(GTVT) – Áp mức thuế suất nào cho hợp lý là vấn đề dành được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp vừa diễn ra sáng qua, 11/4/2013 tại Hà Nội.
Giảm 2% vẫn cao?
Nhấn mạnh thuế suất là “linh hồn” đồng thời cũng luôn là vấn đề trọng tâm, tâm điểm của mọi cuộc cải cách, sửa đổi các đạo luật thuế, ThS. Bành Quốc Tuấn (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP HCM) cho biết mức thuế suất 25% quy định tại Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 2008 vẫn còn cao so với mặt bằng các nước trong khu vực. Về cơ bản mức thuế này chưa tạo điều kiện tối đa cho cơ sở kinh doanh tích lũy vốn tái sản xuất mở rộng, đặc biệt trong giai đoạn tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Ông Tuấn khẳng định việc sửa đổi theo hướng giảm thuế suất TNDN là cấp thiết đối với Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Một địa điểm kê khai hồ sơ thuế. |
Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được Bộ Tài chính xây dựng, Bộ này đã đề xuất giảm thuế suất chung từ mức 25% xuống còn 23%, riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng mức thuế suất 20%.
Thời gian qua, thuế TNDN của các nước trong khu vực và trên thế giới đều đang theo xu hướng giảm để tạo sự hấp dẫn và tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Cụ thể, các nước ASEAN và một số nước châu Á, điển hình là Malaysia giảm từ 28% năm 2005 xuống mức 27% năm 2007 và mức 26% năm 2008. Từ năm 2009 đến nay là 25%. Thái Lan cũng đã giảm thuế suất từ 30% xuống 23% vào năm 2012. Nhiều nước cũng quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn. Điển hình là Trung Quốc, Malaysia đều quy định 20% (so với mức thuế suất phổ thông 25%); Thái Lan là 15% (thuế suất phổ thông là 23%). |
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho biết nếu giảm như mức đề xuất này, dự kiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế TNDN sẽ giảm đi mỗi năm khoảng hơn 12.000 tỷ đồng, nếu áp dụng thuế suất 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa thì dự kiến NSNN từ năm 2014 sẽ giảm thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng, đưa tổng số giảm thu lên hơn 14.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Phụng thì mức giảm như Dự thảo Luật vừa đảm bảo được tính cạnh tranh, thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực đồng thời lại cũng đảm bảo không gây tác động giảm thu đột ngột, gây sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng cũng như không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi.
Khẳng định việc giảm thuế thu nhập là cần thiết song Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC cho rằng mức giảm 2% so với quy định hiện hành là vẫn còn rất cao. Luật sư Đức lý giải: Bên cạnh mức thuế suất này còn rất nhiều quy định trói buộc, loại trừ chi phí, tăng thu nhập nộp thuế, giảm thu nhập thực chất. Cũng như Luật hiện hành, Dự luật mới của Bộ Tài chính tiếp tục nhắc lại một loạt khoản chi không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Đó là việc khống chế lãi suất đi vay, khống chế chi phí theo tỷ lệ vốn vay so với vốn chủ sở hữu; khống chế định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và đặc biệt là khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo, khuyến mại… Những quy định loại trừ chi phí này có thể đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lãi giả, lỗ thật.
“Quan trọng là các chi phí có thật hay không chứ không phải là chi bao nhiêu. Vì chi phí hợp lệ, hợp pháp của doanh nghiệp này cũng là thu nhập của doanh nghiệp hoặc cá nhân khác. Đã yêu cầu các khoản được tính vào chi phải hợp pháp thì cũng cần nới lỏng con số “chết”, trói chân, trói tay doanh nghiệp” – ông Đức bức xúc.
Giảm nữa, mất gì?
Trên thực tế, có rất nhiều ý kiến đề nghị giảm thuế suất chung hiện nay xuống còn 20%. Về vấn đề này, PGS TS. Đinh Dũng Sỹ (Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ) cho rằng cần hết sức cân nhắc đến những tác động của việc điều chỉnh thuế suất xuống 20%. “Nếu áp dụng thuế suất 20% ngày từ 1/1/2014 thì có ưu điểm là tăng mức độ hấp dẫn thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài do mức thuế suất này có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, phương án này sẽ tác động rất lớn tới thu ngân sách 2014 – 2015. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ riêng việc giảm thuế suất 25% xuống còn 20% sẽ khiến thu ngân sách năm 2014 giảm hơn 30.000 tỷ đồng. Con số này cộng với cả số giảm thu do bổ sung ưu đãi với đầu tư mở rộng khoảng hơn 2.000 tỷ đồng và số giảm thu do sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân (khoảng hơn 13.000 tỷ đồng) thì tổng số thu ngân sách sẽ giảm hơn 45.000 tỷ đồng” – ông Sỹ phân tích.
Phản biện lại quan điểm này, ThS. Bành Quốc Tuấn cho rằng thực tế đã chứng minh và sẽ khẳng định việc giảm thuế suất TNDN hiện nay xuống 20 – 23% sẽ không dẫn đến giảm số thu thuế TNDN. Ông Tuấn phân tích: Việc giảm thuế sẽ thu hút thêm được nhiều DN trong nước thành lập mới và DN FDI đầu tư vào Việt Nam; khuyến khích DN đang kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm doanh thu và thu nhập. Từ đây, diện nộp thuế và số thuế nộp đều có cơ hội tăng cao hơn. Ngoài ra, việc giảm mức thuế suất cũng trực tiếp góp phần làm công tác thu nộp thuế trở nên dễ chịu hơn, số vi phạm và số thuế gian lận, nợ đọng cũng vì thế mà có xu hướng giảm bớt, dẫn đến số thu vào NSNN có điều kiện tăng cao hơn.
Ở Việt Nam, từ khi ban hành Luật Thuế TNDN đến nay, thuế suất thuế TNDN liên tục được Bộ Tài chính và Chính phủ kiến nghị điều chỉnh theo hướng ngày một hạ thấp. Nếu như thuế suất thuế TNDN năm 1997 là 32% áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước và 25% áp dụng với các doanh nghiệp FDI thì đến năm 2003, thuế suất thuế TNDN đã được áp dụng thống nhất một mức là 28%. Đến năm 2008, mức thuế này tiếp tục được điều chỉnh giảm từ 28% xuống mức 25%, áp dụng thống nhất với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. |
Thanh Bình
—————–
Giao thông Vận tải 13-4-2013: