(ND) – Sáng 16-1, tại Bộ Tư pháp đã khai mạc tọa đàm về định hướng xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tại buổi tọa đàm nhiều ý kiến của các chuyên gia khẳng định cần có giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng văn bản – một vấn đề đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây.
Nghị định 17 quy định xử phạt xe không chính chủ đã gây nhiều bức xúc trong dư luận |
Lấy ý kiến góp ý thực chất để nâng cao chất lượng văn bản
Theo GS, TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) khâu kiểm định, thẩm định, đề xuất ban hành VBQPPL hiện nay “có vấn đề”. Tình trạng lobby (vận động hành lang) để văn bản đó được ban hành bất chấp ý kiến phản hồi của dư luận vẫn còn tồn tại trong khi việc đánh giá tác động của văn bản đó đối với xã hội như thế nào trong thực tiễn lại ít được quan tâm.
Hiện nay pháp luật về ban hành VBQPPL ở nước ta đang phân tách thành hai cấp, trung ương và địa phương tương ứng với hai luật khác nhau. Việc tồn tại hai luật cùng điều chỉnh việc ban hành văn bản đã bộc lộ những hạn chế bất cập và mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu lực thực tế trong quá trình áp dụng. Thêm vào đó luật năm 2008 và năm 2004 đang có những quy định mâu thuẫn về loại văn bản quy phạm và thẩm quyền ban hành. Các quy định của hai luật chưa thể hiện rõ tính đặc thù trong quy trình ban hành VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành ở trung ương và các cơ quan ở địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Theo đề xuất của Bộ Tư pháp trong việc định hướng xây dựng luật ban hành VBQPPL (hợp nhất hai văn bản hiện hành), phải tạo được tính linh hoạt trong hoạt động ban hành cũng như nâng cao chất lượng các VBQPPL.
Một trong những nội dung của vấn đề này chính là phải đổi mới cách thức lấy ý kiến góp ý văn bản, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp, bảo đảm việc lấy ý kiến thực chất có chất lượng, tránh hình thức. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải có định hướng những vấn đề cần lấy ý kiến cung cấp đầy đủ thông tin để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức phản biện, việc tổng hợp giải trình ý kiến phải được thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó cần tiếp tục đơn giản hóa hệ thống pháp luật, nâng cao tính dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; tăng cường tính chuyên nghiệp trong xây dựng pháp luật; tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật.
Nên bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của huyện, xã?
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia đó là xem xét việc ban hành, trình VBQPPL của TANDTC, VKSNDT; xem xét bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã; không quy định Nghị quyết của Quốc Hội, của Uỷ ban thường vụ Quốc hội là VBQPPL; bỏ hình thức chỉ thị của UBND các cấp.
Theo ông Vũ Quốc Việt – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính (Bộ Tư pháp), mục tiêu bao trùm trong việc xây dựng dự án luật ban hành VBQPPL đó là nâng cao chất lượng ban hành văn bản. “Văn bản của chúng ta “sống lâu” nhất cũng chỉ 10 năm, còn “chết yểu” thì chỉ một năm lại phải sửa đổi, bổ sung. Quy trình ban hành đổi mới để linh hoạt chứkhông phải qua bẩy hay chín khâu như hiện nay”, ông Việt nói.
Đại biểu này cho rằng, nên bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của UBND cấp huyện, cấp xã. “chúng tôi đi một số địa phương, hỏi về VBQPPL, họ đưa tất cho một chồng cao, đầy đủ cả các loại ban hành trong năm. Chính bản thân họ cũng chưa phân biệt được đâu là văn bản quy phạm”. Về thẩm quyền trình VBQPPL của TANDTC, VKSNDTC với lý do đây là những cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ để phù hợp với chức năng đặc biệt của Quốc Hội, ông Việt cho rằng quy định vậy là không rạch ròi, kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
PGS. TS Đinh Dũng Sỹ – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ cho rằng, nên để TANDTC, VKSNDTC, Tổng kiểm toán nhà nước được ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của mình giống như quy định hiện nay. “Đồng ý bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của UBND cấp huyện, xã. Còn về vấn đề Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ có phải là VBQPPL không cần nghiên cứu kỹ vì rất nhiều nghị quyết của Chính phủ là quy phạm vì nó chứa những quy tắc xử sựchung”.
Tuy nhiên, không đồng ý với các quan điểm trên PGS, TS Vũ Thư cho rằng không nên tước bỏ quyền ban hành VBQPPL của UBND cấp huyện, cấp xã. “Mỗi địa phương có điều kiện khác nhau nên không thể mọi quy định đều áp dụng cứng nhắc mà còn tùy thuộc tình hình thực tế nữa”. Việc lấy ý kiến từ đối tượng chịu tác động của văn bản phải có hồi âm từphía chủ trì soạn thảo văn bản chứ nếu không sẽ không có tác dụng. Chúng ta cần phải quen với ý kiến trái chiều.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật ban hành VBQPPL cần có quy trình chặt chẽ để cho một dự án luật dễ dàng “chui” qua. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI còn đề nghị luật cần có quy định “trói” thông tư chứ không để như hiện nay thì những người áp dụng văn bản lại trở thành “nạn nhân”. Luật sư Đức dẫn chứng, Nghị định quy định tổ chức lễtang cán bộ, công chức, viên chức, một vòng hoa luân chuyển cho mọi đối tượng đến phúng viếng; linh cữu quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô có lắp kính trên nắp quan tài… là vô lý.
Văn bản được ban hành ra xuất phát từ nhu cầu nội tại của cuộc sống để điều chỉnh một cách kịp thời các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên nếu văn bản được ban hành ra chỉ để cho đủ, đúng hạn theo kế hoạch được giao thì văn bản đó không thể đi vào cuộc sống.
HƯƠNG NGUYÊN
————
Nhân Dân 17-01-2013: