348. Nâng thuế suất quảng cáo bảo vệ DN trong nước?

(TQ) – Với quy định các khoản chi phí liên quan đến quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại được điều chỉn h mức chịu thuế lên mức từ 10-15%, nhiều ý kiến cho rằng, điều này chưa thực sự công bằng cho các doanh nghiệp.

Tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp do Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội) tổ chức ngày 11/4, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về các mức giảm thuế suất.

Bớt “vơ bèo gạt tép”?

Trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung, Bộ Tài chính có đề xuất nâng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại từ 10% lên 15% (bỏ quy định ưu đãi đối với doanh nghiệp mới thành lập (15%), đồng thời rà soát loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng-Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính), quy định này sẽ bảo vệ được nhiều doanh nghiệp trong nước. Bởi, hầu hết các doanh nghiệp trong nước không có công ty mẹ như nhiều tập đoàn đa quốc gia. Lâu nay “sân chơi” của doanh nghiệp trong nước đang bị lép vế hơn các doanh nghiệp nước ngoài vì họ sẵn sàng bơm tiền để chiếm lĩnh thị trường.

“Quy định khống chế mức từ 10-15% chính là bức tường vô hình để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Nhưng rất tiếc là hiện nay chúng ta chưa hiểu một cách đầy đủ, chỉ hiểu thông tin một chiều”, ông Phụng bày tỏ.

Do đó, Bộ Tài chính cũng đang thảo luận để đưa tỷ lệ đồng loạt 15% chứ không phải ở mức từ 10% đến 15% . Nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung nội hàm của quy định, vì lâu nay chúng ta ta “vơ bèo gạt tép” rất nhiều nội dung từ quảng cáo, khuyến mại, tiếp tân, giao dịch.

“Lần này, Bộ Tài chính sẽ mạnh dạn loại bỏ một số khoản chi phí trong diện bị khống chế đồng thời nâng mức chịu thuế”, ông Phụng cho hay.

Nâng thuế suất quảng cáo liệu có bảo vệ được quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước? (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình với đại diện Vụ chính sách thuế của Bộ Tài chính.

  1. Nguyễn Thị Lan Hương-Khoa Luật, Đại học Quốc gia cho rằng, việc áp dụng quy định này chưa đảm bảo công bằng khi không cân nhắc đến vị trí yếu thế của doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập.

Bà Hương lo ngại, sẽ rất dễ nảy sinh hạn chế khi doanh nghiệp chưa được khấu trừ hết chi phí sẽ tìm mọi cách để gian lận hóa đơn chứng từ, chi phí. “Còn doanh nghiệp không có cách nào điều chỉnh phù hợp với định mức khấu trừ thì phải chấp nhận chịu thiệt”, bà Hương nói.

Do đó, chuyên gia kiến nghị, ban soạn thảo cần thiết đưa ra các phương án và đánh giá mức độ đảm bảo công bằng trong áp dụng với doanh nghiệp theo một số tiêu chí nhất định.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật  ANVI lại cho rằng, mức quy định này còn quá thấp. Quan trọng là các chi phí có thật hay không, chứ không phải là chi bao nhiêu, vì chi phí hợp pháp, hợp lệ của doanh nghiệp này chính là thu nhập của doanh nghiệp hoặc của cá nhân khác.

“Do đó, cần phải bỏ giới hạn này hoặc nếu không thì nâng tỷ lệ khống chế ít nhất lên 50%”, ông Đức nêu ý kiến.

Nhiều ý kiến cũng cho biết, trên thực tế, các công ty sẵn sàng chi quảng cáo và khuyến mại cho dù các chi phí này có được khấu trừ hay không. Theo đó, phương án tốt nhất, chính là dỡ bỏ quy định khống chế chi phí quảng cáo, cho phép doanh nghiệp tính toàn bộ khoản chi thực tế cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thế.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ này được thực hiện trong điều kiện kiểm soát được hóa đơn, khống chế được giao dịch tiền mặt trong các quan hệ kinh tế.

Sẽ công bố lộ trình giảm thuế phổ thông 20%

Về mức thuế suất phổ thông giảm ở mức 23%, theo TS. Nguyễn Minh Hằng-Khoa thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), so với đa số các nước trong khu vực thì mức thuế suất này khá phù hợp và có tính cạnh tranh nhất định.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc giảm thêm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp so với mức thuế suất cũ 25% vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi từ cộng đồng doanh nghiệp.

“Có thể giảm thêm thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống khoảng 20% để Việt Nam có thể cạnh tranh hơn trong việc thu hút đầu tư. Nhờ đó, số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp có thể được bù đắp trong dài hạn”, bà Hằng nói.

Trước ý kiến đề xuất đưa mức thuế suất chung xuống 20% ngay từ năm 2014 (giữ nguyên mức 32% đến 50% đối với khai thác dầu khi và tài nguyên hiếm), đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, ưu điểm của đề xuất này là tăng mức độ trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Phụng cũng quan ngại, phương án này có tác động quá lớn đến cân đối ngân sách nhà nước.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng mức thuế phổ thông về 20% trong năm 2014, điều này đồng nghĩa ngân sách nhà nước giảm đi khoảng 30.160 tỷ đồng/năm. Tính thêm số giảm thu về thuế thu nhập cá nhân khoảng 13.350 tỷ đồng/năm và việc bổ sung ưu đãi thuế kéo theo giảm thu khoảng 2.081 tỷ đồng. Như vậy tổng số giảm thu trong năm 2014 lên tới con số 45.591 tỷ đồng.

“Có thể tin rằng việc giảm ngay thuế suất xuống 20% sẽ được bù đắp lại các năm sau khi kinh tế phát triển do đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, số thu tăng các năm sau mới chỉ là kỳ vọng trong khi số giảm thu là tiền thật’, ông Phụng băn khoăn.

Vì vậy, ông Phụng cho biết, vừa qua Bộ Tài chính đã mạnh dạn đề xuất với Quốc hội quy định rõ lộ trình áp dụng thuế suất phổ thông 20% từ năm 2016 (hoặc từ 2017). Cùng đó, vẫn giữ nguyên các mức thuế suất ưu đãi là 20% và 10% tùy theo lĩnh vực, địa bàn được Luật quy định.

Với việc công khai lộ trình áp dụng thuế suất chung 20%, Bộ Tài chính hy vọng doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn, ra quyết định đầu tư ngay từ bây giờ và kéo theo tác động thị trường sớm được phục hồi.

Ngoài ra, sẽ có tác động mạnh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài do mức thuế suất này có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực, nhất là việc thu hút các luồng vốn đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc./.

T.Tâm

—————–

Tổ Quốc 12-4-2013:

http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/115515/nang-thue-suat-quang-cao-bao-ve-dn-trong-nuoc.aspx

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,154