352. Phòng ngừa rủi ro từ chính sách

(DĐDN) – Từ những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khu vực, thế giới đã nhận ra sự thiếu vắng của giám sát an toàn vĩ mô, dẫn đến việc các rủi ro có thể đến từ rất nhiều hướng mà chúng ta chưa xem xét đến, trong đó có rủi ro đến từ ngay các chính sách mà các định chế tài chính phải tuân thủ. Cần giải pháp gì để hạn chế tình trạng này tại VN?

Phân định rành mạch

Ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Cần phải phân định rành mạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên chính trong mạng an toàn tài chính quốc gia, gồm NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi.

Có thể nói,  thời  gian qua hệ thống tài chính VN phát triển nhanh chóng, đóng góp hiệu qua vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, song hành với đó là nhiều rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống tài chính.

Khi kinh tế vĩ mô bất ổn, hệ thống tài chính đã bộc lộ rủi ro, yếu kém như chất lượng tài sản giảm sút nghiêm trọng, nợ xấu và tài sản xấu tăng mạnh, mất niềm tin giữa các định chế tài chính và với DN, tình trạng căng thẳng thanh khoản của không ít  các tổ chức tín dụng (TCTD),… dẫn đến những bất ổn hệ thống, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Hiện quy chuẩn an toàn đã bỏ ngỏ hiện tượng TCTD sử dụng vốn vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để đầu tư, cho vay các  DN trong nền kinh tế; tỉ lệ tiền gửi và vay trên thị trường liên ngân hàng chiếm tới tới 22,20% tổng tài sản và ở một số TCTD tỉ lệ này trên 40%.

Điều kiện cho vay dễ dãi cũng tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng “khẩu vị” đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; đồng thời nới lỏng các hoạt động mang bản chất tín dụng như đầu tư trái phiếu DN, tài sản có khác, mở rộng đối tượng cho vay có liên quan.

Trên thực tế, hệ thống GSTC chủ yếu tập trung vào giám sát an toàn vi mô, tức là giám sát rủi ro của từng định chế tài chính. Cho nên, chỉ có thể ngăn chặn bất ổn và duy trì sự lành mạnh tài chính của từng định chế, chứ không đảm bảo ngăn ngừa các rủi ro hệ thống tác động đến nền kinh tế.

Để nâng cao năng lực giám sát an toàn vĩ mô thị trường tài chính, cần phải phân định rành mạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên chính trong mạng an toàn tài chính quốc gia, gồm NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi VN …

Tăng cường đại biểu chuyên trách

Bà Trần Thị Quốc Khánh– Ủy viên Thường trực UB KHCN&MT của Quốc hội: Song song với cơ chế giám sát, phòng ngửa rủi ro cần phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tính thưc thi chính sách hiệu quả.

Thực tế, thời gian vừa qua có khá nhiều chính sách ban hành khó đi vào đời sống thậm chí còn tác động xấu đến đời sống xã hội gây thiệt hại cho các đối tượng phải thực hiện.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng trên chính là sự yếu kém của cơ quan soạn thảo, ban hành. Trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật các cơ quan có thẩm quyền phải tuân thủ theo quy trình, trong đó có đánh giá tác động của chính sách vào cuộc sống và phải thực hiện quy trình lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động.

Gần đây chúng ta nhắc nhiều đến việc giám sát an toàn vĩ mô và rõ ràng để hoạt động này thực sự mang lại hiệu quả thì vai trò của các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan trọng. Bởi Quốc hội với ba chức năng cơ bản là: lập hiến và lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Tuy nhiên, cần có cơ chế để cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực hiện được chức năng nhiệm vụ của mình. Hiện nay, đại biểu kiêm nhiệm chiếm số đông nhưng chỉ có khoảng 1/3 thời gian làm việc cho Quốc hội, còn lại phải làm việc chuyên môn. Các đại biểu chuyên trách, dù được tạo điều kiện nhưng khi  làm thì thiếu người giúp việc, ngay cả Phó chủ nhiệm nhiều khi cũng không có người giúp việc. Mới đây có cơ chế tạo điều kiện cho các Đại biểu thuê chuyên gia nhưng cũng khó triển khai vì cơ chế chưa rõ ràng.

Tôi cho rằng để nâng cao vai trò và hiệu quả giám sát cần tăng cường đội ngũ Đại biểu chuyên trách. Song song với cơ chế giám sát, phòng ngửa rủi ro cần phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát  để đảm bảo tính thưc thi chính sách hiệu quả.

Chính sách phải công khai minh bạch


LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI: Chỉ cần nhìn từ góc độ DNNN cũng có thể thấy, sự giám sát của các cơ quan đối với khu vực này còn yếu.

