(VNN) – “Cũng là sở hữu chung của hai vợ chồng song những tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu như vàng, cổ phiếu, sổ tiết kiệm…. lại chỉ cần một người được quyền định đoạt, bất cập này trong bộ luật Dân sự 2005 cần được sửa”, luật sư Trương Thanh Đức góp ý.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sáng nay đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo bộ luật Dân sự 2005 sửa đổi.
Bình luận một số chế định trong bộ luật Dân sự năm 2005, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải VN cho hay có nhiều bất cập trong chế định quyền sở hữu. Đó là quyền sở hữu chung của vợ chồng, sở hữu bất động sản, quyền sở hữu chung trong nhà chung cư…
Ông Nguyễn Hồng Hải (Bộ Tư pháp): Bộ luật dân sự đang giống các luật chuyên ngành khác |
Ông Đức phân tích, pháp luật định ra nguyên tắc tài sản của vợ chồng có trong thời kỳ hôn nhân là sở hữu chung, song lại thiếu các nguyên tắc quy định cụ thể về thủ tục, cách thức cần thiết để kiểm soát việc đó. Dẫn đến giao dịch dân sự trên thực tế về tài sản liên quan của vợ chồng gặp nhiều rắc rối, rủi ro pháp lý.
Theo ông Đức, đều là tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, nhưng những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì việc định đoạt bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trong khi đó, nếu là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu (như cổ phiếu, giấy tờ có giá khác, thẻ tiết kiệm, vàng, tiền gửi) thì đương nhiên chỉ cần một ngườiđịnh đoạt. Đặc biệt trong các trường hợp một trong hai vợ chồng hoàn toàn tựnguyện bán.
Đặc biệt, trong các trường hợp một trong hai vợ chồng tự nguyện bán, tặng cho và mang đi thế chấp phần tài sản là nhà ở của mình thì cũng cần xem xét công nhận một cách hợp lý (tương tự như cơ chế thừa kế hay chia tài sản chung) thay vì tuyên vô hiệu 100% như hiện nay. Bởi, theo ông Đức, việc đưa ra phán quyết vô hiệu 100% có nghĩa là phủ nhận ý chí định đoạt của chủ sở hữu, khuyến khích kẻ lật lọng, phủ nhận hợp đồng, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đã tự nguyện cam kết.
Tương tự, việc chỉ công nhận quyền sở hữu duy nhất của nhà nước với đất đai là trái với quyền sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp năm 1992, đi ngược lại bản chất của quyền sở hữu và nguyện vọng của đa số. Đặc biệt còn gây ra những hệ quả pháp lý phức tạp.
Cũng theo ông Đức, quy định vềquyền sở hữu tầng hầm nhà chung cư cũng có nhiều bất cập. Vì vậy đã tạo ra một cuộc chiến pháp lý dai dẳng bất phân thắng bại. Trong khi đó, Bộ Xây dựng lại giải thích theo hướng trái luật, gây bất lợi cho người mua nhà.
Theo ông Trương Thanh Đức, cho đến nay cũng vẫn chưa có văn bản quy định rõ ràng những tài sản nào thuộc loại phải bắt buộc hay không bắt buộc đăng ký quyền sở hữu. Ngay những phương tiện vận tải có giá trị như tàu bay, tàu thủy, ô tô… là những tài sản giá trị rất lớn song cũng chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện chứ không phải giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Ông Nguyễn Hồng Hải (đại diện BộTư pháp, thành viên ban biên tập sửa đổi dự thảo luật) cho hay, quyền sở hữu sẽlà một trong các nội dung được chú trọng sửa đổi lần này. Dự kiến sẽ đề xuất quyđịnh ba loại hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước, sở hữu riêng và sở hữu chung.
Liên quan đến các quan hệ dân sựcó yếu tố nước ngoài, luật sư Lê Phan Thùy Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) góp ý, hiện vẫn còn nhiều bất cập xảy ra trong giải quyết các hợp đồng, giao dịch cần sớmđược khắc phục.
Bà Anh phân tích, các điều khoản hiện hành quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài và một số điều luật khác trong một số tình huống. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật nước ngoài phải thỏa mãn điều kiện là không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
“Tuy nhiên không có văn bản nào quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là những nguyên tắc nào… Đề nghị nên sửa lại theo hướng quy định rõ nguyên tắc hoặc là chỉ cần ghi “không trái với trật tự công” thì mới dễ dàng trong việc vận dụng pháp luật”, bà Anh đềxuất.
Các ý kiến đóng góp nói trên sẽ được tập hợp gửi cho ban biên tập sửa đổi bộ luật Dân sự 2005 (thuộc Bộ Tư pháp). Đây là một dự án luật đang được xúc tiến sửa đổi cùng với quá trình sửa Hiến pháp 1992 và sửa các luật liên quan như bộ luật Hình sự, luật Đất đai.
Lê Nhung
————–
Vietnamnet 01-3-2013:
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/111030/sua-luat-de-rach-roi-quyen-so-huu.html