Hưởng dụng xung đột
(ANVI) – Cái cũ rích của thiên hạ ta mang về đã mấy năm nay, đẩy vào Bộ luật Dân sự 2015 nhưng hầu hết dân tình vẫn chưa biết ngô khoai sắn ra răng, đó là quyền hưởng dụng.
Nôm na đó là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác. Thời hạn hưởng dụng tối thiểu không rõ, còn tối đa là hết đời người hưởng dụng nếu là cá nhân và nhiều nhất là 30 năm nếu là pháp nhân.
Quyền này được bảo vệ ghê đến mức, chủ sở hữu tuy vẫn được quyền định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập. Tức có mang tài sản đi bán, tặng cho, thể chấp,… thì quyền hưởng dụng vẫn y nguyên hiệu lực.
Quyền quan trọng thế nhưng lại không hề phải thực hiện thủ tục pháp lý gì kiểu như đăng ký ghi nhận công khai. Nên ai cũng có thể bị dính đòn, vì mua, nhận quyền sở hữu hay nhận thế chấp tài sản nhưng cứ phải cắn răng để cho ai đó hưởng dụng suốt đời.
Mà nhận thế chấp rồi, họ vẫn có thể cho người khác quyền hưởng dụng thì đúng là tai hoạ pháp lý cãi nhau chẳng biết đâu mà lần.
Đây là một lỗ hổng pháp luật nguy hiểm, một cái bẫy đẩy xúi con người ta chà đạp pháp luật lẫn lương tri, cần phải sửa đổi hay bưng bít bịt vào để tránh xung đột quyền lợi.
Trước mắt, lập hợp đồng, cần phải thêm cam kết sống chết thề bồi rằng tôi không dính vào quyền hưởng dụng.
Ngày 28-8-2019