(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức bình luận về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, để cung cấp cho báo chí
Bất hợp pháp
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP trái với quy định tại khoản 1, Điều 151 về “Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thời điểm có hiệu lực “không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày” ký ban hành;
Việc ban hành Nghị định này không thuộc trường hợp theo thủ tục rút gọn, vì vì không thuộc “trường hợp khẩn cấp” hay “trường hợp cấp bách” hoặc “trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành” theo quy định tại Điều 146 về “Các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Về thời gian, không cần phải theo thủ tục rút gọn vì có thừa thời gian để xây dựng kể cả vì lý do “chạy” theo hiệu lực của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14-6-2019.
Dự thảo Nghị định này đã được lấy ý kiến rất sớm, từ ngày 23-5-2019, đăng trên Web Chính phủ, còn lưu tại đây:
Luật yêu cầu hiệu lực sau ít nhất 45 ngày với mục đích để đủ thời gian đăng công báo, công khai rộng rãi để người thực hiện có đủ thời gian tiếp cậnn và tuân thủ. Nghị định này không chỉ 45 ngày, mà còn cần tối thiểu 3 tháng thì mới đúng tinh thần quy định của Luật. Chẳng hạn, nhiều văn bản đã được ấn định có hiệu lực sau khi ban hành nửa năm, thậm chí hơn 1 năm. Ví dụ như Bộ luật Lao động năm 2019 (là Bộ luật thứ 3 mà phần lớn nội dung vẫn theo Bộ luật cũ năm 2012) được thông qua vào tháng 11-2019, nhưng đến tận năm 2021 mới có hiệu lực. Vì vậy, dù nó có được tiến hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì cũng vẫn trái luật.
Nghị định này cũng trái luật giống như Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20-10-2011 trước kia, sửa đổi Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (phạt mua bán, quảng cáo ngoại tệ 500 triệu) có hiệu lực từ ngày ký, trong khi mấy ngày sau mới thấy công bố nội dung.
Ngoài ra, có những nội dung trái luật. Ví dụ khoản 2, Điều 9 về “Quy tắc chung”, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “2. Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn”. Trong khi điểm p và q, khoản 3, Điều 5 về “Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô “p) Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường” và “q) Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy”. Như vậy, Nghị định xử phạt tài xế về cả hành vi không thắt dây an toàn tại mọi vị trí, trong khi Luật chỉ bắt buộc đối với hàng ghế trước. Quy định trái luật này cần phải bị bãi bỏ (cũng đã được quy định xử phạt từ 100 đến 200.000 đồng tại điểm k và l khoản 1, Điều 5, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP).
Bất hợp lý
Mức phạt rất bất hợp lý. Luật quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu có nồng độ cồn, nhưng không có nghĩa là chỉ đo được bất kỳ chỉ số nào trên 0 (không uống hoặc uống rất ít chất có cồn) cũng có thể bị xử phạt với mức tối thiểu là 6, mức tối đa là 8 triệu đồng, giống như trừng phạt người say rượu, theo quy định tại khoản 6, Điều 5 về “Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Tương tự, nếu người lái xe mô tô, xe máy có nồng độ cồn trên 0 thì cũng bị phạt từ mức tối thiểu là 2 triệu đến mức tối đa là 3 triệu đồng theo quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 6 về “Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, trong trường hợp trên, người vi phạm còn có thể bị tạm giữ phương tiện là ô tô hoặc mô tô, xe máy đến 7 ngày theo quy định tại điểm a và b khoản 1, Điều 82 về “Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm”, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Mức dưới“0,25 miligam/1 lít khí thở” vẫn vi phạm, nhưng chỉ cần xử phạt cảnh cáo hoặc một mức phạt tiền rất nhẹ. Cần nhắc lại bài học xử phạt giao dịch ngoại tệ bất hợp lý vừa được sửa sai vào đúng lúc bắt đầu sai lầm đối với việc phạt uống bia rượu. Trước đây, theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP thì mua bán trái phép 1 USD cũng có thể bị xử phạt từ 80 – 100 triệu đồng, nay theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP thì mua bán dưới 1.000 USD chỉ bị phạt cảnh cáo, mua bán từ 100.000 USD trở lên mới bị phạt từ 80 – 100 triệu đồng.
Ngoài ra còn một số quy định bất hợp lý khác như người lái xe máy đi sát lề đường rẽ phải mà không bật xi nhan thì phạt 400 – 600 ngàn đồng theo điểm a, khoản 3, Điều 3, Điều 6 về “Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Không thế chấp nhận thứ luật bất hợp lý, thiếu nhân văn, phủ nhận nếp sống thông thường, nhu cầu ăn uống hết sức an toàn, mà bất cứ ai cũng có thể bị trừng trị nặng nề như tội phạm: Ăn 1 nắm xôi gấc, bát gà tần hay đĩa bò sốt vang hoặc hộp sửa chua nếp cẩm,… mà điều khiển phương tiện giao thông thì đều có thể bị phạt từ 2 – 3 triệu đồng đối với xe máy và từ 6 – 8 triệu đồng đối với ô tô.
Hà Nội 10-01-2020
(1.224)