(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC bình luận tại Hội thảo do VITV tổ chức[1].
1. Thừa nhận kinh doanh là việc của tư nhân:
Phải chính thức thừa nhận, kinh doanh dứt khoát không phải việc của Nhà nước. Vì vậy Nhà nước hãy rút lui khỏi thị trường. Giảm mạnh, giảm thiểu doanh nghiệp nhà nước về số lượng & quy mô thay vì duy trì, đề cao. Mới cổ phần hoá chưa được 10% nguồn vốn.
Nhà nước đã chết ngộp vì quản lý, không để chết chìm vì kinh doanh. Nhà nước phải điều tiết thị trường nhưng đừng tranh miếng bánh thị trường.
2. Thừa nhận văn phòng ảo:
Tức trụ sở doanh nghiệp chỉ còn là trụ sở đăng ký, chứ không phải là nơi đặt bộ máy điều hành. Nó xuất hiện nhiều rồi & tốt hơn trụ sở như quy định lâu nay.
3. Xoá bỏ con dấu DN:
Hiện nay, lập lờ tự chủ về con dấu, nhưng đang bắt buộc phải có con dấu, phải đóng dấu & càng ngày càng bị bắt buộc.
4. Xoá bỏ điều kiện kinh doanh:
Xoá bỏ ít nhất 1/3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện & 1/2 điều kiện kinh doanh. Chuyển sang quy chuẩn. Phải hiểu rằng vẫn còn cỡ 5 -7 trăm, chứ không phải 243 nhóm ngành nghề kinh doanh.
Nhưng phải là giảm thật về yêu cầu, chi phí, chứ không chỉ về số lượng như vừa qua.
5. Xoá bỏ đăng ký ngành nghề KD:
Bỏ hẳn việc đăng ký ngành nghề tự do KD (kê khai & thông báo, thực chất vẫn là đăng ký, hoàn toàn không phải tự do).
6. Xoá bỏ ranh giới cty TNHH – CP:
Bỏ cách phân biệt 2 nhóm công ty TNHH & cổ phần, chuyển sang phân nhóm công ty theo 4 mức số lượng thành viên 1 – 2 – 11 – 100 (đúng như hiện nay), chủ yếu yêu cầu khác nhau về quản trị.
7. Xoá bỏ Luật đầu tư:
Thiết kế đầu tư trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công & các luật liên quan.
8. Xoá bỏ hộ kinh doanh:
Hay nói đúng hơn, công nhận 1,6 triệu hộ kinh doanh là 1 loại hình doanh nghiệp. Nhưng điều mấu chốt là phải làm cho doanh nghiệp siêu nhỏ dễ thở như hộ kinh doanh chứ không phải làm cho hộ kinh doanh khó thở như doanh nghiệp.
9. Xoá bỏ kiểu cách đổi mới:
Đã qua rồi cái thời đổi mới. Chặng đường đổi mới đang đến khúc ngoặt tăng nhanh sức ỳ, nâng cao nghệ thuật lách luật & đối phó, chống lại đổi mới với cả bứt phá. Không có đột phá chính sách thật sự thì không bao giờ có bứt phá đúng nghĩa.
Một ưu điểm mà cứ duy trì mài thì thành nhược điểm. Bổn cũ soạn lại thì gặt hái ít thôi, nếu không muốn nói là sẽ mất mùa & thất bại.
Hà Nội 15-3-2019
[1] Phát biểu tại Hội thảo Đối thoại Bứt phá phát triển kinh tế & Cải thiện môi trường kinh doanh, do VITV tổ chức đúng ngày kỷ niệm 10 phát sóng.