(PL) – Trong công cuộc hoàn thiện thể chế hiện nay, điều quan trọng là cần tập trung đổi mới mạnh mẽ quy trình lập pháp phù hợp với sự phát triển năng động của kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Để làm được điều này, việc hợp nhất hai đạo luật về ban hành VBQPPL đang được xúc tiến và trong quá trình nghiên cứu ấy, nhiều ý kiến cho rằng cần có những quy định siết chặt thông tư bởi đây mới thực sự là loại văn bản “làm khó” người dân và doanh nghiệp.
Hình minh họa |
Không “trăm hoa đua nở”, pháp luật sẽ “lỗ chỗ”
Hiện nay, pháp luật về ban hành VBQPPL ở nước ta đang phân tách thành hai cấp, trung ương và địa phương tương ứng với hai luật khác nhau là Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Luật Ban hành VBQPPL năm 2008.
Việc tồn tại 2 Luật cùng điều chỉnh một hoạt động đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu lực thực tế trong quá trình áp dụng. Trước hết là không bảo đảm tính thống nhất trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất của một Nhà nước đơn nhất. Bên cạnh đó, việc quy định các hình thức VBQPPL trong hai đạo luật không làm rõ tính thứ bậc của hệ thống pháp luật.
Hơn nữa, Luật năm 2008 và Luật năm 2004 đang có những quy định mâu thuẫn về loại văn bản và thẩm quyền ban hành VBQPPL. Không những thế, các quy định của hai Luật chưa thể hiện rõ tính đặc thù trong quy trình ban hành VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ở trung ương và các cơ quan ở địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Vì vậy, để tiếp tục đơn giản hóa hệ thống pháp luật, nâng cao tính dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, việc hợp nhất hai Luật trên dự kiến sẽ xem xét việc ban hành VBQPPL của TANDTC, VKSNDTC; xem xét bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã, chỉ giữ lại thẩm quyền ban hành của cấp tỉnh.
Ngoài ra, xem xét việc thực hiện chủ trương mỗi cơ quan có thẩm quyền chỉ ban hành VBQPPL dưới một hình thức. Theo đó, không quy định Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là VBQPPL; nghiên cứu, xem xét sự cần thiết đối với quyết định của Kiểm toán Nhà nước; bỏ hình thức chỉ thị của UBND các cấp…
Cho rằng “cần phải quen với ý kiến trái chiều”, PGS. TS. Vũ Thư phản đối những đề xuất đổi mới về thẩm quyền ban hành VBQPPL. Nhấn mạnh việc “không đồng ý về việc tước bỏ quyền ban hành của cấp huyện, cấp xã”, TS. Vũ Thư phân tích, hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta chưa hoàn chỉnh nên để cho trăm hoa đua nở, nếu không sẽ bị lỗ chỗ.
Tương tự, về văn bản của TANDTC, VKSNDTC cũng vẫn cần thiết do luật điều chỉnh sẽ không hết. “Chẳng hạn, trong Luật Tố tụng hành chính lại có một số điều khoản sửa Luật Đất đai. Luật là phải dễ áp dụng, dễ hiểu, quy định như thế là rất khó cho người dân” – TS. Thư dẫn chứng.
Chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại ủng hộ chủ trương đơn giản hóa hệ thống pháp luật nói trên. Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần xem xét việc TANDTC, VKSNDTC có thẩm quyền ban hành VBQPPL để công dân thực hiện bởi đây là những cơ quan tư pháp, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. “Nếu vẫn duy trì đồng thời hai chức năng là không rạch ròi, kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” – ông Việt so sánh.
PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) tán thành với đề xuất không trao thẩm quyền ban hành VBQPPL cho cấp huyện, xã.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước vẫn được ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ giống như quy định hiện nay. “Nghị quyết của Chính phủ có còn là VBQPPL không thì cần nghiên cứu kỹ vì rất nhiều Nghị quyết của Chính phủ là quy phạm vì nó chứa những quy tắc xử sự chung” – ông Dũng bày tỏ băn khoăn trước dự kiến không quy định Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là VBQPPL.
- Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng nhất trí bỏ một loạt VBQPPL, bỏ hình thức VBQPPL là Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý là ông Đức và một số ý kiến khác đề nghị có quy định “trói” thông tư bởi đây là loại văn bản tùy thuộc các Bộ xây dựng và là loại văn bản ảnh hưởng nhiều nhất đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp khi mà chúng ta vẫn tồn tại thực trạng “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư”.
Thục Quyên
————
Pháp luật Việt Nam 16-02-2013:
http://www.phapluatvn.vn/tuphap/xaydungpl/201302/Can-co-quy-dinh-troi-thong-tu-2075288/
.