(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC trình bày tại Hội thảo doVCCI & NHNN tổ chức.
Xin góp ý về 6 vấn đề của Dự thảo Nghị định gồm: Về loại hình văn bản, về phạm vi điều chỉnh, về cụm từ mới “tiền di động”, về việc cấm hành vi “cho mượn tài khoản thanh toán”, về việc phong tỏa “tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật” và về việc “giải quyết tranh chấp”.
1.1. Việc tiếp tục ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt dưới hình thức Nghị định là không hợp lý, chỉ nên coi là giải pháp tạm thời, vì những lý do sau:
Thứ nhất, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, gồm cả việc hạn chế sử dụng ngoại hối, tức là hạn chế quyền của công dân, thì phải được quy định cụ thể trong luật;
Thứ hai, vấn đề trên liên quan trực tiếp đến nước ngoài, thì văn bản dưới luật không bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết;
Thứ ba, nếu giao dịch dân sự vi phạm các điều cấm trong Pháp lệnh và Nghị định thì sẽ không bị vô hiệu như trước đây. Hiện nay giao dịch dân sự chỉ vi phạm điều cấm của Luật thì mới bị vô hiệu theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 117 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”.
1.2. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật Thanh toán, cùng với Luật Ngoại hối, vì là những vấn đề đặc biệt quan trọng (nhất là liên quan đến ngoại hối và thanh toán quốc tế). Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ có kế hoạch xây dựng Dự án Luật Các hệ thống thanh toán” trong giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07-01-2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành “Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2030”.
1.3. Nghị định hiện hành cũng như Dự thảo có quy định về ngoại tệ, ngoại hối và séc, nhưng không thấy căn cứ vào Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, trong đó có riêng 1 Chương, với 18 điều quy định về Séc.
- Về “Phạm vi điều chỉnh” (Điều 1 của Dự thảo):
2.1. Hiện nay có 2 Nghị định về thanh toán là Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt và Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt. Cần xây dựng 1 văn bản chung về thanh toán, vì 2 Nghị định này giống nhau về đối tượng áp dụng gồm 3 nhóm chỉnh là: Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán.
2.2. Đặc biệt, Nghị định hiện hành số 222/2013/NĐ-CP ngày 31-12- 2013 của Chính phủ về “Thanh toán bằng tiền mặt” chỉ có 14 điều, trong đó các nội dung trọng tâm, chủ yếu của Nghị định lại đều là quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt.
- Về cụm từ mới “Tiền di động” (Điều 3 của Dự thảo):
3.1. Khoản 13, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ” đưa ra một khái niệm mới là “Tiền di động”, được giải thích “là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động”. Khái niệm “Tiền di động” là không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với tính chất quan trọng nhất của tiền tệ là tính lưu thông hay là lưu động, di động, mà vế kia của nó hoàn toàn không có sự tương ứng là “Tiền cố định”.
3.2. Vì vậy, cần sửa lại khái niệm này, chẳng hạn như “tiền điện tử trên thuê bao di động” hay “tiền trên thuê bao di động”.
- Về cấm hành vi “cho mượn tài khoản thanh toán” (Điều 8 của Dự thảo):
4.1. Dự thảo có tới 16 nhóm hành vi bị cấm mà hầu như chưa được quy định trong luật, là không bảo đảm cơ sở pháp lý, như phân tích tại Mục 1 nêu trên.
4.2. Khoản 5 tiếp tục quy định một số hành vi bị cấm, trong đó có “cho mượn tài khoản thanh toán” là không cần thiết. Việc mượn tài khoản để nhờ chuyền tiền, rút tiền, trả nợ, thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thông thường là điều hết sức bình thường, nếu như tuân thủ đúng các quy định liên quan. Việc chủ tài khoản hay người khác sử dụng tài khoản để thực hiện hoạt động trái pháp luật thì đương nhiên là phạm pháp và đã bị cấm theo quy định tại khoản 9 của Điều này, cụ thể là: “9. Sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, kinh doanh trái pháp luật hoặc lừa đảo, thực hiện giao dịch khống, giao dịch hàng hóa, dịch vụ không phát sinh/không có thật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác”.
