(ĐBND) – Theo đề xuất của Bộ Tài chính thì mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ giảm từ 25% xuống 23% từ năm 2014. Một số chuyên gia cho rằng mức giảm này là hợp lý song cũng có nhiều ý kiến đề xuất cần phải giảm mạnh mức thuế suất TNDN xuống 20% nhằm tăng hấp dẫn trong thu hút đầu tư, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là giảm mức thuế suất TNDN xuống bao nhiều là hợp lý?
Để thực hiện Chiến lược cải cách thuế phù hợp với xu thế cải cách thuế của các quốc gia trên thế giới, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất phổ thông của thuế TNDN từ 25% xuống 23%, áp dụng từ năm 2014. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời thỏa mãn 2 tiêu chí sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng sẽ được áp dụng thuế suất 20%. Tại Hội thảo khoa học Góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được tổ chức, một số ý kiến đồng tình với mức thuế suất này, song nhiều ý kiến cũng cho rằng mức giảm thuế suất như vậy là không đáng kể, cần phải giảm mức thuế suất xuống 20% mới hợp lý.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng, việc giảm thuế suất phổ thông như đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý, phù hợp trong mối tương quan với thuế suất các nước trong khu vực và bảo đảm tính cạnh tranh trong môi trường đầu tư. Ông Đinh Dũng Sỹ lập luận, nếu áp dụng thuế suất phổ thông 20% ngay từ đầu năm 2014 sẽ có tác động lớn đến việc giảm thu của ngân sách của năm 2014, 2015. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm ngay thuế suất xuống 20%, sẽ giảm thu NSNN năm 2014 khoảng 30.160 tỷ đồng. Điều này sẽ tạo ra sức ép lớn cho ngân sách nhà nước.
Xuất phát từ quan điểm, định hướng các quy định về thuế kiên trì mục tiêu nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu; tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp; bảo đảm công bằng; đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hài hòa với NSNN, nguyên Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, áp dụng mức thuế suất phổ thông 23% trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế là hợp lý. Đồng thời, mức thuế suất ưu đãi 20% cần giảm về 18%, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên phát triển.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần phải giảm ngay mức thuế suất thuế TNDN xuống 20% từ năm 2014. Ts Lê Hữu Nam thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh lập luận, khi thuế suất được giảm về 20% sẽ tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu, gia tăng nguồn thu cho ngân sách về lâu dài, tăng cường thu hút đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư FDI. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ chấp hành nghĩa vụ nộp thuế khi thấy thuế suất hợp lý. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Trọng tài viện VIAC) cho rằng nếu Nhà nước giảm thuế suất, doanh nghiệp sẽ hạch toán thu nhập trung thực hơn, tránh tình trạng trốn thuế, gian lận thuế như hiện nay; khắc phục tình trạng các doanh nhân than vãn nếu nộp thuế nghiêm chỉnh đúng quy định thì chẳng bao giờ kinh doanh có lãi.
Có thể thấy, hai phương án trên, một bảo đảm nhu cầu nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn và một là kỳ vọng xây dựng nguồn thu trong dài hạn. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm cần cân nhắc thận trọng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế tác động không nhỏ đến nguồn thu của NSNN. Một số chuyên gia đã đề xuất phương án trước mắt áp dụng mức thuế suất 23% từ năm 2014 đồng thời quy định rõ lộ trình áp dụng mức thuế suất phổ thông 20% từ năm 2016 (hoặc 2017). Theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng, phương án này có ưu điểm điểm là sẽ khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư ngay từ bây giờ khi đã có niềm tin mức thuế suất sẽ được giảm những năm tiếp theo. Đồng thời, tạo ra sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài bởi mức thuế suất 20% có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực. Việc công bố lộ trình áp dụng thuế suất này cũng sẽ không tạo ra cú sốc giảm đột ngột cho NSNN các năm 2014, 2015.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2013, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia kiến nghị Chính phủ cân nhắc khả năng giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% để khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khắc phục hiện tượng chuyển giá. Tại nhiều hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn sớm được giảm mức thuế suất thuế TNDN xuống 20% hoặc thấp hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Như vậy, việc giảm thuế suất phổ thông thuế TNDN xuống mức bao nhiêu là hợp lý là một bài toán không hề đơn giản. Mức độ giảm thuế suất cần phải thỏa mãn nguyên tắc vừa bảo đảm cân đối NSNN, vừa tạo sức hút cho môi trường đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Tự Cường
—————–
Đại biểu Nhân dân 12-4-2013:
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=277637