329. Bình luận về việc chia tài sản trong vụ ly hôn ngàn tỷ.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, bình luận chung dành cho báo chí     

Nhiều bài báo đăng ý phản đối kịch liệt phán quyết của Tòa án về việc phân chia tài sản trong vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo vì cho rằng tước bỏ quyền sở hữu của cổ đông trái Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình và đặc biệt là Luật Doanh nghiệp.

 1. Dư luận phản ứng:

 1.1. Một loạt báo đã đăng tin và bình luận về bản bán trên trang điện tử như Báo Giao thông ngày 28-3-2019 đăng bài “Vụ ly hôn Trung Nguyên: Tòa bắt bà Thảo bán cổ phần cho chồng là sai luật?”. Lao Động ngày 29-3-2019 đăng bài “Tòa xử toàn bộ cổ phần Trung Nguyên về tay ông Vũ: Liệu có sai luật?”. Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 29-3-2019 đăng bài “Luật Doanh nghiệp ở đâu trong vụ phân chia tài sản tại Trung Nguyên?”. Báo Thanh niên ngày 30-3-2019 đăng bài “Tòa truất quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên có đúng luật?”. Vietnam Express ngày 31-3-2019 đăng bài “Chuyên gia: ‘Toà vượt quyền khi giao cổ phần cho Đặng Lê Nguyên Vũ’”.

1.2. Đặc biệt, Báo Tuổi trẻ ngày 31-3-2019 đăng bài “Bản án ly hôn Trung Nguyên: Buộc bà Thảo nhận tiền là thô bạo, trái luật”, trong đó có ý chính là: Tòa án chỉ được quyền chia tài sảntheo tỉ lệ nào đó chứ không được quyền buộc bà Thảo phải bán cổ phần và nhận tiền. Điều này phi dân chủ và xâm phạm thô bạo đến quyền lợi của doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo. Như vậy là không đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu cổ phần của cổ đông theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, bởi không một ai, kể cả tòa án, được quyền tước bỏ quyền sở hữu cổ phần của cổ đông.

2. Chia cái gì?

2.1. Trong vụ án này, có thể xảy ra việc phân chia 2 loại tài sản chính là: Cổ phần và doanh nghiệp. Nếu đã chia tài sản là doanh nghiệp thì không chia cổ phần và ngược lại.

2.2. Tài sản thuộc sở hữu chung của 2 vợ chồng trong vụ án này là sản nghiệp công ty do hai vợ chồng sở hữu chung.Giá trị tài sản doanh nghiệp là giá trị của toàn bộ các tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp. Muốn chia tài sản này thì phải định giá tài sản của công ty, tức là phải định giá nhà cửa, đất đai, ô tô, cà phê, tiền mặt, thương hiệu,… Còn cổ phần thì chỉ là biểu hiện giá trị kế toán bằng tiền theo giấy tờ, sổ sách.

2.3. Để dể hình dung, có thể vì doanh nghiệp là một tài sản tương tự như một toà nhà, nên phải định giá doanh nghiệp cũng như định giá toà nhà để phân chia. Hai tòa nhà giống nhau y chang về diện tích, thiết kế, vật liệu, tuy nhiên, giá trị có thể bằng nhau hoặc khác nhau một trời một vực vì còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như vị trí, không gian, thời gian, công năng,… và kể cả chủ nhân của nó.

3. Chia thế nào?

3.1. Nếu 2 bên cùng được chấp nhận tiếp tục sở hữu doanh nghiệp (giống như chia nhà cho 2 bên) thì mới phân chia theo tỷ lệ cổ phần hoặc tài sản hiện vật cụ thể, còn nếu chỉ 1 bên sở hữu  khối tài sản (giống như nhà chia cho 1 bên), còn 1 bên nhận giá trị tài sản bằng tiền thì không nhận cổ phần, mà là nhận bằng tiền.

Vì vậy, nếu chưa tính đến tỷ lệ chia 60 – 40 và việc định giá cao hay thấp, có hợp lý hay không thì chẳng có gì trái với Luật Doanh nghiệp hay có điều gì bất công cả. Nếu định giá đúng, thì bên nhận tài sản hay nhận tiền cũng được bảo đảm quyền lợi như nhau.

3.2. Cũng không có chuyện tước bỏ trái luật quyền sở hữu riêng, vì tài sản không phải là sở hữu riêng của 1 người, mà tất cả đều là sở hữu chung của 2 vợ chồng, được mang ra phân chia, tức là xác định lại quyền sở hữu. Do vậy cũng giống như việc chia tòa nhà, bên nào được chia thì bên đó được xác lập quyền sở hữu theo bản án, chứ không có chuyện bắt buộc phải mua bán, chuyển nhượng cổ phần trái Luật Doanh nghiệp trong trường hợp này.

3.3. Nếu nhận định việc chia hết cho 1 bên là tước bỏ quyền sở hữu của cổ đông và bắt chuyển nhượng cổ phần trái luật, thì khác nào bắt Toà phải phân chia đúng theo tỷ lệ cổ phần mà ông Vũ, bà Thảo đang đứng tên? Vì nếu chia cho bất kỳ bên nào nhiều hơn, dù 1 cổ phần, cũng vẫn là tước bỏ quyền sở hữu và bắt chuyển nhượng trái luật (!?). Đặc biệt, nếu như một mình ông Vũ hay bà Thảo đứng tên sở hữu toàn bộ số cổ phần của Trung Nguyên thì đó vẫn tài sản thuộc sở hữu chung của 2 vợ chồng. Khi đó không nhẽ người đang đứng tên được hưởng 100%?

3.4. Ngoài ra, cũng cần tính đến bối cảnh chung rộng hơn, nếu chỉ xét 2 công ty chính, thì ông Vũ sở hữu Trung Nguyên, bà Thảo sở hữu King Coffee (sau khi đã bù trừ chênh lệch bằng tiền) sẽ hợp lý hơn nhiều việc bà Thảo sở hữu 40% Trung Nguyên, ông Vũ sở hữu 60% King Coffee (ông Vũ sẽ nắm quyền chi phối cả 2 doanh nghiệp).

3.5. Điều này cũng hợp lý xét theo góc độ quản trị công ty gia đình, đồng thời cũng phù hợp với quy định tại Điều 64 về “Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh”, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.”

3.6. Cuối cùng, kể cả trong trường hợp phân chia cổ phần là tài sản thuộc sở hữu chung (xin nhấn mạnh là tài sản thuộc sở hữu chung, chứ không phải là sở hữu riêng của mỗi bên) thì cùng có thể giao hết cho 1 bên. Khi đó, người được giao tài ản hay cồ phần sẽ được xác lập quyền sở hữu theo Bản án của Toà án, đã được quy định tại khoản 2, Điều 221 về “Căn cứ xác lập quyền sở hữu”, Bộ luật Dân sự năm 2015. Và như vậy cũng đều không có chuyện tước bỏ quyền sở hữu hay bắt buộc phải chuyển nhượng cổ phần trái luật. Và trên cơ sở của bản án, công ty sẽ phải điều chỉnh lại danh sách cổ đông, chứ không phải là chia tài sản buộc phải giữ nguyên danh sách cổ đông.

Hà Nội 31-3-2019    

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,705