(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, trình bày tại Hội đồng nghiệm thu chính thức họp ngày 27-12-2019 theo Quyết định số 166/QĐ-KHPL ngày 20-12-2019 của Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp)
Một số nhận xét về bản Tóm tắt Đề tài khoa học cấp bộ: “Nhận diện các rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp và các giải pháp khắc phục”.
1.1. Mục 3.4, Phần A, về “Phương pháp nghiên cứu”, Bản tóm tắt viết “Nhóm nghiên cứu dự kiến áp dụng các phương pháp…” (tr 5).
1.2. Mục 4.3, Phần A, về “Hội thảo, tọa đàm khoa học”, trong đó có nêu các thời gian tổ chức 4 hội thảo, tọa đàm như sau: “tháng 4 – 5/2018”, “tháng 6 – 9/2018”, “tháng 8 10/2018” và “tháng 10/2018 – 02/2019” (tr 6 – 7).
1.3. Viết như vậy, thì gần như là chép nguyên văn bản Thuyết minh khi tham gia vào năm 2017 mà chưa sửa lại cho phù hợp với thời điểm nghiệm thu Đề tài.
- Về xác định phạm vi nghiên cứu:
2.1. Mục 1.1.1, Phần B, về “Khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp” viết 1 trong số 4 tiêu chí của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo Luật doanh nghiệp nhỏ & vừa năm 2017 là “Về tư cách pháp nhân”. Và nhận định như sau: “chúng tôi cho rằng, khởi nghiệp (startup) không chỉ đề cập tới nhũng doanh nghiệp đang trong giai đoạn bắt đầu kinh danh nói chung (startup company) mà òn thường được gắn với công nghệ mới trong giai đoạn lập nghiệp. Khởi nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo. Đặc tính cơ bản của khởi nghiệp là tính đột phá nhằm tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn, qua đó giúp chủ thể khởi nghiệp thu được nhiều lợi nhuận trong thời gian ngắn….” (tr 11 – 12):
2.2. Điều đó chỉ phù hợp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đối với 1 số rất ít trong số doanh nghiệp khởi nghiệp (ước tính không quá 1%). Còn khởi nghiệp theo nghĩa thông thường cần tháo gỡ rào cản pháp lý thì bắt buộc chỉ có 1 trong 3 yếu tố là “khởi nghiệp”, mà có thể không phải là “doanh nghiệp” & có thể không cần yếu tố “sáng tạo”.
2.3. Khởi là bắt đầu, mở đầu, như khởi chiến, khởi công, khởi động, khởi hành, khởi nguồn, khởi tạo, khởi tranh, khởi xướng. Đề tài khoa học không phải là giải quyết những cái vướng pháp lý của doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ hay khởi nghiệp sáng tạo hoặc doanh nghiệp nói chung, mà là cái khó của các doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn khởi nghiệp, là sự vạn sự khởi đầu nan trong kinh doanh.
2.4. Vì vậy sau đó phạm vi nghiên cứu đã bị lệch theo một trong 2 hướng: Hoặc là thu hẹp rất nhiều, đề cập đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc là mở rộng rất nhiều, đối với mọi doanh nghiệp nói dung.
2.5. Kết quả đề tài đã không tập trung vào giải quyết trọng tâm vấn đề là “khởi nghiệp” kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp. Đáng lý việc nghiên cứu phải được tập trung vào giải quyết rào cản pháp lý trong giai đoạn khởi đầu thực hiện ý tưởng kinh doanh của mỗi cá nhân hoặc doanh nghiệp, cho đến khi tạo ra sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chính thức tung ra thị trường. Thời gian khởi nghiệp thường không quá 1/3 tuổi thọ của mỗi doanh nghiệp.
- Về “Nhận diện rào cản pháp lý”:
3.1. Mục 1.2.1, Phần B, về “Nhận diện về rào cản pháp lý trong hoạt động khởi nghiệp” đã viết như sau: “Theo một thống kê gần đây, khoảng 90% các startup thất bại và một trong 20 lý do thất bại là rào cản pháp lý – Đó là sự ngăn cản gia nhập thị trường, tăng chi phí kinh doanh, hạn chế cạnh tranh, mở rộng phát triển thị trường, hạn chế sáng tạo hoặc hạn chế huy động nguồn lực” (tr 19).
3.2. Nếu là rào cản pháp lý với khởi nghiệp nói chung thì đúng và đáng kể, nhưng nếu đối với khởi nghiệp sáng tạo thì rào cản pháp lý là rất không đáng kể.
3.3. Vì vậy nhận diện rào cản pháp lý và giải pháp khắc phục đối với doanh nghiệp nói chung là đúng, chứ không sát với khởi nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.
- Về “Thực trạng rào cản pháp lý”:
4.1. Mục 2.2.2 về “Thực trạng rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp” có nêu ra 8 nhóm rào cản pháp lý, bao gồm (tr 29 – 37):
- Rào cản pháp lý trong đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp;
- Rào cản pháp lý trong huy động, tiếp cận nguồn lực về vốn;
- Rào cản pháp lý về khoa học, kỹ thuật và lao động;
- Rào cản pháp lý về đất đai, đầu tư;
- Rào cản pháp lý về trong tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp;
- Rào cản pháp lý trong tiếp cận hệ thống giải quyết tranh chấp;
- Rào cản pháp lý trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
- Rào cản pháp lý trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.
4.2. Các rào cản pháp lý nêu trên xảy ra đối với tẩt cả các doanh nghiệp, chứ không phải là chỉ đối với hoạt động khởi nghiệp. Vì vậy, không có sự khác nhau giữa các rào cản pháp lý giữa doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Hoặc không đề cập đến rào cản pháp lý lớn nhất đối với khởi nghiệp của hộ kinh doanh là chỉ được phép thuê không quá 10 lao động và hoạt động tại 1 địa điểm duy nhất.
4.3. Nếu bám sát tên của Đề tài khoa học “Nhận diện các rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp và các giải pháp khắc phục”, thì chỉ có nhóm thứ nhất là dành riêng cho khởi nghiệp “Rào cản pháp lý trong đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp”. 7 nhóm còn lại là rào cản pháp lý nói chung đối với doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh.
Hà Nội 27-12-2019
—————————–
(1.140/1.140)