(TTX) – Nhằm tổng kết thực tiễn thi hành Bộ Luật Dân sự 2005 từ góc độ đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, ngày 1/3 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo tổng kết thực tiễn thi hành và góp ý hoàn thiện Bộ Luật Dân sự 2005, để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia… về những vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật Kinh tế, Bộ Tư pháp, đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh, phạm vi sửa đổi của Bộ Luật Dân sự rất lớn nhưng trong khuôn khổ hội thảo này, sẽ chỉ tập trung vào chủ đề liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế, Bộ Luật Dân sự đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thúc đẩy nền kinh tế thị trường Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Song qua thực tiễn, Bộ Luật Dân sự đã bộc lộ những hạn chế, vì vậy cần xem xét một cách thấu đáo, đảm bảo mục tiêu tránh sự chồng chéo giữa Bộ Luật Dân sự với các Luật chuyên ngành.
- Trần Thị Huệ, Trường Đại học Luật Hà Nội đã chỉ ra những bất cập trong quy định của Bộ Luật Dân sự về chế định hợp đồng, một số hợp đồng thông dụng như Hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng về nhà ở, hợp đồng trao đổi tài sản nên bỏ vì đã quy định trong Luật chuyên ngành, điều này tránh được sự chồng chéo. Bên cạnh đó, cần bổ sung một số hợp đồng như: hợp đồng cung cấp thông tin, hợp đồng môi giới, hợp đồng đổi công cho nhau…
Đồng ý kiến với TS Trần Thị Huệ về việc nên bỏ hợp đồng bảo hiểm trong Bộ Luật Dân sự, ông Khúc Hoàng Duy, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng nên bỏ Luật này vì đã có luật chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm.
PGS.TS Chu Hồng Thanh nêu chi tiết những chồng chéo, mâu thuẫn giữa Bộ Luật Dân sự với Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Công chứng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch đảm bảo, Luật Nhà ở…
Tiếp tục đóng góp ý kiến cho hội thảo, các tham luận đều chỉ ra được những bất cập, sự chồng chéo, mâu thuẫn như: GS.TS Nguyễn Thị Mơ, Trung tâm trọng tài quốc tế đã nêu ra những bất cập từ thực tiễn giao kết hợp đồng của doanh nghiệp và giải pháp sửa đổi; Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI nêu ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu bất động sản, nhà chung cư, quyền sở hữu tầng hầm, quyền sở hữu chung… hay đại diện đoàn Luật sư Hà Nội đưa ra ý kiến về pháp nhân, đại diện và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong Bộ Luật Dân sự. Những ý kiến về quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu trong Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Hàng hải; vấn đề tặng cho và thừa kế cũng được góp ý tại hội thảo.
Bộ Luật Dân sự năm 2005 là một trong các văn bản pháp lý quan trọng nhất của Nhà nước ta trong việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền tài sản, quyền nhân thân cho các chủ thể trong lưu thông dân sự, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nhưng sau hơn 7 năm thực hiện, Bộ Luật Dân sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều quy định chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, ngày 26/11/2011, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong đó có dự án Bộ Luật Dân sự sửa đổi.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Trưởng nhóm rà soát pháp luật kinh doanh cho biết: Kết thúc hội thảo, VCCI sẽ tổng kết các ý kiến, đưa ra những kiến nghị cụ thể xác đáng, đóng góp vào quá trình sửa đổi, hoàn thiện Bộ Luật Dân sự đạt chất lượng và hiệu quả.
TTXVN
————–
Thông tấn xã Việt Nam 01-3-2013: