Cấm thì được gì?
(ANVI) Thiên hạ bao la nhưng mà cơ bản là người nên giống nhau ở sự nguyện: Công chứng thì nhằm xác nhận một giao dịch xảy ra, còn lập vi bằng thì nhằm ghi nhận một sự kiện, hành vi diễn ra, mỗi tội khi chuyển hoá vào nước ta thì chúng cứ hoá gà ra cuốc.
Công chứng ta thì là bắt buộc, không thì nhiều khi bị vô hiệu. Công chứng viên thì phải chịu trách nhiệm về cả sự hợp pháp của muôn vàn nội dung giao dịch, thay Toà hành đạo. Giao dịch nhà đất thì cứ nằng nặc bắt buộc công chứng. Mà muốn chứng thì lại phải có “sổ đỏ”. Nhà cửa, đất đai có khi vốn dĩ của dân tự bao đời và đã được xác lập quyền sở hữu hiển nhiên theo quy định của các Bộ luật Dân sự, nhưng nhiều khi vẫn không có sổ đỏ. Chả thể mà Tổng cục trường Đất đai Tôn Gia Huyên đã từng cảnh báo: 100 năm nữa việc này mới xong.
Chung cư trên giấy, chưa xây thì được quyền “mua bán”, nhưng nhà đã ở có khi cả chục năm mà không găm được cái sổ đỏ thì bị cấm tiệt giao dịch. Nhà cả trăm năm ở nông thôn cũng không có quyền mua bán, vì chưa được ghi nhận trong sổ đỏ. Khi đó, có giao dịch thì công chứng cũng bó tay. Việc này thực chất là vi Hiến.
Không có sổ đỏ, người dân đành phải chấp nhận rủi ro và chỉ còn biết nhờ vả vào thừa phát lại quai cho một con dấu để thêm phần yên tâm, dù không thay thế được công chứng. Nhưng hết công văn, giở lại đến Điều 37.5, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cấm tiệt.
Cấm thế thì để được gì?
Ngày 27-11-2019