Hành vi này không bị cấm theo Nghị định số 64/2001/NĐ-CP, mà mới chỉ được đưa vào từ Nghị định 101/2012/NĐ-CP.
4.3. Vì vậy cần bỏ quy định trên, hoặc ít nhất là cần sửa đổi theo hướng cấm cho mượn tài khoản thanh toán để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
- Về việc phong tỏa “tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật” (Điều 11 của Dự thảo):
5.1. Dự thảo bổ sung một trường hợp phong tỏa tài khoản tại điểm c, khoản 1, Điều 11 về “Phong tỏa tài khoản thanh toán”, đó là “c) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật”.
5.2. Đây cũng chính là một trường hợp trước đây đã từng được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 về “Tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán”, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22-11-2012 của Chính phủ về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, đó là “c) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh toán”. Tuy nhiên nó đã bị bãi bỏ theo quy định tại khoản 6, Điều 1 của Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP.
5.3. Đề nghị phải hết sức thận trọng khi quy định điều này để tránh tình trạng bị lợi dụng gây rủi ro rất lớn cho các bên liên quan. Chẳng hạn như bên thanh toán đã chuyển tiền thành công, bên bán hàng hoàn toàn tin tưởng giao hàng, nhưng sau đó bất cứ khi nào cũng có thể bị phong tỏa tài khoản và không nhận được tiền.
5.4. Việc này có thể là nhằm mục đích tốt, hỗ trợ khách hàng chuyển tiền nhầm lẫn (không phải lỗi của ngân hàng), khó khăn, thậm chí không thu hồi được tiền đã xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, quy định này chỉ hợp lý trong trường hợp ngăn chặn tội phạm thực sự hoặc cùng lắm là khi đã thực hiện lệnh chuyển khoản nhưng tiền vẫn chưa chuyển sang tài khoản của ngân hàng khác. Vì vậy cần bỏ quy định này hoặc diễn giải một cách cụ thể, để có thể bảo vệ được bên này nhưng đồng thời tránh gây rủi ro cho bên kia. Nhất là về nguyên tắc, thì việc rủi ro khi chuyển khoản nhầm lẫn thì đã có quy định khác của pháp luật xử lý, ví dụ như các quy định của pháp luật dân sự, hành chính và hình sự như sau:
Thứ nhất, việc chủ tài khoản nhận được tiền do người khác chuyển đến nhầm là hành vi “chiếm hữu không có căn cứ pháp luật” theo quy định tại khoản 2, Điều 165 về “Chiếm hữu có căn cứ pháp luật” và người chuyển nhầm “có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” theo quy định tại khoản 1 Điều 166 về “Quyền đòi lại tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015;
Thứ hai, chủ tài khoản nhận được tiền do người khác chuyển đến nhầm mà không trả lại thì sẽ bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”, theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 15 về “Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác”, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”;
Thứ ba, chủ tài khoản nhận được tiền trong trường hợp trên mà cố tình không trả lại đối với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy tố theo Điều 176 về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”, Bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với mức hình phạt tiền từ 10 – 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
- Về việc “Giải quyết tranh chấp” (Điều 33 của Dự thảo):
6.1. Điều 33 của Dự thảo quy định như sau: “Tranh chấp giữa khách hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được giải quyết bằng thoả thuận. Trường hợp tranh chấp không giải quyết được bằng thoả thuận, việc giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Quy định trên là thừa, vì không có nội dung gì cụ thể khác với nguyên tắc chung về phương thức giải quyết tranh chấp.
6.2. Không những thế, quy định tranh chấp “được giải quyết bằng thoả thuận” sẽ còn dễ bị hiểu sai là, khi xảy ra tranh chấp, buộc phải giải quyết bằng thỏa thuận rồi mới dược đưa ra giải quyết theo quy định của pháp luật. Mà pháp luật thì lại quy định tranh chấp được giải quyết bằng các phương thức thương lượng, hòa giải, tòa án hoặc trọng tài.
Hà Nội 11-12-2019