330. Bình luận về việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC tham luận tại Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, do VCCI tổ chức.

Hộ kinh doanh cá thể là 1 hình thức kinh doanh nhỏ do 1 cá nhân hoặc 1 nhóm cá nhân mở ra để hoạt động sản xuất kinh doanh. HKD không có tư cách pháp nhân

Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và các doanh nghiệp đều là những tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Nếu ví lực lượng này như một cái tháp kinh doanh, thì tất cả đều phải dựa trên một nền tảng chung, cho dù đa số ở chân tháp, một số ở giữa tháp và chỉ một số rất ít ở đỉnh tháp. 

 1. Không chỉ thay đổi về hình thức và tên gọi:

1.1. Bảo đảm đúng với bản chất, đúng với pháp lý, đúng với thực tế, và đúng với nguyên tắc.

1.2. Đúng với bản chất là một tổ chức hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, ít nhất cũng là doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo giải thích của Luật Doanh nghiệp năm 2015 thì nó trùng khớp với khái niệm “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” và “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh [1].

1.3. Đúng với pháp lý là một hoặc một nhóm cá nhân là chủ sở hữu kinh doanh chuyên nghiệp như một doanh nghiệp tư nhân hay công ty.

1.4. Đúng với thực tế là hoạt động kinh doanh đạt đến 1 quy mô nhất định, đến mức phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế thu nhập.

1.5. Đúng với nguyên tắc là tự do kinh doanh nhưng phải bình đẳng.

2. Sự bất bình đẳng giữa Hộ kinh doanh và doanh nghiệp:

2.1. Suốt 20 năm, từ năm 1999 điều kiện đối với việc đăng ký và hoạt động Hộ kinh doanh không thay đổi theo quy định của 3 Luật Doanh nghiệp[2]:

  • Hộ gồm 1 hoặc nhiều người (không giới hạn tối đa 50 thành viên như công ty TNHH);
  • Sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động;
  • “Chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm”[3].

2.2. Sự giống và khác nhau giữa Hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ:

TTTiêu chíHộ kinh doanhDoanh nghiệp

siêu nhỏ

Ghi chú
1Số thành viên.Có từ 1 đến nhiều thành viên (không có giới hạn tối đa)Có từ 1 đến 50 thành viên.Hộ kinh doanh được phép nhiều thành viên hơn DNTN và Cty TNHH
2Số lao động.Chỉ được sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động.Sử dụng số lao động “không quá 10 người”[4].DN nếu không đóng BHXH cho lao động thì không được hạch toán chi phí hợp pháp.
3Địa điểm kinh doanh.Chỉ được đăng ký kinh doanh tại 1 địa điểm.Không giới hạn số địa điểm đăng ký kinh doanh.Đa số DN siêu nhỏ, thậm chí nhỏ chỉ đăng ký kinh doanh tại 1 địa điểm.
4Tổng doanh thu hoặc tổng nguồn vốn.Không có quy định.Tổng doanh thu < 3 – 10/năm tỷ đồng (tùy lĩnh vực) hoặc tổng nguồn vốn < 3 tỷ đồng[5].Hộ kinh doanh đã nằm trọn trong khung khổ của DN siêu nhỏ, thậm chí còn vượt lên doanh nghiệp vừa và lớn trong trường hợp doanh thu > 3 – 10 tỷ đồng hoặc nguồn vốn > 3 tỷ đồng.
5Lệ phí môn bài[6].Hộ kinh doanh “có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” được miễn; nộp từ 300 nghìn – 1 triệu đồng, tùy theo doanh thu.DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh nộp 1 – 3 triệu đồng, tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư.Hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu/năm nộp 1 triệu đồng.
6Thuế giá trị gia tăng.Từ 1 – 2 – 5% doanh thu, tùy theo lĩnh vực[7].Từ 0 – 5 – 10% và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng[8].Hộ KD có doanh thu < 100 triệu đồng/năm  không phải nộp thuế.
7Thuế thu nhập.Thuế thu nhập cá nhân từ 0,5 – 2 – 5% doanh thu, tùy theo lĩnh vực[9].Thuế thu nhập doanh nghiệp suất phổ thông 20%[10].Hộ KD có doanh thu < 100 triệu đồng/năm  không phải nộp thuế, nhưng lỗ vẫn phải nộp.
8Chế độ kế toán.Phải bố trí người có hiểu biết nghiệp vụ kế toán để giữ và ghi sổ kế toán[11].Phải bố trí người phụ trách kế toán, không bắt buộc phải có Kế toán trường[12].Đều có Thông tư quy định riêng (cả 2 đều trên 50 trang).
9Báo cáo tài chính.Không có.Phải có[13].
10Hóa đơn giá trị gia tăng[14].Không bắt buộcBắt buộc.

Ghi chú:

  • Không có yêu cầu nào phân biệt về quy mô vốn, doanh thu và lợi nhuận giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Trong khi ngoài số lượng lao động thì doanh thu và nguồn vốn là tiêu chí là tiêu chí quan trọng để phân loại giữa doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
  • Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục hay vài trăm triệu/năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hoá đơn chứng từ kế toán doanh nghiệp. Nhưng một hộ kinh doanh bán buôn, doanh thu có thể tới hàng chục, hàng trăm tỷ, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng thì chứ khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hoá đơn kiểu như muốn vẽ gì thì vẽ.
  • Sử dụng một số phần mềm kế toán của doanh nghiệp siêu nhỏ được nối mạng hiện nay thì chỉ cần 1 kế toán viên có thể làm Báo cáo tài chính cho hàng trăm doanh nghiệp.
  • Nếu hộ kinh doanh chỉ có 1 chủ thì trách nhiệm tương tự như với doanh nghiệp tư nhân, nhưng nếu hộ kinh doanh là 2 vợ chồng hoặc cả gia đình, thì phải chịu trách nhiệm vô hạn về toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng hoặc cả gia đình. Tức rủi ro quá cao trong kinh doanh, có thể mất toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng và cả gia đình, thay vì là công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân thì chỉ mất một phần tài sản (đối với công ty) và toàn bộ tài sản của 1 người (đối với doanh nghiệp tư nhân). Ngoài ra, cần loại bỏ chủ thể hộ kinh doanh có từ 2 thành viên trở lên cho đúng với quy định về chủ thể giao dịch dân sự của Bộ luật Dân sự năm

3. Lý do hình thành và duy trì Hộ kinh doanh:

3.1. Hộ kinh doanh là giải pháp cần thiết và tất yếu thay thế cho thành phần kinh tế tư bản tư nhân, vì trong rất nhiều năm, pháp luật không khuyến khích, chậm chí tìm mọi cách ngăn cản kinh tế tư nhân như:

  • Năm 1957 thì “tăng cường kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế kinh tế tư bản tư nhân”[15];
  • Năm 1977 chỉ đạo “Trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế tư nhân còn tồn tại trong một thời gian nhất định nhưng phải chịu sự chi phối của kinh tế xã hội chủ nghĩa và phải hoạt động theo quỹ đạo của kế hoạch Nhà nước”[16];
  • Thậm chí đến năm 1985 vẫn khẳng định “không duy trì thành phần kinh tế tư nhân, cá thể” trong việc bán lẻ các mặt hàng mỹ phẩm cho nhu cầu của nhân dân[17].

3.2. Từ 1990 muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải có vốn pháp định từ 20 triệu đồng (như các cửa hàng dịch vụ) cho đến 240 triệu đồng (thuỷ điện)[18]; đồng thời phải được phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính[19].

3.3. Từ năm 2000, đặc biệt là từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ[20]. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh. Đặc biệt là việc Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là cá nhân. Vì vậy hộ kinh doanh đã thật sự hết lý do, vai trò lịch sử. Còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ là do sự khiếm khuyết của pháp luật.

3.4. Tuy nhiên, vì 3 Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác vẫn tiếp tục quy định về hộ kinh doanh một cách quá sơ sài, dễ dãi, đơn giản, nên đương nhiên đã trở thành sự lựa chọn chủ yếu trên thực tế. Việc một người có nhiều công ty là chuyện bình thường, nhưng một người đồng thời duy trì 2 chủ thể kinh doanh là công ty và hộ kinh doanh là điều cần phải suy nghĩ.

4. Hộ kinh doanh có và không có đăng ký kinh doanh:

4.1. Đến nay có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Chỉ nhóm này mới đặt ra yêu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp.

 4.2. Ngoài Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh, thì còn nhiều Hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sau[21]:

4.2.1. Pháp luật thương mại và tài chính quy định, “cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh”, hay nói cách khác, đó cũng là cá nhân kinh doanh nhưng lại không phải đăng ký kinh doanh[22]. Cá nhân hoạt động một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh là cá nhân tự mình hằng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (tại địa điểm cố định hoặc lưu động), nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây[23]:

  • Thứ nhất, buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thươngnhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
  • Thứ hai, buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
  • Thứ ba, bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
  • Thứ tư, buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
  • Thứ năm, thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
  • Thứ sáu, các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

 4.2.2. Pháp luật doanh nghiệp quy định, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. Mức thu nhập thấp đối với từng địa phương theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[24].

