339. Quy các loại hợp đồng về một mối

(ĐBND) – Hợp đồng dân sự là một chế định quan trọng của Bộ luật Dân sự. Đây cũng là chế định nhận được sự quan tâm của giới doanh nhân trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Vừa thừa, vừa thiếu

Đó là nhận định chung của đại diện nhiều doanh nghiệp khi hỏi những quy định về hợp đồng tại Bộ luật Dân sự (BLDS). Chế định Hợp đồng dân sự được quy định tại Mục 7 của Chương XVII với 40 điều, từ Điều 388 – 427 đưa ra những quy định về hợp đồng, giao kết và thực hiện hợp đồng nói chung. Ngoài ra, BLDS còn dành hẳn Chương XVIII để quy định về các loại hợp đồng dân sự, và các loại hợp đồng có yếu tố nước ngoài… Nếu tính về số lượng điều, khoản thì những quy định liên quan đến hợp đồng chiếm một số lượng tương đối, song hình như những quy định này lại đang rơi vào tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Cụ thể, loại hợp đồng thuộc đối tượng điều chỉnh của luật thì không… thuộc phạm vi, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; còn những loại hợp đồng thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp thì chưa được luật hóa. Và ngay cả những loại hợp đồng được điều chỉnh trong luật cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chỉ rõ, Bộ luật Dân sự chỉ quy định về 13 loại hợp đồng dân sự thông dụng (Hợp đồng mua bán tài sản nói chung; Hợp đồng bán đấu giá; Hợp đồng tặng cho tài sản; Hợp đồng ủy quyền…), trong khi đó còn có hàng chục loại hợp đồng thông dụng khác chưa được đề cập đến hoặc không được chỉ rõ (Hợp đồng cung cấp thông tin, Hợp đồng trao đổi nhà ở; Hợp đòng làm môi giới; Hợp đồng đổi công cho nhau…). Một số hợp đồng được điều chỉnh trong BLDS thì lại trùng lặp với quy định tại một số đạo luật khác, dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột, không biết áp dụng theo luật nào (Hợp đồng bảo hiểm – được điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất – được điều chỉnh bởi Luật Đất đai; Hợp đồng về nhà ở điều chỉnh bởi – Luật Nhà ở…).

Vấn đề này cũng được đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh. Vì vậy, việc đưa nội dung hợp đồng bảo hiểm vào BLDS chỉ mang tính chất sao chép, không mang tính chất luật chung. Hơn nữa, việc xử lý tranh chấp, trong đó có 2 bên là pháp nhân kinh doanh (doanh nghiệp bảo hiểm) nên hầu hết cơ quan giải quyết là Tòa kinh tế.

Từ thực tế này, đại diện nhiều doanh nghiệp gợi ý bỏ hai từ “dân sự” và “nghĩa vụ” ; đồng thời bổ sung 3 từ “đối với nhau” tại Điều 388. Cụ thể, Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với nhau. Với sự sửa đổi này, sẽ “quy” được các loại hợp đồng mà không bị chồng chéo với luật chuyên ngành.

Tuyên bố vô hiệu: Cơ quan nào là “chuẩn” nhất?

Điều 134 quy định “Tòa án và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác” nhưng tại Điều 136 BLDS chỉ quy định “Thời hiệu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu”. Với quy định này, có thể hiểu rằng chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền tuyên bốë một giao dịch vô hiệu. Bình luận về quy định này, đại diện Công ty TNHH Bizlink cho rằng, đã hạn chế quyền lựa chọn của các đương sự; không có cơ sở khoa học chỉ ra rằng Tòa án giải quyết vấn đề tuyên bố vô hiệu là tốt hơn trọng tài.

Thực tế, đối với các tranh chấp của các bên phát sinh từ hoạt động thương mại và các tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại thì các bên có quyền lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Một câu hỏi đặt ra là, trong quá trình giải quyết tranh chấp, mà một trong các bên yêu cầu Trọng tài tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết không? Nếu Tòa tuyên bố là vô hiệu thì phán quyết của Trọng tài về giải quyết tranh chấp có hiệu lực không? Để tránh sự không rõ ràng này, trong quá trình sửa đổi BLDS, Ban soạn thảo cần thiết kế điều, khoản quy định rõ về thẩm quyền tuyên bố vô hiệu.

Liên quan đến hợp đồng vô hiệu Đoạn 2, Khoản 2 Điều 401 quy định “Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Điều này có nghĩa là, Bộ luật Dân sự không quy định sẽ bị vô hiệu nếu như vi phạm về hình thức, nhưng không quy định rõ ràng, cho nên thực tế nhiều trường hợp đã bị Tòa án tuyên bố vô hiệu chỉ vì vi phạm về hình thức – vô tình tiếp tay cho những giao dịch lật lọng, bội ước, thậm chí phạm tội bằng quy định bắt buộc phải công chứng, đăng ký thế chấp nhà đất nhưng lại vô giá trị pháp lý trong nhiều trường hợp. Bên cạnh đó, hầu hết đều hiểu nhầm lẫn đã dẫn đến tuyên bố mọi hợp đồng thế chấp nhà đất không công chứng hoặc không đăng ký thế chấp đều là vô hiệu, dù không hề liên quan quan đến bên thứ 3.

Trần Khánh Linh

————–

Đại biểu Nhân dân 13-3-2013:

http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=274659

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,705