337. Chế định pháp nhân – điểm yếu của Bộ luật Dân sự 2005

(ĐBND) – Với những quy định chung chung, khá mơ hồ, còn thiếu tính thực tế và chưa đáp ứng về mặt khoa học pháp lý, pháp nhân được đánh giá là một trong những phần yếu nhất của Bộ luật Dân sự Việt Nam – Đây là thông tin được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo Tổng kết thực tiễn thi hành và góp ý hoàn thiện Bộ luật Dân sự 2005 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây.

Khó xác định tư cách pháp nhân

Xem xét chủ thể quan hệ dân sự có phải pháp nhân hay không là nội dung đặc biệt quan trọng, song trên thực tế, việc xác định tư cách pháp nhân lại không hề dễ dàng nhất là đối với tổ chức phi kinh tế. Gần như phải dựa hoàn toàn vào các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định thành lập mới có thể xác định được một tổ chức cụ thể nào đó có hay không có tư cách pháp nhân. “Lý do là bởi 4 điều kiện xác định tư cách pháp nhân của một tổ chức được quy định tại Điều 84 của BLDS không hợp lý” – Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam Trương Thanh Đức nhấn mạnh. Hơn nữa, văn bản này mới chỉ phân tích pháp nhân dưới góc độ là một tổ chức chứ không phải với tư cách là một chủ thể. Chính vì thế mà nhiều chuyên gia đánh giá: đây là một trong những phần yếu nhất của BLDS Việt Nam.

“Được thành lập hợp pháp”, “có cơ cấu tổ chức chặt chẽ”, “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”, “nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập” là 4 điều kiện được quy định trong BLDS 2005. Vậy khi nào pháp nhân được thành lập hợp pháp? “Có nên hiểu khi pháp nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là thành lập hợp pháp không?” – Luật sư Lê Phan Thùy Anh, Công ty TNHH quốc tế châu Á Thái Bình dương đặt câu hỏi. Rất khó xác định pháp nhân được thành lập hợp pháp ngay từ thời điểm người thành lập pháp nhân ban hành quyết định hay tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bởi những nội dung này chưa được quy định trong BLDS. Bên cạnh đó, BLDS còn nhiều khoảng trống do chưa có quy định về các tiêu chí xác định một tổ chức như thế nào được coi là có “cơ cấu tổ chức chặt chẽ”. “Điều kiện này dường như chỉ mang tính chất hình thức mà hầu như không có ý nghĩa trên thực tế” – một chuyên gia nhận định.

Mặc dù quy định “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” là điều kiện duy nhất giúp xác định một cách dễ dàng tổ chức này có hay không có tư cách pháp nhân. Thế nhưng, tài sản của pháp nhân bao gồm những tài sản gì hiện cũng chưa cụ thể. Chính vì vậy mà không ít câu hỏi đặt ra là phải chăng tài sản độc lập của pháp nhân bao gồm cả vốn chủ sở hữu, tài sản pháp nhân tích lũy từ hoạt động, tài sản được tặng cho, tài sản thừa kế và tài sản cho vay?

Thực tế cũng cho thấy, “có rất nhiều tổ chức được ghi nhận là pháp nhân nhưng rất khó chứng minh tư cách của mình nếu như căn cứ vào những điều kiện trong BLDS, đơn cử như Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng TƯ Hội Khuyến học Việt Nam phía Nam, Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp…” – Giảng viên Khoa Luật – ĐH Kinh tế Quốc dân Nguyễn Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Phân chia pháp nhân thiếu hợp lý

Quy định về phân loại pháp nhân theo hướng liệt kê, chưa chỉ rõ sự khác biệt về bản chất pháp lý giữa các loại pháp nhân cũng là một điểm yếu của BLDS 2005. Việc phân chia không dựa trên những nét tương đồng hay khác biệt cụ thể không chỉ dẫn tới trùng lặp mà còn thiếu tính hợp lý. Đơn cử như pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được phân loại độc lập với pháp nhân là các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội trong khi cả hai loại pháp nhân này khi tham gia quan hệ dân sự đều có chung mục đích phi lợi nhuận… Đó là chưa kể, BLDS còn không liệt kê một số chủ thể đã được nhắc đến trong Luật Đất đai năm 2003 là “tổ chức kinh tế – xã hội” và “tổ chức sự nghiệp công”. Tất cả những vấn đề tồn tại về cách phân loại pháp nhân đều có thể giải quyết được thông qua cơ chế phân loại pháp nhân “dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như phân thành hai loại: pháp nhân công và pháp nhân tư hoặc pháp nhân hoạt động có mục đích lợi nhuận và pháp nhân hoạt động không vì lợi ích lợi nhuận” – Trưởng phòng Pháp luật Dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp), Nguyễn Hồng Hải nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng, công khai minh bạch hóa là nội dung xuyên suốt, không thể thiếu trong BLDS, song những quy định về pháp nhân vẫn chưa bảo đảm được yêu cầu này. Đăng ký pháp nhân – một trong những cơ chế quan trọng bảo đảm tính công khai, minh bạch lại chưa được BLDS giải quyết triệt để khiến cho nhiều giao dịch dân sự không được an toàn. Trên cơ sở những vướng mắc đó, cần ghi nhận một cách cụ thể, chặt chẽ vấn đề đăng ký pháp nhân đồng thời làm rõ những thông tin cần thiết cho khai sinh pháp nhân. Những thông tin này có thể rất đa dạng như mục đích và phạm vi hoạt động; tên gọi; trụ sở; ngày có quyết định thành lập; thời hạn hoạt động, tổng giá trị tài sản; phương thức đóng góp vốn cũng như tên đầy đủ và nơi thường trú của người đại diện theo pháp luật.

Bộ luật Dân sự mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc về tổ chức lại pháp nhân và giải thể pháp nhân nhưng chưa xác định cụ thể về hậu quả pháp lý của việc tổ chức lại, giải thể pháp nhân, đặc biệt thời điểm pháp nhân được coi là chấm dứt hoạt động, thời điểm chấm dứt hoặc chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân tổ chức lại hoặc pháp nhân bị giải thể… Do đó, để điều chỉnh phần giải thể pháp nhân một cách đầy đủ, toàn diện và bao quát, BLDS cần nêu được ít nhất các thông tin về trường hợp giải thể; các hành vi bị hạn chế hoặc nghiêm cấm trong quá trình giải thể cũng như các cơ quan có thẩm quyền; thủ tục giải thể và hậu quả của giải thể pháp nhân…

Đỗ Quyên

————–

Đại biểu Nhân dân 09-3-2013:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=274271

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,703