4.2.3. Còn 3,4 triệu hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh nêu trên thì cũng không bao giờ đặt ra vấn đề chuyển thành doanh nghiệp.

5. Giải pháp đề xuất:

5.1. Không phải lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tức đã đạt đến 1 quy mô nhất định là doanh nghiệp. Tức thừa nhận 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.

5.2. Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ, vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh, thì cũng không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh và tất nhiên không bao giờ đặt ra vấn đề phải nâng lên thành doanh nghiệp.

5.3. Cần có quy định theo lộ trình tăng dần yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trong khoảng 10 năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ. Trước mắt 1 vài năm cũng chưa đòi hỏi thay đổi đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm đang được miễn thuế. Kế toán trước mắt gần như cũ. Đương nhiên là đơn giản hơn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ mà Bộ Tài chính mới ban hành.

5.4. Tức về cơ bản, cần bảo đảm cho hộ kinh doanh vẫn thực hiện nghĩa vụ như hiện nay, ngoại trừ những gì tốt hơn, gia tăng quyền lợi hơn, chẳng hạn như không giới hạn ở 1 địa điểm kinh doanh và chỉ được thuê dưới 10 lao động.

5.5. Tóm lại, hộ kinh doanh và doanh nghiệp dù khác nhau bao nhiêu thì vẫn đều phải có một đòi hỏi xuất phát, một yêu cầu tối thiểu, một tiêu chuẩn nền tảng hay một mặt bằng cơ sở, chứ không thể hộ kinh doanh thì đo từ mặt biển, còn đo từ chân núi. Tuy nhiên, không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải sống và khó sống như doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên, thì buộc phải hạ chuẩn doanh nghiệp siêu nhỏ xuống./.

Hà Nội 04-4-2019    

—————————

Ý kiến tại Hội thảo:

  1. Không phải hôm nay mới nói, tôi nói lâu rồi, viết thành sách mấy năm rồi.
  2. Bàn về hộ KD có đăng ký KD, 1,6 triệu chứ không phải tắt cả 5 triệu hộ.
  3. Theo quy mô nó có thể như DN siêu nhỏ, nhỏ, vừa, thậm chí lớn.
  4. Theo Luật DN nó là DN, vì là chủ thể kinh doanh chuyên nghiệp. Quy định nó trong Luật DN thì đã mặc nhiên thừa nhận nó là DN rồi.
  5. Theo Luật Thương mại nó là thương nhân như mọi thương nhân.
  6. Theo Bộ luật Dân sự nó không còn nữa hay nó chỉ còn cái vỏ, không có ruột.
  7. Trước thời đổi mới, nó có lý vì khi cấm DN tư nhân, thì phải mở hộ KD; nhưng từ khi đổi mới, nó trở thành vô lý vì mở hết cỡ DN, nhưng vẫn đóng băng hộ kinh doanh. Mà lại không hẳn là đóng, hay nói đúng hơn, vừa đóng quá chặt, vừa mở toang hoá, khác hẳn DN.
  8. Nếu cộng đồng DN đông đảo tới hàng triệu và có vai trò to lớn rồi thì sợ gì sợ gì sự nhũng nhiễu, gây khó dễ của các cơ quan quản lý. Khi đó họ buộc phải thay đổi cách thức quản lý phù hợp.

LS Hải phản biện thì càng thấy rõ là phải xử lý bất cập của hộ KD theo hướng nó cần như DN. Không loại bỏ, mà chia đôi tự nguyện thay đổi & giữ nguyên, nhưng định vị lại.

Tự nguyện có thể chuyển thành DNTN 1 chủ, chính là cá nhân kinh doanh có ĐKKD nộp thuế doanh thu và thuế thu nhập KD, còn cá nhân KD không ĐKKD thì nộp thuê thu nhập cá nhân, công ty TNHH 1 chủ, công ty TNHH và công ty CP nhiều chủ. Còn giữ nguyên thì là việc thừa nhận, hay chuyển thành một loại hình DN phù hợp, nhẹ nhàng, đơn giản hơn các yêu cầu với DNTN hiện hành.

Công nhận 1 loại hình là dĩ hoà vi quý, nhưng cũng rất dễ, chẳng vướng mắc gì về pháp lý. Nó là DNTN, nhưng trước mắt khoán thuế, không VAT, rồi dần sửa đổi, nâng cấp, dự kiến 10 năm. Nhưng phải bắt đầu từ bây giờ. Chi phí và chuyển đổi không đáng gì, vì dần dần, không thay đổi thì vẫn phải làm các thủ tục đó.

Phần lớn hộ KD ĐKKD vẫn ở huyện.

