326. Quy định năng lực hành vi dân sự của cá nhân phải thống nhất

(ĐBND) – Theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi dân sự của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, trong thực tế việc vận dung quy định này có những khác biệt. Để bảo đảm việc áp dụng đúng quy định được việc quy định năng lực hành vi dân sự của cá nhân cần điều chỉnh thống nhất.

Điều 20 BLDS quy định năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, trong quan hệ dân sự hôn nhân, gia đình thì tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về điều kiện kết hôn trong đó nữ chỉ cần “từ 18 tuổi trở lên”. Quy định này đang tạo sự bất cập cũng như độ vênh về độ tuổi của người chưa thành niên giữa các quy định pháp luật khi tham gia các giao dịch dân sự. Theo như quy định này đồng nghĩa với việc cho phép người chưa thành niên, người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được phép kết hôn.

Hiện đang có một thực tế là giữa các quy định pháp luật đang không có sự thống nhất, thậm chí “vênh” nhau. Tại Khoản 2 Điều 20, BLDS quy định, trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Căn cứ vào quy định này của BLDS, Quy chế về tiền gửi tiết kiệm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định: cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nhưng có tài sản riêng đủ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của BLDS thì được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm.

Trong khi đó, tại điểm a, Khoản 2, Điều 2 Quyết định 1284/2002/QĐ – NHNN 21/11/2002) quy định: đối với người chưa thành niên, mọi thủ tục và sử dụng tài khoản tiền gửi phải thực hiện thông qua giám hộ, người đại diện theo pháp luật. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, quy định này là quá chặt so với quy định tại điều 20 của BLDS, đồng thời mâu thuẫn với quy định tương tự về độ tuổi được phép giao dịch gửi tiền tiết kiệm nói trên tại Quyết định số 1160/2004/QĐ – NHNN.

Nghị định được ra đời gần đây nhất là Nghị định 101/2012/ NĐ-CP (ngày 22/11/2012) về thanh toán không dùng tiền mặt, điều 10 của Nghị định này quy định về mở tài khoản thanh toán cho cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng. Theo đó, người mở tài khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng. Đối với người chưa thành niên, khi mở tài khoản thanh toán phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động từ đủ 15 tuổi được quyền tự quyết định ký kết hợp đồng. Như vậy, luật cho phép người lao động được tự ký hợp đồng, nhưng khi mở tài khoản ngân hàng để nhận lương, thanh toán và sử dụng thẻ ATM thì lại phải thông qua người giám hộ. Chính điều này đang gây nên một sự bất cập, gây khó cho người lao động là người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, Luật sư Đức cũng chỉ ra rằng, BLDS hiện hành không đề cập gì đến năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ 9 tuổi trở lên, nhưng Luật Hôn nhân và gia đình lại có đến 6 quy định phải có sự đồng ý hoặc tham khảo ý kiến của người từ 9 tuổi trở lên. Cụ thể: việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi; việc nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi; việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn phải tính đến nguyện vọng của con; khi vợ chồng không thỏa thuận được việc giao con cho ai nuôi thì Tòa án quyết định và nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của người chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở trên, có ý kiến đề nghị cần bổ sung các quy định về năng lực hành vi của những người này vào trong các quy định của BLDS để làm căn cứ đặt ra các quy định có liên quan đến những vấn đề nói trên.

Ngoài ra, điều 106 của BLDS quy định về hộ gia đình, theo đó hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này. Nhiều ý kiến cho rằng, để giao dịch hợp pháp với hộ gia đình, thì vấn đề quan trọng nhất là phải xác định được các thành viên của hộ. Nhưng thực tế thì BLDS lại chưa quy định thế nào là thành viên của hộ gia đình gồm bố mẹ, con, cháu hay thêm cả anh chị em ruột, hay gồm những người cùng chung hộ khẩu…? Do đó, gần như không thể xác định được đúng tư cách các thành viên của hộ gia đình trong một giao dịch cụ thể. Chính quy định này đã gây ra nhiều khó khăn và rủi ro pháp lý đối với các giao dịch mà chủ thể của các giao dịch là hộ gia đình.

Với những bất cập này, sắp tới khi sửa đổi BLDS, cơ quan soạn thảo cần xem xét bổ sung các quy định về năng lực hành vi cũng như tư cách của các chủ thể khi tham gia các quan hệ dân sự nhằm tạo sự thống nhất giữa BLDS và các luật chuyên ngành khác, bảo đảm sự thống nhất của các quy định pháp luật.

Hà An

————

Đại biểu Nhân dân 04-01-2013:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=268711

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,150