thứ nhất, phải tạo ra một cơ chế thúc đẩy việc kích cầu, tiêu thụ tài sản phát mãi. Thứ hai, thủ tục pháp lý phải làm sao đẩy nhanh được việc xử lý tài sản đảm bảo. Các ngân hàng phải chủ động xử lý các khoản nợ xấu của mình, trong đó có sự hỗ trợ của cơ quan pháp luật như tòa án, công an, cơ quan đăng ký nhà đất, cơ quan công chứng…

“Trốn” bán nợ cho VAMC?

Hiện, nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, trong đó, nợ xấu chỉ chiếm dưới 3% – mức an toàn để thoát “án” bán nợ cho VAMC. Có vẻ như ngân hàng không mặn mà bán nợ cho VAMC?

– Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn, VAMC chỉ mua các khoản nợ xấu có khả năng thu hồi. Trong đó, một điều kiện đáng chú ý là khoản vay phải đảm bảo có tài sản thế chấp bằng bất động sản chiếm 65% giá trị khoản nợ. Thực ra, với các ngân hàng, đây cũng được coi là một khoản nợ tốt, họ có thể tự xử lý mà không cần phải bán cho VAMC. Ngân hàng muốn bán những khoản nợ xấu nhất chứ không phải muốn bán những khoản nợ tốt như vậy. Hơn nữa, cơ chế khác như khoanh nợ cũng không được nhắc đến. Còn gia hạn, giãn nợ chỉ làm đẹp sổ sách. Điều đó cho thấy, một số ngân hàng không nhận thức được thực chất của nợ xấu trong khi nợ xấu đang rất nghiêm trọng

Nhưng các số liệu khác nhau về nợ xấu cho thấy dường như các ngân hàng vẫn giấu nợ xấu, thưa ông?
– Đúng là có nhiều con số khác nhau về nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nợ xấu theo tôi cảm nhận có thể từ 11,5 – 20%, nếu tính thêm 6 – 7% các khoản nợ của Vinashin và Vinalines đã được khoanh nợ thì có thể lớn hơn. Việc “giấu” nợ này sẽ rất nguy hiểm vì bản chất VAMC chỉ chuyển nợ về mặt kỹ thuật, sau 5 năm sẽ xóa được khoản nợ đó.
Ông đánh giá thế nào về khả năng chịu khó khăn của các ngân hàng Việt Nam?
– Giống như bệnh ung thư, nếu phát hiện sớm sẽ có cách để chữa trị. Nợ xấu ngân hàng cũng vậy. Nếu các ngân hàng vẫn chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, cố tình giấu giếm để tự xử lý thì nợ xấu chỉ càng thêm trầm trọng. Một nguyên nhân nữa khiến các ngân hàng chần chừ bán nợ cho VAMC là do giá trị khoản nợ xấu này đến thời điểm hiện tại là rất thấp. Ngân hàng sẽ lỗ. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Ví dụ, trước đây ngân hàng cho vay 10 tỷ đồng, giờ bán cho VAMC thu được 5 tỷ đồng, còn 5 tỷ đồng nữa, ai sẽ chịu trách nhiệm, ai sẽ vướng vào vòng lao lý. Tình trạng hình sự hóa trách nhiệm khi xảy ra thất thoát có thể cũng là nguyên nhân khiến ngân hàng không dám đẩy nhanh bán nợ.
Xin cảm ơn ông!

Ngày 9/8, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định về việc cấp vốn điều lệ cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trích 500 tỷ đồng từ Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ Quốc gia để cấp vốn điều lệ cho VAMC. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Hà Lâm thực hiện

(950/950)


Kinh tế Đô thị 10-8-2013:

http://ktdt.vn/kinh-te/thi-truong-tai-chinh/2013/08/8101F2DD/ngan-hang-khong-man-ma-ban-no-xau/

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,503