359. Người dùng “hớ hênh”, dễ bị lợi dụng

(TBNH) – Sự hớ hênh của khách hàng và việc lạm dụng ưu điểm của thẻ tín dụng để trục lợi từ người cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Nhiều vụ việc nhỏ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng, song cũng là bài học cảnh giác cho người sử dụng thẻ tín dụng.

Việc giao dịch, mua bán bằng thẻ tín dụng đang trở nên phổ biến trong đời sống, mang lại nhiều tiện ích trong mua sắm, tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện ngày càng nhiều khách hàng sử dụng loại thẻ này than phiền về việc bị mất tiền oan, mà lý do là chính sự hớ hênh của khách hàng và việc lạm dụng ưu điểm của thẻ tín dụng để trục lợi từ người cung cấp sản phẩm, dịch vụ.


Cẩn trọng khi thanh toán bằng thẻ tín dụng

Nhiều vụ việc nhỏ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng, song cũng là bài học cảnh giác cho người sử dụng thẻ tín dụng.

Khách chưa đồng ý vẫn tự chuyển tiền

Đơn cử như trường hợp chị H.A (Hà Nội) mới đây đã phản ánh về việc nhân viên bán hàng của Công ty Club Hotel gọi điện mời đăng ký thẻ thành viên với mức phí 3,8 triệu đồng/năm. Với thẻ thành viên này, chị H.A có thể nhận nhiều ưu đãi giảm giá, khuyến mãi khi đặt phòng hoặc sử dụng dịch vụ tại nhiều khách sạn là thành viên nằm trong chuỗi của công ty này.

Dù từ chối đăng ký ngay lập tức do chưa có nhu cầu, nhưng chị H.A vẫn đồng ý cân nhắc về việc sử dụng dịch vụ này sau khi nhân viên bán hàng thuyết phục rằng, chỉ khi nào sao kê thanh toán của ngân hàng gửi về, khách hàng ký thì mới chính thức đăng ký thành viên.

Tin tưởng phía công ty phát hành thẻ, nên dù chỉ giao dịch qua điện thoại, chị H.A đã đồng ý đọc số tài khoản của mình với suy nghĩ vẫn còn thời gian cân nhắc, hơn nữa dù có số tài khoản thì khi chưa được sự đồng ý của chị, phía công ty cũng không thể tự ý trừ tiền.

Tuy nhiên đến cuối tháng, khi nhận được thẻ thành viên cùng hóa đơn thanh toán (của ngân hàng VietinBank) từ Công ty Club Hotel thì chị mới biết nhân viên bán hàng đã tự ý sử dụng số tài khoản của chị để chuyển số tiền 3,8 triệu đồng sang tài khoản công ty, tự ý đăng ký thành viên trong khi chị H.A vẫn chưa đồng ý sử dụng dịch vụ.

Chị H.A cũng cho biết, chị chỉ cung cấp số tài khoản, ngoài ra không cung cấp mật khẩu, không đến công ty “cà” thẻ, không ký bất kỳ giấy tờ nào. Khi thắc mắc, chị được giải thích rằng công ty và ngân hàng đã có thỏa thuận thanh toán và chỉ cần số tài khoản của khách hàng là công ty có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền như vậy. Khi chị H.A phản đối bằng việc yêu cầu hủy thẻ, công ty này cho biết phải mất phí 40 USD.

Dù nhìn nhận đây là giao dịch kinh doanh, thương mại hoàn toàn bình thường và hợp pháp, đúng với chức năng, điều kiện của mỗi bên, nhưng theo LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, khi đi vào nội dung hợp tác cụ thể thì có thể xuất hiện những thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, song cũng gây bất lợi cho khách hàng xét theo một khía cạnh nào đó.

Ông Đức cho rằng, nếu làm đúng nguyên tắc giao dịch, thì trong mọi trường hợp, sự đồng ý của khách hàng luôn là yếu tố quyết định quan trọng nhất, kể cả việc bảo mật thông tin cho khách hàng. Về pháp lý, các bên phải lấy được chữ ký của khách hàng chấp nhận những điều kiện tham gia các giao dịch đó. Nếu khách hàng mới chỉ ngỏ ý quan tâm, chưa thể hiện rõ ý chí giao kết hợp đồng, thì các giao dịch đó là sai pháp luật và thỏa thuận.

Cần phạt nặng hành vi xâm phạm thông tin khách hàng

Trong trường hợp cụ thể nói trên, kẽ hở là khách hàng không được bảo lưu quan điểm, mà đã đồng ý với một giao dịch, thì thường phải chấp nhận cả gói điều kiện mở rộng liên quan, mà theo đó thì phần lợi ích thường do người đưa ra “luật chơi” quyết định.

Hiện, các quy định về bảo vệ người tiêu dùng tuy đã có nhưng vẫn rất yếu. Từ Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cho đến Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đều quy định về trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của khách hàng.

Riêng trong ngành Ngân hàng, hành vi vi phạm bí mật thông tin của khách hàng sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng”. Tuy nhiên, trên thực tế mới phát hiện và xử lý được rất ít vi phạm, do vậy thông tin của khách hàng dường như bị lạm dụng khai thác và thậm chí là bị mua bán trôi nổi.

Do đó, ông Đức đề xuất phải bổ sung loại tội phạm lạm dụng, xâm phạm bí mật tài khoản, bí mật thông tin khách hàng vào Bộ luật Hình sự để có chế tài xử lý nghiêm khắc, tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn đối với người dùng thẻ, khi đã sử dụng thẻ ngân hàng nói chung thì cần hết sức thận trọng với việc giữ gìn thẻ và mật khẩu, đặc biệt là thẻ tín dụng – có thể sử dụng mà không cần đến mật khẩu. Người sử dụng thẻ cũng cần tìm hiểu kỹ điều kiện và cách thức sử dụng thẻ để tránh nhầm lẫn, sai sót, sơ hở mất tiền oan.

Chủ thẻ cũng rất cần đăng ký dịch vụ nhắn tin qua điện thoại di động để tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin sử dụng thẻ, như khóa thẻ nghi ngờ bị lạm dụng. Đồng thời cần lưu số điện thoại hỗ trợ khách hàng để phản ánh, khiếu nại ngay sau khi xảy ra sự cố bất thường.

Hương Lan

—————-

Thời báo Ngân hàng 20-9-2013:

http://thoibaonganhang.vn/index.php/tin-tuc/11-nguoi-dung-ho-henh–de-bi-loi-dung-12081.html

(563/1.121)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,575