343. Khó nhận dạng pháp nhân trong Bộ luật Dân sự

(ĐBND) – Xác nhận chủ thể quan hệ dân sự là pháp nhân hay không là một điều đặc biệt quan trọng trong giao dịch, bởi đây là chủ thể quan trọng nhất trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, việc xác định hoàn toàn không đơn giản, nhất là đối với các tổ chức phi kinh tế, trong đó có các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước. Nguyên nhân có phải do những dấu hiệu chưa được quy định đầy đủ tại Bộ luật Dân sự (BLDS).

Điều kiện hay yếu tố nhận biết

Pháp nhân là một trong những chủ thể quan trọng của pháp luật dân sự (Điều 84B) và có mặt trong phần lớn các giao dịch dân sự, nhất là đối với doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định tư cách của pháp nhân là hết sức quan trọng. Điều 84 đã quy định về các điều kiện để được công nhận là pháp nhân, bao gồm: được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, pháp chế doanh nghiệp thì cách quy định có vẻ giống với quy phạm pháp luật hành chính khi đưa ra các yếu tố để công nhận pháp nhân (có thể hiểu là nếu đáp ứng đủ các điều kiện này thì mới được Nhà nước công nhận). Tức là muốn xác định tổ chức nào đó có hay không tư có tư cách pháp nhân, cần tìm hiểu xem tổ chức đó có đáp ứng đủ 4 yêu cầu nêu trên. Trong khi yêu cầu đặt ra đối với BLDS là phải đưa ra được các yếu tố để nhận biết pháp nhân với tư cách là một chủ thể của luật dân sự. Quy định này cũng chưa làm rõ với các yếu tố quan trọng là pháp nhân phải được thành lập bởi các chủ thể khác của luật dân sự; đăng ký hoặc có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kể từ thời điểm được đăng ký hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập, pháp nhân mới có đủ tư cách là chủ thể để tham gia vào quan hệ dân sự.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ thừa nhận, hiện quy định về phân loại pháp nhân đang theo hướng liệt kê (cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức kinh tế; tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp…). Chính vì thế, có sự trùng lặp trong quy định về phân loại pháp nhân, chưa có sự khác biệt về bản chất pháp lý giữa các loại pháp nhân.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật  ANVI 4 điều kiện nêu trên là không hợp lý và không đặc định. Những mâu thuẫn ngay trong các điều luật, chẳng hạn trong giao dịch dân sự pháp nhân hoàn toàn được ủy quyền cho cá nhân và pháp nhân khác. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 143 “Người đại diện theo ủy quyền” đã quy định “Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch”, cho nên nhiều tổ chức công chức và tòa án dựa vào chữ “người” cho rằng, cá nhân, pháp nhân chỉ được ủy quyền cho cá nhân, mà không được ủy quyền cho pháp nhân hoặc tổ chức khác. Hơn nữa, tại Khoản 1, Điều 583 quy định: “Bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người thứ 3, nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định”. Chiếu theo quy định này, nhiều nơi không chấp nhận giao dịch được ủy quyền tiếp cho người thứ 3 (và sau người thứ 3 trở đi) mặc dù được các cấp ủy quyền trước đó đồng ý.

Những gợi ý xác thực

Luật sư Lê Phan Thùy Anh, Công ty Luật TNHH Quốc tế cho rằng, mục đích của BLDS là đưa ra được các căn cứ để nhận biết pháp nhân với tư cách là một chủ thể tham gia các giao dịch dân sự. Trên thực tế, một số tổ chức ghi trong Điều lệ hoặc Quyết định thành lập là “có tư cách pháp nhân”. Điều này dẫn đến tình trạng không làm rõ được tiêu chí xác định tư cách pháp nhân của chủ thể khi tham gia vào giao dịch dân sự là căn cứ vào quy định của pháp luật hay giấy tờ pháp lý của chủ thể đó. Luật sư Lê Phan Thùy Anh kiến nghị, dấu hiệu xác định pháp nhân bao gồm “Là tổ chức được đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”.

Ở góc độ khác, Phó trưởng ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Thị Minh Hồng cho rằng, việc không quy định rõ ràng trách nhiệm cá nhân trong chế định pháp nhân của BLDS và các đạo luật chuyên ngành khác dẫn đến không thể áp dụng chế định nào để xử lý khi có vi phạm. Nhiều đơn vị sự nghiệp của các bộ rầm rộ ra đời đã trở thành “sân sau” của bộ, gây nên sự bất bình đẳng đối với các pháp nhân nghề nghiệp tư (hoạt động tự chủ, ngân sách không cấp). Hiện nay, nhiều hệ thống pháp luật đã chia pháp nhân làm 2 loại (pháp nhân vì lợi ích cộng đồng và pháp nhân vì lợi nhuận). Pháp nhân vì lợi ích cộng đồng tồn tại ở dạng Hội – có hội viên và Quỹ – không có hội viên. Pháp nhân vì lợi nhuận tồn tại dưới dạng công ty, nhà nước, khu công nghiệp, đồn điền, siêu thị. Từ góc độ này, bà Hồng đề xuất, bộ luật này không áp dụng đối với các pháp nhân chính trị, nhà nước và tôn giáo.

Từ những gợi ý nên trên cho thấy, BLDS sửa đổi cần quy định theo hướng có khái niệm đầy đủ hơn về pháp nhân, trong đó có dấu hiệu được thành lập bởi các chủ thể của luật dân sự và được đăng ký hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập. Thời điểm đăng ký hoặc ra quyết định thành lập phải được coi là thời điểm hình thành của pháp nhân; đồng thời cần phân loại pháp nhân dựa trên mục đích, tiêu chí thành lập (vì lợi nhuận hay không lợi nhuận).

Phan Cẩm Tú

—————–

Đại biểu Nhân dân 24-03-2013:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=275760

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,710