340. Hệ thống ngân hàng với những con số sờ soạng trong đêm

(SM) – Bất chấp việc NHNN tuyên bố đã giảm được nợ xấu xuống còn 6% từ 8%, vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng tháng 1/2013 đã giảm trên 50% so với tổng lợi nhuận của năm 2012 là 28.000 tỷ đồng, còn tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm vẫn âm.

Mặc dù đã được nâng lên đặt xuống, thay đi đổi lại nhiều lần từ NHNN, xong những con số trên vẫn không che lấp được thực trạng bi đát của hệ thống ngân hàng.

Những con số xấu xí

Ngày 9/3, theo báo cáo của NHNN, chỉ trong tháng 1/2013, 30.000 tỷ đồng vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng đã bốc hơi. Con số này còn cao hơn cả tổng lợi nhuận năm 2012 của toàn hệ thống là 28.000 tỷ đồng. Song hai ngày sau đó (tức là 11/3), NHNN đã vội vàng đính chính lại. Việc các đơn vị báo cáo không chuẩn đã được biến thành lý do chính đáng để đưa 14.000 tỷ đồng vào con số vốn tự có. Vậy là từ 393.898 tỷ đồng, nay vốn tự có toàn hệ thống đã được đẩy lên con số 408.645 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này không thể xóa đi một sự thật là vốn tự có vẫn tăng trưởng âm 3,79%, tức là đã giảm 15.487 tỷ đồng, trong đó nhóm NHNN cổ phần giảm gần 2.400 tỷ đồng; vốn tự có nhóm NHTM cổ phần giảm hơn 14.894 tỷ đồng… Đây là hiện tượng chưa từng có tiền lệ kể từ khi NHNN công bố thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của các NHTM từ tháng 5/2012. Tuy nhiên, điều này lại chẳng có gì lạ khi đến nay, có những con số thậm chí còn chẳng ai buồn “chốt sổ”. Ví như cái được gọi là “nợ xấu” chẳng hạn.

Báo cáo của các TCTD vào cuối năm 2012 chỉ công nhận nợ xấu khoảng 135.000 tỷ đồng, tương đương 4,86% tổng dư nợ. Nhưng NHNN lại thừa nhận nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối năm 2012 là 8,82% tổng dư nợ (tương đương trên 200.000 tỷ đồng), nhưng theo Thống đốc NHNN, dù thừa nhận con số trước là “xác đáng và có cơ sở khoa học nhất” cũng mạnh dạn đưa ra con số “có thể” là 10%. Còn TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – lại cho biết nợ xấu ngân hàng phải tới 400.000 tỷ đồng. Dù con số 8,82% (nay được cho là chỉ còn 6%) đã được tạm dùng, tuy nhiên đa phần báo cáo kinh tế hay khuyến cáo mà cơ quan hữu trách đưa ra thường kèm thêm một câu cho an toàn: “Nợ xấu trên thực tế có thể cao hơn do…”

Tính chung là vậy, còn bản thân mỗi ngân hàng đều thống nhất phần lớn nợ “vẫn trong tầm kiểm soát”: BIDV có tỷ lệ nợ xấu 2,7% trên tổng dư nợ, Vietcombank là 2,26%, Vietinbank 1,46%, Sacombank 1,89%, Eximbank 1,2% và NH Quân đội (MB) 1,85%, ngay cả top những ngân hàng có mức nợ xấu ngất ngưởng là Agribank với 5,8% và SHB dẫn đầu với 8,53% (được cho là nợ từ Habubank). Danh sách 9 ngân hàng buộc phải tái cấu trúc đa phần lại là tiểu gia. Có vẻ các ngân hàng lớn vẫn “đẹp” nên không cần thiết tái cơ cấu. Nếu quả có thế thì các ngân hàng cũng không phải phát sốt lên tìm giải pháp chỉ để xóa cái “đúng là có xấu nhưng không xấu như người ta tưởng” – chí ít là theo trần tình và thông qua những con số nay đây, mai nở, khó tin..

Quanh co nguyên nhân

Nhiều luận giải nguyên nhân được đem ra mổ xẻ. Nhưng nhìn chung vẫn tập trung nhiều vào lý do: ham trích lập dự phòng rủi ro khiến vốn tự có của ngân hàng nhích không nổi. Song chuyện lập dự phòng rủi ro không đồng nghĩa với con số 2% nợ xấu biến mất một cách gọn gàng. Vốn tự có với thành phần dự phòng hoàn toàn chỉ có ý nghĩa một khi con nợ không thể trả thì ngân hàng có đủ năng lực tài chính để hấp thu số lỗ, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác của ngân hàng, chứ tuyệt nhiên con nợ không hề chi ra một đồng nào.

