330. Xử lý nợ xấu chậm vì vướng cơ chế pháp lý

(CAND) – Trở thành “vấn nạn” của nền kinh tế, nợ xấu không những làm ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng (NH) mà còn gây khó cho các doanh nghiệp khi vay vốn sản xuất kinh doanh. Vì thế, xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế được Đảng, Chính phủ xác định. Việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) ra đời là một giải pháp. Tuy nhiên, để xử lý nợ xấu, còn cần nhiều giải pháp khác, mà quan trọng là thay đổi nhận thức của chính “người trong cuộc”.

Khó xử lý vì ngân hàng giấu nợ xấu

Tại Hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam”, có rất nhiều ý kiến đóng góp cho tiến trình xử lý nợ xấu của Việt Nam. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, thì hiện nay, số liệu nợ xấu của các NH chưa được phản ánh chính xác. Việc che giấu con số nợ xấu của các NH dẫn đến thái độ ứng xử khi xử lý các khoản nợ xấu của họ giống như khi xử lý nợ tốt.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh cũng cho rằng: Nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu, các NH sẽ biết được điểm xuất phát thực tế của mình ở đâu, từ đó mới có cơ sở để tìm ra thuận lợi, khó khăn mà đưa ra giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện giải pháp cơ cấu nợ một cách hiệu quả nhất. Còn việc che giấu nợ xấu, chẳng những không phản ánh đúng thực trạng của NH, để có giải pháp áp dụng phù hợp, mà còn sẽ làm kéo dài thời gian trì trệ, thua lỗ cho NH. Các NH vẫn chưa quyết liệt trong xử lý nợ xấu. Điều này thể hiện ở chỗ vẫn còn rất ít NH chấp nhận bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm với giá thấp. Một lý do nữa khiến họ e ngại bán nợ xấu là cơ chế trách nhiệm về mặt pháp lý. Ví dụ, trước kia NH cho vay 10 tỷ đồng, giờ thu hồi được 5 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra: Ai là người sẽ bù lỗ, ai chịu trách nhiệm khoản mất mát này? Có thể nói cơ chế pháp lý, đặc biệt là tình trạng hình sự hóa, quy trách nhiệm cho cán bộ NH nặng nề gây thất thoát đang ám ảnh các lãnh đạo và người có trách nhiệm ở các NH. Nếu không giải quyết cơ chế này thì xử lý nợ xấu sẽ vẫn còn bế tắc”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định

Bên cạnh lý do chủ quan từ phía các NH, luật sư Đức cũng cho rằng việc xử lý nợ xấu hiện nay chậm vì vướng cơ chế pháp lý. “Để xử lý nợ xấu, tôi nghĩ có hai vấn đề cơ bản. Một là cơ chế thúc đẩy việc kích cầu, tiêu thụ được tài sản phát mãi. Thứ hai là đẩy nhanh thủ tục pháp lý. Một khoản nợ có công chứng giao dịch đảm bảo rồi, đăng ký đầy đủ thủ tục pháp lý và NH là người luôn giữ giấy tờ sở hữu chính, thế nhưng khi cần phải xử lý, thu hồi nợ thì NH gần như không có bất cứ quyền gì, mà hoàn toàn phụ thuộc vào bên chủ tài sản. Nếu họ không hợp tác, NH sẽ khó thu giữ được tài sản, không phát mại được và phải nhờ đến cơ quan pháp luật.

Song điều đáng nói ở đây, khi đưa ra tòa án chỉ một vụ việc bình thường không có gì phức tạp, mâu thuẫn, nhưng thủ tục, quy trình xử lý rất phức tạp, rườm rà. Điều này sẽ làm cho nợ xấu ngày càng trầm trọng. Đáng lẽ với những khoản vay có giấy tờ đầy đủ rồi sẽ phải xử lý nhanh trong vòng vài tháng nhưng chúng ta phải luôn mất vài năm mới xong. Bởi vậy, để đẩy nhanh được, ngoài việc NH chủ động xử lý, các cơ quan pháp luật từ tòa án, Công an, cơ quan đăng ký nhà đất, cơ quan công chứng… cũng phải có sự hỗ trợ tối đa.”, luật sư Đức đề xuất.

