355. Bình luận Dự thảo Nghị định Quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước & chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

(ANVI) Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, phát biểu tại Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp. 

   

1. Về nhận xét chung:

1.1. Nhiều quy định quá chặt và bất hợp lý của 2 Luật Chứng khoán và Doanh nghiệp thì đành phải chấp nhận, luật đành chịu. Việc phải thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng thì có phần nào là cần thiết. Tuy nhiên cần phải mở cửa việc phát hành riêng lẻ, vì đây là hoạt động đi vay và cho vay vốn của công ty, nhưng đồng thời cũng là một hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư, giống như việc cho phép tự do mua bán cổ phần khi thành lập và tăng vốn của các công ty.

1.2. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, pháp luật ngân hàng thì thắt chặt việc cấp tín dụng, trong đó có việc mua trái phiếu của doanh nghiệp; Bộ luật Hình sự thì trói quá chặt, không hợp lý việc cấm huy động vốn, trong đó có cả việc phát hành trái phiếu “nội bộ” công ty; Luật Chứng khoán 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã chót thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (nhất là 3 năm không có nợ quá hạn), thì Nghị định cần không nên trói chặt hơn nữa trong mọi trường hợp.

1.3. Cần rà soát lại, giảm thiểu điều kiện, yêu cầu, thủ tục mà luật không bắt buộc. Vấn đề mấu chốt cần tập trung là phải yêu cầu thông tin chính xác, công khai, minh bạch, còn rủi ro thì dành cho thị trường & nhà đầu tư quyết định. Khi nào lên sàn thì có thể yêu cầu thêm.

2. Về tên gọi Nghị định:

2.1. Tên gọi “Nghị dịnh Quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước & chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế” là quá dài. Đây cũng là tình trạng chung tên văn bản ngày càng dài ra trong những năm gần đây.

2.2. Nếu gọi tên cũ là “Nghị định Phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì lại thiếu các nội dung ngoài phát hành”. Tuy nhiên hoàn toàn có thể rút gọn thành “Nghị định về Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, bảo đảm ngắn gọn, khái quát và chính xác.

2.3. Lần sửa luật sau cần sửa trái phiếu doanh nghiệp thành trái phiếu công ty, cho cụ thể và chính xác hơn vì chỉ có 2 loại hình công ty được phát hành trái phiếu.

 3. Về “Điều 3. Áp dụng quy định của pháp luật liên quan”:

Khoản 3 quy định: “Đối với doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc tuân thủ theo quy định của Nghị định này, phải tuân thủ quy định về giới hạn huy động vốn, thẩm quyền huy động vốn, mục đích huy động vốn…”. Mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2020 sửa khái niệm “doanh nghiệp nhà nước”, tuy nhiên, doanh nghiệp dưới 100% vốn nhà nước thì vẫn cơ bản hoạt động như cũ theo quy định đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Vì vậy, các quy định đề cập đến “doanh nghiệp nhà nước” trước đây cần phải sửa thành “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” cho cụ thể và chính xác hơn.

4. Về “Điều 4. Giải thích thuật ngữ”:

Tất cả các đạo luật, như Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đều sử dụng cụm từ “Giải thích từ ngữ” (Điều 4), chứ không sử dụng cụm từ “giải thích thuật ngữ” như quy định trong một số nghị định, thông tư. Vì vậy, nên thống nhất sử dụng tên điều này là cụm từ “Giải thích thuật ngữ” như các đạo luật.

5. Về “Điều 6. Điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu”:

Điểm c, khoản 6 quy định “Lãi suát trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành ngoài việc tuân thủ quy định tại Nghị định này phải phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định cụ thể về mức lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng từ năm 1996 và cũng chưa bao giờ có quy định về lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, mà chỉ có quy định trần lãi suất huy động trong một số trường hợp, hiện nay là lãi suất huy động dưới 6 tháng, trong khi trái phiếu luôn là huy động trung, dài hạn. Vì vậy, không nên quy định nội dung này và trong trường hợp có xảy ra thì đương nhiên các tổ chức tín dụng sẽ phải tuân thủ.

6. Về “Điều 8. Nhà đầu tư mua trái phiếu”:

6.1. Điểm b, khoản 1 quy định: “trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải bảo đảm dưới 100 nhà đầu tư”. Đề nghị xem lại việc hạn chế dưới 100 “nhà đầu tư chiến lược”, vì là điều không cần thiết và không thể xảy ra trên thực tế.

6.2. Điểm a, khoản 2 quy định một trách nhiệm đầu tiên của Nhà đầu tư mua trái phiếu là “Tiếp cận đây đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành”. Đây cần được xác định là nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành và là quyền, chứ không phải alf trách nhiệm (nghĩa vụ) của nhà đầu tư.

6.3. Khoản 3 quy định “quyên lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu”. Nên sửa “quyền lợi” thành “quyền” cho phù hợp hơn, nhất là quyền “cho, tặng, để lại thừa kế” (không phải quyền thừa kế) thì nhiều khi không phải là “lợi”.

7. Về “Điều 10. Điều kiện chào bán trái phiếu thành nhiều đợt”:

7.1. Khoản 2 quy định: “thực hiện tối đa không quá mười hai tháng (12 tháng)”. Cần bỏ một trong 2 từ “tối đa” hoặc “không quá”, vì cùng nghĩa và hợp lý nhất là thay bằng “trong thời hạn” như đã viết nhiều lần trong Dự thảo.

7.2. Nên viết “12 (mười hai) tháng” thay cho “mười hai tháng (12 tháng)” hoặc chỉ cần viết số (tương tự với các chỗ khác). Ngay điểm c, khoản 1, Điều 11 của Dự thảo cũng viết “trong thời hạn 90 ngày”.

8. Về “Điều 11. Quy trình chào bán chứng khoán”:

8.1. Điểm b, khoản 2, Điều 11 cần sửa “trong vòng 07 ngày làm việc” thành “trong thời hạn…”.

8.2. Điểm c, khoản 2 và rất nhiều chỗ khác cần bỏ viết hoa từ “khoản”, cho thống nhất với quy định tại Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 và Nghị định số 30/2020/NĐ-CP.

9. Về “Điều 16. Giao dịch trái phiếu”:

Khoản 1 quy định “Trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật”. Đây là điều hạn chế vượt luật và không cần thiết, đề nghị bỏ.

(Mới đọc đến đây)

Hà Nội 05-10-2020

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,665