(KTĐT) – Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ TN&MT xây dựng quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng như phương pháp định giá và khung giá các loại đất để tránh mâu thuẫn nảy sinh khi thực hiện GPMB.
Giải quyết vướng mắc
Theo Bộ TN&MT, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2003, công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn một số hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính về đất đai. Đất đai là tài sản lớn, quan trọng đối với con người và quốc gia.
Tuy nhiên, về mặt pháp luật còn nhiều bất cập, lạc hậu. Đối với những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực đất đai, phải giải quyết được những vướng mắc về giá đất, bởi đây là một trong những nguyên nhân gây gia tăng khiếu kiện.
Đất đai sẽ được định giá bằng phương pháp mới, nhằm đảm bảo lợi ích cho người bị thu hồi đất. Trong ảnh: Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Tuân
Vì vậy, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hiện Dự thảo đang tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và lấy ý kiến nhân dân. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Nếu chính sách về đất đai không cụ thể, giải quyết không công bằng thì người sử dụng đất sẽ bị thiệt thòi.
Khi thu hồi đất triển khai các dự án, phải có chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dân thỏa đáng, đảm bảo lợi ích cho người bị thu hồi đất. Người dân trong diện tái định cư phải có nơi ở mới tốt hơn nơi cũ. Phải xem xét, cân nhắc đến lợi ích hài hòa của Nhà nước, doanh nghiệp, lợi ích người dân ở những khu vực có đất bị thu hồi, tránh áp dụng tùy tiện, không thống nhất trên cùng địa bàn dẫn tới ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi bị thu hồi đất”.
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) thừa nhận, vấn đề nổi cộm nhất, quan trọng nhất cần phải tháo gỡ trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là giá đất. “Làm tốt khâu này sẽ giải quyết tốt vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bởi các khiếu nại trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chủ yếu về giá bồi thường” – ông Chính nói.
Bổ sung 4 phương pháp xác định giá đất
Theo ông Đào Trung Chính, những nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã quy định cụ thể hơn, có những đổi mới về giá đất.
Về nguyên tắc, giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ quy định bổ sung 4 phương pháp xác định giá đất phổ biến trên thế giới và đã được áp dụng tại Việt Nam.
Đó là phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp thu nhập, phương pháp chiết trừ và phương pháp thặng dư. Quy định việc áp dụng phương pháp xác định giá đất để định giá đất nông nghiệp và định giá các loại đất khác.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ quy định khung giá các loại đất theo hướng tăng số vùng giá đất để định hướng cho UBND cấp tỉnh, TP xây dựng bảng giá đất tại địa phương.
Đồng thời, bổ sung quy định về định giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, TP để xử lý chênh lệch về giá đất giáp ranh. Khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20%, Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Thêm một điểm mới, Dự thảo Luật bỏ quy định bảng giá đất ban hành và công bố vào ngày 1/1 hàng năm. Bảng giá đất được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh khi giá đất thị trường có biến động tăng hoặc giảm 20% so với bảng giá đất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến góp ý về cơ chế tham vấn các tổ chức tư vấn giá đất độc lập. Khi người dân hay cơ quan Nhà nước không thỏa mãn với giá đất đưa ra, có thể thuê tổ chức tư vấn giá đất độc lập. Với tư cách độc lập trong việc định giá đất, tổ chức này sẽ tham vấn cho người dân và cơ quan Nhà nước giá đất ở đó bao nhiêu. Kết quả tư vấn giá đất sẽ là cơ sở quan trọng để UBND cấp tỉnh quyết định giá đất. Ông Đào Trung Chính – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) |
Thái San
————
Kinh tế Đô thị 20-02-2013:
http://www.ktdt.com.vn/news/detail/355986/doi-moi-phuong-phap-dinh-gia-dat.aspx