Giám sát an toàn vĩ mô có thể nhìn từ cơ chế giám sát của các cơ quan nhà nước với nhau. Ở nhiều quốc gia phát triển họ giám sát theo mô hình tam quyền phân lập và phát huy hiệu quả khá tốt. Ở VN, mô hình giám sát đã có nhiều thay đổi theo hướng tốt lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm khá trì trệ. Chỉ cần nhìn từ góc độ DNNN cũng có thể thấy, sự giám sát của các cơ quan đối với khu vực này còn yếu. DNNN hiện đang nhận được rất nhiều nguồn lực, nhiều ưu ái từ các cơ quan quản lý nhà nước cả trung ương và địa phương. Vậy mà, mô hình giám sát DNNN lại rất lỏng lẻo và thiếu chuyên nghiệp.

Nói tới giám sát an toàn vĩ mô thì không thể thiếu sự giám sát của cộng đồng, của các tổ chức dân sự. Muốn làm được việc này thì cách duy nhất là phải công khai và minh bạch. Từ các quyết sách lớn của đất nước đến cách phân bổ, chi tiêu ngân sách càng công khai minh bạch càng có sự giám sát và phản hồi tốt. Trong nhiều năm qua, một câu nói đã trở thành khẩu hiệu “dân biết, dần bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những nội dụng này cũng đã được triển khai nhưng còn hời hợt và hình thức. Kể cả khi rủi ro đã xảy ra thì do thiếu giám sát cộng đồng nên cách xử lý cũng bị động.

Một vấn đề không thể thiếu trong giám sát an toàn vĩ mô là cơ chế giám sát tài chính. Từ Ngân hàng trung ương đến các định chế tài chính hiện đang thiếu sự gắn kết. Ngân hàng trung ương có khá ít thông tin về các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại… Rất nhiều bất cập của hệ thống tín dụng cũng như các định chế tài chính nói chung đều là chuyện “biết rồi – khổ lắm – nói mãi”. Đôi khi Ngân hàng nhà nước cảnh báo và thậm chí ra các chế tài nhưng không thực thi được.

5 yêu cầu cốt lõi  

Ông Phạm Sĩ Danh – Thứ trưởng Bộ Tài Chính: Ba trụ cột được xem là quan trọng nhất đối với nền tài chính quốc gia là: giám sát tài chính công, giám sát tài chính DN và giám sát thị trường tài chính.

Trong giám sát an toàn vĩ mô, giám sát tài chính là một vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Trong đó, ba trụ cột được xem là quan trọng nhất đối với nền tài chính quốc gia là: giám sát tài chính công, giám sát tài chính DN và giám sát thị trường tài chính. Ba trụ cột này có mối quan hệ, tương tác lẫn nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Để đảm bảo việc giám sát có hiệu quả cần có sự quy tụ của 5 yêu cầu cốt lõi và cơ bản sau: Xây dựng được một khuôn khổ pháp lý cho giám sát tài chính vĩ mô đầy đủ, toàn diện; Đảm bảo có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, bộ, ngành liên quan trong thực hiện giám sát; Có sự hiện diện của một hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô bao quát được các nội dung và chủ thể cần giám sát; Hình thành được hệ thống dữ liệu thông tin phục vụ công tác giám sát tài chính vĩ mô thỏa mãn các tiêu chí: đẩy đủ, chính xác, kịp thời; Đảm bảo tính minh bạch, công khai trong việc thực hiện giám sát tài chính vĩ mô.

Tôi cho rằng, những hạn chế nói trên đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu, đánh giá toàn diện, đầy đủ về thực trạng giám sát tài chính hiện nay để trên cơ sở đó đề ra được các giải pháp nâng cao hiệu quả của giám sát tài chính. Cần đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng thực hiện giám sát tài chính vĩ mô ở VN thời gian qua; Làm rõ các xu thế công nghệ, kinh nghiệm các nước trong việc thực hiện đổi mới phương thức, cách thức giám sát tài chính; Các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác giám sát vĩ mô thời gian tới trên cả hai giác độ là giải pháp chính sách và giải pháp về công nghệ thông tin…

Các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác giám sát vĩ mô thời gian tới cần trên cả hai giác độ là giải pháp chính sách và giải pháp về công nghệ thông tin.

 

Phương Hà, Tuấn Anh,
Bá Tú, Phan Nam
 thực hiện

————————

Diễn đàn Doanh nghiệp 06-9-2013:

http://dddn.com.vn/toa-dam/phong-ngua-rui-ro-tu-chinh-sach-20130905120736143.htm

(410/1.822)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,517