338. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 dưới góc nhìn của doanh nhân

(ĐBND) – Quan tâm nhiều đến vị thế của doanh nhân, đồng thời có những đề xuất liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chính sách thu hồi đất, cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng là ý kiến của giới doanh nhân khi đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992.

Vị trí của doanh nhân trong liên minh giai cấp

“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…”. (Điều 2 Dự thảo Hiến pháp) là một trong những quy định nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nhân khi góp ý cho Dự thảo sửa đổíi Hiến pháp 1992. Việc xác định liên minh các thành phần giai cấp làm nền tảng cho việc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, liên minh này cần thể hiện được bản chất của Nhà nước, phù hợp với sự lớn mạnh của các giai cấp, lực lượng trong xã hội và khuyến khích phát huy vai trò, sự tiên phong của các giai cấp, lực lượng và tương lai phát triển của đất nước – Từ cách tiếp cận trên, Phó chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc đề xuất, bổ sung “đội ngũ doanh nhân” vào liên minh này, tạo thành liên minh công – nông – trí – doanh. Thực tế, việc bổ sung việc phát triển và tăng cường vai trò của đội ngũ doanh nhân đã được thể hiện trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9.12.2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH và hội nhập quốc tế; tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân và các giai cấp khác trong xã hội. Cụ thể, Điều 2 sẽ được bổ sung: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và đội ngũ doanh nhân…”.

Bên cạnh việc bổ sung giới doanh nhân vào liên minh giai cấp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, Hiến pháp cần minh định hóa những chủ trương về phát triển bền vững đất nước theo hướng tiếp tục khẳng định chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, cần nhấn mạnh hơn trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Để có được nền kinh tế phát triển bền vững, Hiến pháp nên quy định rõ hơn sự tôn trọng các quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường, trong đó có các quy luật cạnh tranh công bằng, lành mạnh, bảo đảm tốt hơn quyền tự do kinh doanh, xác định hợp lý vai trò kinh tế của Nhà nước và kiểm soát chặt chẽ các biện pháp can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường.

Quản lý đất phù hợp với các yếu tố thị trường

Những quy định về đất đai, đặc biệt là những chính sách liên quan đến thu hồi đất là đề tài “nóng” của doanh nhân khi được đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều này cũng dễ hiểu khi đất đai là tài sản quan trọng, cơ nghiệp lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp và người dân. Do vậy, không có gì quá khó hiểu khi có rất nhiều kỳ vọng về việc sửa đổi chế định này trong Hiến pháp. Điều đáng nói, cùng với quá trình sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai cũng đang được QH và các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi với sự tham gia góp ý của đông đảo nhân dân và doanh nghiệp. Đây chính là một cơ hội để có thể xem xét một cách tổng thể những vấn đề đất đai với tư cách là một chế định quan trọng của bộ luật gốc (Hiến pháp) và luật chuyên ngành (Luật Đất đai).

Thực tế, một trong những lý do khiến việc quản lý đất đai thời gian qua còn nhiều yếu kém chính là sự tồn tại cơ chế xin – cho khá nặng nề cùng việc sử dụng nhiều quy định, quyết định hành chính đối với đất đai… Trong khi đó, đất đai hay quyền sử dụng đất vốn là một loại hàng hoá (đặc biệt) và cần được quản lý đúng với tính chất “hàng hóa” theo các biện pháp đặc thù. Từ thực tế này, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục những bất cập này chính là việc đẩy mạnh, tích cực phát huy các yếu tố thị trường liên quan đến đất đai. Cụ thể, bổ sung cụm từ “phù hợp với các yếu tố thị trường” vào khoản 1 Điều 58 Dự thảo: “1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý phù hợp với các yếu tố thị trường, theo quy hoạch và pháp luật.”

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất, “sở hữu toàn dân” là khái niệm không rõ nghĩa, dễ gây hiểu lầm trong thực tiễn vận dụng. Khái niệm này không xác định rõ được chủ thể của loại hình sở hữu này, quyền và nghĩa vụ của chủ thể cũng như cách thức mà chủ thể của loại hình sở hữu này thực hiện quyền năng của mình. Do đó, cần thiết kế các cơ chế pháp lý cụ thể để các quy định về sở hữu toàn dân không bị hiểu sai lệch và bị lạm dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai có thể gây ra nhiều sự xáo trộn, khó lường trong tâm lý, nhận thức, tình cảm của nhiều bộ phận dân chúng có liên quan. Đây không đơn thuần là vấn đề kinh tế mà là một vấn đề chính trị phức tạp. Trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này, chưa nên đặt ra vấn đề xem xét lại quy định về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Ở góc độ câu từ, văn phong pháp lý, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, thừa cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế – xã hội” tại quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội” (Khoản 3, Điều 58). Bởi, khó có thể tìm ra dự án nào mà không nhằm mục đích phát triển kinh tế hoặc xã hội.

Phạm Thanh Thảo

—————————

Đại biểu Nhân dân 09-3-2013:

http://vandesukien.wordpress.com/category/hien-phap/

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,163