4 giải pháp tình thế xử lý nợ xấu

“Nợ xấu cũng giống như rau trong chợ, để lâu nó sẽ héo dần đi. Có nghĩa là nợ xấu sẽ dần mất giá, nếu tiến trình xử lý chậm, theo đó việc thu hồi vốn sẽ ngày càng khó khăn hơn”, Giám đốc Quản lý Đông Nam Á của Capital Services Group – John Sheehan, đã cảnh báo như vậy khi trao đổi về giải pháp cho vấn đề xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

Các ngân hàng nên xử lý nợ xấu như một nhà đầu tư.

Ông John Sheehan chia sẻ 4 giải pháp tình thế, giúp Việt Nam xử lý hiệu quả nợ xấu trong trước mắt. Thứ nhất, nhận ra được giá trị thực tế của nợ xấu. Thứ hai, chịu trách nhiệm các chi phí việc xóa nợ xấu. Thứ ba, tạo ra nền móng cơ sở hạ tầng cho việc giải quyết nợ xấu. Thứ tư, đào tạo lại và đào tạo các NH về quản trị rủi ro, đặc biệt là trong xử lý nợ xấu. Tất cả đều phải được triển khai song hành. “Lợi ích đạt được của việc thực thi 4 giải pháp này khá nhiều, nó sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài tham gia vào xử lý nợ xấu. Phát triển nhiều hơn các nguồn vốn về trong nước cũng như thị trường tiên tiến, thu hút nguồn đầu tư vào các NH địa phương. Tìm lại niềm tin cho thị trường, giúp các NH tiếp tục quay trở lại cho vay, quan trọng là nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại bền vững”, ông John Sheehan nhấn mạnh.

Ngoài ra, để xử lý nợ xấu hiệu quả, ông John Sheehan phân tích thêm: Thông thường các nhà đầu tư mạo hiểm kiếm được gấp đôi lợi nhuận so với các NH thông qua giải quyết các khoản nợ xấu. Bởi khi xử lý nợ xấu, các NH thường nhìn lại quá khứ, còn các nhà đầu tư nhìn vào tương lai. Do đó, khi giải quyết nợ xấu, NH thường căn cứ vào giá trị các khoản nợ xấu còn lại, giá trị tài sản đảm bảo sau khi đấu giá… Bởi vậy, nếu cái giá họ nhận được không như kỳ vọng thì họ chần chừ bán nợ. Còn các nhà đầu tư lại định giá bằng giá trị tương lai của các tài sản đảm bảo và khả năng của người đi vay có thể hoàn trả lại, các cách để tăng cường dòng tiền trong tương lai… Các nhà đầu tư thậm chí còn chuẩn bị để đưa thêm nguồn vốn mới để khai thác giá trị, biến nợ xấu thành tài sản tốt.

“Trong xử lý nợ xấu, hãy suy nghĩ như một nhà đầu tư thay vì là một NH. Nếu các NH muốn tối đa hóa việc phục hồi từ nợ xấu và giảm thiểu thua lỗ thì cần hành động như nhà đầu tư, không trì hoãn giải quyết nợ xấu”, ông John Sheehan đưa ra lời khuyên.

Cấp 500 tỷ đồng vốn điều lệ cho VAMC

Ngày 9/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 1738/QĐ-NHNN về việc cấp vốn điều lệ cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC). Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định trích 500 tỷ đồng từ Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ Quốc gia để cấp vốn điều lệ cho VAMC.

Nhóm PV

(520/1.403)


Công an nhân dân 14-8-2013 (Mục Kinh tế):

http://www.cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2013/8/206453.cand

 

 

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,555