340. Thẻ tín dụng tưởng được miễn phí hóa ra mắc nợ

(VNN) – Ham mở thẻ tín dụng miễn phí của ngân hàng, không ít người tiêu dùng đã vô tình gặp rắc rối khi phát sinh các loại phí thường niên và phí dịch vụ đi kèm.

Mắc nợ vì ham miễn phí

Nhận được thông báo nợ tiền ngân hàng, anh Lưu Minh Đức (nhân viên văn phòng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới tá hỏa. Cách đây hơn một năm, được một nữ nhân viên ngân hàng nọ tư vấn nhiệt tình qua điện thoại, anh Đức đã làm thẻ tín dụng miễn phí. Thời gian dài sau khi kích hoạt thẻ, anh chưa sử dụng mà chỉ để trong ví cho oai. Tới nay, anh mới sực nhớ ra mình đang có trong tay vài cái thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng khác nhau không sử dụng, nếu không hủy sớm sẽ phải đóng tiền triệu phí thường niên mỗi năm.

Anh Đức cho hay: “Đúng là khi mở thẻ mình không nghĩ tới việc thu phí thường niên sau khi hết hạn năm đầu miễn phí. Tính sơ sơ cũng mất vài trăm nghìn đồng/năm mà thẻ thì vứt trong ngăn kéo không dùng tới. Sau vụ này chắc phải đi đóng tất cả các loại thẻ linh tinh không dùng”. Ngân hàng đòi anh đóng 350.000 đồng/năm phí thường niên, kể cả khi đóng thẻ anh vẫn phải đóng tiền phí này.

Cùng cảnh ngộ, một thành viên chia sẻ trên diễn đàn mạng: “Được một ngân hàng mời chào mở thẻ tín dụng, em ủng hộ một cái mà không dùng đến. Bẵng đi một 1 năm, quá một ngày ngân hàng trừ luôn 200.000 đồng phí thường niên của năm thứ hai, tuần sau mới thông báo cho em là dư nợ. Bực mình, em gọi điện lên tổng đài chăm sóc khách hàng thắc mắc thì nhận được câu trả lời muốn cắt thì phải ra chi nhánh nộp tiền. Em thử không nộp, tháng sau bị tính 200.000 tiền nợ cộng tới 70.000 tiền quá hạn và liên tục bị ngân hàng gọi điện. Phía ngân hàngchém ác quá, nợ có 200.000 đồng mà nộp chậm phạt tới 70.000 đồng và tính cả lãi”.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Trang (nhân viên kinh doanh một công ty truyền thông ở Ba Đình, Hà Nội) cũng phải đóng 500.000 đồng tiền thẻ tín dụng. Cũng chỉ vì ham mở thẻ miễn phí mà chị phải đóng số tiền lớn như vậy trong năm tiếp theo. Chị Trang ấm ức, phí thường niên chỉ 300.000 đồng nhưng do đóng chậm, chị bị phạt thêm 200.000 đồng.

Cũng vì nợ phí thường niên không thanh toán, anh Nguyễn Minh Tú (quận Hà Đông, Hà Nội) đã bị liệt vào danh sách đen của ngân hàng. Anh Tú cho hay: “Năm 2009 mình mở thẻ tín dụng ở ngân hàng, vì là số tiền nhỏ nên cũng lười đi đóng. Ai dè mới đây mở cái thẻ tín dụng ở ngân hàng khác đã bị từ chối do có thông tin nợ tiền”. Theo kinh nghiệm của anh Tú, nếu không dùng thẻ tín dụng thì nên đóng tài khoản ngay, tránh để lâu phát sinh phí thường niên và tiền duy trì thẻ mà người dùng phải trả lãi rất cao.

Lợi nhà giầu, đau nhà nghèo

Để mở rộng thị phần, hầu hết các ngân hàng thương mại đang đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, miễn phí mở thẻ và phí thường niên trong năm đầu. Tuy nhiên, nếu không có nhu cầu, người tiêu dùng không nên mở thẻ bởi mức phí thường niên các năm tiếp theo rất cao. Chỉ cần khách thanh toán trễ hạn hai lần trong một năm thì số tiền chủ thẻ bị phạt có thể còn cao hơn cả phí thường niên.

Theo khảo sát, phí thường niên được các ngân hàng áp dụng cho thẻ tín dụng từ 100.000-1.000.000 đồng/năm/thẻ, tùy loại thẻ chuẩn hay thẻ vàng, thẻ platium. Trong đó, các ngân hàng “ngoại” thu phí cao hơn ngân hàng “nội”. Các ngân hàng cũng sẽ thu những loại phí khác khi chủ thẻ có yêu cầu như phí cung cấp lại bản sao kê, phí khiếu nại sai, phí thay đổi loại thẻ, phí thay đổi hạn mức, phí phạt trễ hạn hay phí chậm thanh toán,…

Sau nhiều năm đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng thấu chi, cho phép khách hàng tiêu trước trả sau, nhiều ngân hàng thương mại đang dần siết lại điều kiện cho người mở thẻ nhằm ngăn ngừa nợ xấu gia tăng.

Theo chuyên gia tài chính Trương Thanh Đức (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), “bản chất của thẻ tín dụng là dành cho người có tiền nhưng nhất thời bị thiếu hụt hoặc không muốn tiêu tiền mặt. Vì vậy, nếu không có khả năng tài chính, chi tiêu quá ít hoặc thực sự có nhu cầu, thì sẽ không hiệu quả. Thậm chí, sẽ cảm thấy đắt vì mất oan chi phí thường niên để duy trì thẻ, cao hơn nhiều so với thẻ ATM”, ông Đức cho hay.

Vị chuyên gia ngân hàng này này lưu ý, việc sử dụng thẻ tín dụng khá dễ dàng, không cần mật khẩu, nên rất dễ bị lợi dụng, gian lận nếu để người khác (kể cả các điểm thanh toán thẻ không tin cậy) biết được dãy số in công khai trên thẻ.

Sử dụng thẻ tín dụng là một hình thức vay nợ “tiêu trước, trả sau”, rất dễ đến tâm lý chi tiêu thoải mái. Do đó, người tiêu dùng cần tính toán kỹ khả năng trả nợ, vì nếu không thanh toán được đúng hạn, thì sẽ phải chịu mức lãi suất cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi vay nợ thông thường. Ngoài ra, người vay còn có thể bị rơi vào tình trạng có nợ xấu, sẽ bị mất điểm khi cần vay vốn hệ thống ngân hàng.

Thẻ tín dụng chỉ phù hợp với người có thu nhập cao và thường xuyên có nhu cầu mua sắm ở những nơi cháp nhận thanh toán thẻ. Người có thu nhập không cao và người ít mua sắm thì chưa nên sử dụng và nếu có, thì cũng nên cân nhắc không sử dụng nhiều thẻ tín dụng”, ông Đức khuyên.

Duy Anh

(301/1.115)


VEF 26-8-2013 (Mục Kinh tế):

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/137230/the-tin-dung-tuong-duoc-mien-phi-hoa-ra-mac-no.html 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,564