NHNN tài khoản, cho vay.

 

 

 

[1]   Khoản 16 và 1 Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Doanh nghiệp năm 2015 giải thích.

[2]   Khoản 2 Điều 212 về “Hiệu lực thi hành”, Luật doanh nghiệp năm 2014.

[3]   Riêng điều kiện này theo quy định tại khoản 1, Điều 66 về “Hộ kinh doanh”, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về “Đăng ký doanh nghiệp” (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23-8-2018) (Luật không quy định).

[4]   Khoản 2 Điều 212 về “Hiệu lực thi hành”, Luật doanh nghiệp năm 2014: “2. Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này”. Như vậy sử dụng đúng 10 lao động thì phải thành doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

[5]   Khoản 1 Điều 6 về “Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều  của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

[6]   Khoản 1 Điều 3 về “Miễn lệ phí môn bài”, Khoản 1 và 2 Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài”, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04-10-2016 “Quy định về lệ phí môn bài”.

[7]   Điều 2 về “Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán”; Điều 3 về “Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh: Điều 4 về “Phương pháp tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản”; Điều 5 về “Phương pháp tính thuế đối với cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp”, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15-6-2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12-02-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế”.

[8]   Điều 8 về “Thuế suất”, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2016).

[9]   Thông tư số 92/2015/TT-BTC như đối với thuế giá trị gia tăng. Thuế thu  nhập 5% áp dụng đối với các hoạt động cho thuê tài sản, đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp là là 5%.

[10] Điều 10 về “Thuế suất”, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013). Riêng thuế suất đặc biệt “đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh” theo quy định tịa khoản 3, Điều 10 về “Thuế suất” và thuế suất ưu đãi là 5% theo Điều 13 về “Ưu đãi về thuế suất”.

[11] Điều 23 về “Kế toán đối với văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hộ kinh doanh và tổ hợp tác, nhà thầu nước ngoài” Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30-12-2016 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán”; Điều 6 “Chế độ kế toán hộ kinh doanh” ban hành kèm theo Quyết định số 169/2000/QĐ-BTC ngày 25-10-2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC ngày 18-10-2002).

[12] Điểm b, khoản 2, Điều 20 về “Kế toán trưởng, phụ trách kế toán”, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30-12-2016 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán”; Điều 8. Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán”, Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chnhs “Hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ”.

[13] Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chnhs “Hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ”.

[14] Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2019 của Chính phủ “Quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17-01-2014); điểm a, khoản 2, Điều 2 về “Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán”, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15-6-2016

[15] Mục 3, Phần E,  Chỉ thị số 252–BTN/VVG ngày 11-11-1957 của Bộ Thương nghiệp về việc “Phân công quyết định giá cả”.

[16] Chỉ thị số 212-TTg ngày 15-5-1977 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Xây dựng kế hoạch nhà nước 5 năm (1976 – 1980) và kế hoạch năm 1978”.

[17] Điều 13, Bản Quy định về “Cải tạo sắp xếp lại sản xuất và quản lý kinh doanh ngành mỹ phẩm thành phố Hồ Chí Minh”, ban hành kèm theo Quyết định số 246/QĐ-UB ngày 07-12-1985 của UBND TP Hồ Chí Minh.

[18] “Danh mục vốn pháp định đối với từng ngành nghề”, ban hành kèm theo Nghị định số 221-HĐBT ngày 23-7-1991 của Hội đồng Bộ trưởng “Quy định cụ thể hoá một số điều quy định trong Luật doanh nghiệp tư nhân”.

[19] Điều 3 và 4, Nghị định số 221-HĐBT ngày 23-7-1991 của Hội đồng Bộ trưởng “Quy định cụ thể hoá một số điều quy định trong Luật Doanh nghiệp tư nhân”.

[20] Các Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và 2014.

[21] Mục 9.4 Sách Luận giải về Luật Doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tái bản năm 2018.

[22] Khoản 3 Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”, Luật Thương mại năm 2005; khoản 1 Điều 19 về “Khai thuế và xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán, khai thuế đối với hoạt động cho thuê bất động sản”, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28-02-2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28-10-2010 của Chính phủ”. xxx

[23] Khoản 1 Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16-3-2007 của Chính phủ về “Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh”.

[24] Nghị định số 146-HĐBT ngày 26-11-1986 của Hội đồng Bộ trưởng về phát triển kinh tế gia đình; Nghị định số 29-HĐBT ngày 09-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng “Quy định về chính sách đối với kinh tế gia đình trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải”; khoản 2 Điều 66 về “Hộ kinh doanh”, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về “Đăng ký doanh nghiệp”.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,710