Trong Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN cũng đã nêu rõ: Việc tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng không phải là xoá nợ cho khách hàng. Tuy nhiên, nhờ những tô vẽ được tung hô bằng nhiều cách, người ta tỏ ra hân hoan trước thành công đột xuất về việc giảm được nợ xấu, khiến nhiều ánh mắt đổ dồn về phía ngân hàng mà quên mất tiêu đối tượng vô cùng quan trọng: CON NỢ. Cả trước và sau khi ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, nếu không trả được nợ, thì con nợ vẫn cứ là con nợ, số con nợ của ngân hàng không hề giảm bớt, nếu chưa muốn tính số tiền nợ còn có thể tăng lên thông qua nghiệp vụ đảo nợ.

Một số ý kiến cho rằng một phần khoản nợ xấu giảm là do ngân hàng thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ theo công văn 3739/NHNN về thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 13/NQ-CP. Thế nhưng, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI từng chỉ ra rằng cơ cấu lại nợ bao gồm thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay nợ mới để trả nợ cũ và nợ mới bao giờ cũng có lãi suất thấp hơn hoặc bằng nợ cũ… thực chất chính là một dạng đảo nợ, thường bị biến tướng thành một công cụ tuyệt vời để che giấu nợ xấu. Tuy nhiên, đây cũng chính là công cụ hữu ích cho việc làm sụp đổ cả hệ thống ngân hàng, khi cả nợ cũ lẫn nợ mới đều xấu, nợ chồng nợ. Tất nhiên, muốn vay mới để trả cái cũ cũng phải chịu vô khối điều kiện, cũng phải chứng minh được năng lực này nọ. Nhưng đến giá trị tài sản thế chấp có thể bị bào mòn qua thời gian mà ngân hàng còn “lười” tái thẩm định, thì sao họ lại phải quá nhọc công điều tra từ A-Z năng lực vay vốn của khách hàng trong khi họ đang rất cần làm đẹp sổ sách!

Tâm lý e dè trong các khoản cho vay cũng được cho là góp phần vào con số “âm” của ngành ngân hàng. Nếu chính bản thân ngân hàng không cho vay một cách ồ ạt, hoạt động đánh giá rủi ro được tiến hành chỉn chu, thì chẳng thể xuất hiện tâm lý e ngại cho vay như hiện nay. Căn bệnh bất lực đến giờ mới bộc phát, ngân hàng tìm mọi cách nhờ vả “bác sĩ đặc trị” – không thể nào khác ngoài NHNN. Sau một hồi chẩn đoán loằng ngoằng, “bác sĩ” kết luận: Nợ xấu đáng lo ngại nhưng chưa đến mức bi đát dù rằng “làm 30 năm trong ngành, 30 năm đều có hai số liệu về nợ xấu. Trước kia, khi chưa hội nhập là 2, sau khi hội nhập, có các định chế tài chính vào Việt Nam thì là 3 số liệu, gồm số liệu ngân hàng báo cáo, của Ngân hàng Nhà nước và đánh giá của nước ngoài” (trích Infonet).

Nếu tạm coi nợ xấu 8,82% là trung thực, mà chỉ còn 6% cũng đúng hay nó ở mức 13% như Fitch tính toán thì ít ra những con số này đang được thừa nhận, được điểm mặt chỉ tên và nổi lên cho người khác thấy cái sự xấu xí của nó. Nhưng cái chính là những khoản nợ vẫn nằm ở dưới lớp băng kia, không ai dám chắc đã xấu bao phần. TS Lê Thẩm Dương – Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TPHCM – nhận định: Nợ xấu hiện tại không nguy hiểm bằng nợ xấu tiềm ẩn khi cho các doanh nghiệp gia hạn nợ nhưng thời gian tới mới ập về. Một khi giải quyết bài toán nợ ẩn, nợ hiện dựa trên tinh thần “phê” và “tự phê” thì chỉ tiếp tục “vỗ béo” nhóm lợi ích – chẳng đời nào lại tự nhận kiểm điểm cả – trong ngành ngân hàng như Thống đốc NHNN từng thừa nhận.

Lục Dương

—————–

Sống mới 15-3-2013:

http://vietstock.vn/2013/03/he-thong-ngan-hang-voi-nhung-con-so-so-soang-trong-dem-757-262780.htm

 

 

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,163