3593. Vi phạm công bố thông tin nhìn từ các đại án

Vi phạm công bố thông tin nhìn từ các đại án

(NĐT) – Các vụ án hình sự trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây là hồi chuông cảnh báo vấn đề nâng cao tính minh bạch, công khai với thông tin của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vi phạm công bố thông tin nhìn từ các đại án

Vi phạm công bố thông tin trên TTCK vẫn phức tạp. Ảnh: Internet.

Theo số liệu được UBCKNN công bố, căn cứ kết quả giám sát thường xuyên và thanh kiểm tra, đã có tổng cộng 495 tổ chức, cá nhân vi phạm chịu xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 39 tỷ đồng trong năm 2022. Theo thống kê của Tạp chí Nhà đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán cũng đã ra gần 100 quyết định xử phạt với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Phân tích các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán cho thấy, vi phạm tập trung chủ yếu ở việc công bố thông tin không đúng sự thật, không đúng thời hạn, đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ.

“Minh bạch” trở thành từ khoá trong xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán mà cơ quan quản lý hướng tới. Tuy nhiên, để phát hiện, xử lý các sai phạm trong công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là không đơn giản vì các hành vi vi phạm muôn hình vạn trạng, ngày càng tinh vi và thường khi được phát hiệu đã gây ra những hậu quả ít nhiều cho nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh thị trường, kéo theo đó là sự trượt dài của thị trường.

Có thể nói, vụ việc đầu tiên, gây chấn động thị trường là vụ án liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Cụ thể, ngày 29/3/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết về hành vi phạm tội “Thao túng thị trường chứng khoán” gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bộ Công an cho biết, từ ngày 1/9/2016 – 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo người thân liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng để thành lập 20 công ty. Các bị can còn mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân để mở 450 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán; trong đó, có 120 tài khoản mở tại Công ty Chứng khoán BOS, 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác. Sau nhiều vòng mua bán, giá cổ phiếu FLC được đẩy lên cao. Tiếp đó, ông Quyết chỉ đạo các bị can và một số người khác đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu, tương đương 1.689 tỷ đồng, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch.Việc làm của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thu lợi bất chính ban đầu 975 tỷ đồng. Bộ Công an đã tiếp nhận hơn 550 đơn tố cáo hành vi thao túng thị trường của Trịnh Văn Quyết.

Thực tế, những sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết chỉ thực sự được chú ý và dấy lên làn sóng dư luận về vấn đề công khai, minh bạch thông tin sau khi ông này “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin trước khi giao dịch. Đây cũng là lần đầu tiên, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) áp dụng hình thức xử lý huỷ bỏ giao dịch bán số cổ phiếu trên, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Ngay sau đó là những chuỗi ngày nằm sàn của các cổ phiếu mang “họ” FLC.

Sau vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết, ngày 20/4, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt, Công ty cổ phần Louis Holdings và ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cùng thời điểm này có vụ việc tại nhóm cổ phiếu APEC bị đưa ra xử ý. Theo đó, vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng ông Phạm Duy Hưng đã chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 40 tài khoản làm giá cổ phiếu “họ” APEC (APS, API và IDJ) và thu lời bất chính hơn 157 tỷ đồng.

Sai phạm của 3 “đại án” nêu trên đều có chung mánh khoé là lập fanpage trên Facebook hô hào và thu hút được sự chú ý của số lượng lớn nhà đầu tư, sau đó, cổ phiếu liên tục có các phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh lớn và lập đỉnh, tăng nhiều chục đến hàng nghìn lần như cổ phiếu TGG của Đầu tư và xây dựng Trường Giang đã được nhóm ông Nhân thổi giá lên mức 74.800 đồng vào tháng 9/2021, tăng 6.000% so với thị giá 1.200 đồng hồi đầu năm. Ngay sau khi thiết lập vùng giá đỉnh là các phiên sàn liên tục do mất thanh khoản, trắng bên mua hoặc khối lượng giao dịch mua bán rất ít. Thực tế, các bị cáo trong cùng nhóm đã lập rất nhiều tài khoản để mua bán chéo lẫn nhau nhằm thao túng tạo cung cầu giả, dẫn đến nhiều nhà đầu tư hiểu lầm và tham gia mua bán. Khi đạt mức giá mong muốn, các tài khoản này bán hết cổ phiếu ra, thu lợi bất chính từ nhà đầu tư.

Mới đây, vào cuối tháng 8 cũng có vụ việc ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT LDG, bị phạt sau khi bán 2,6 triệu cổ phiếu mà không báo cáo. Ngoài ra, ông cũng bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn 4 tháng.

Tình trạng chủ doanh nghiệp “bán chui” cổ phiếu hay thao túng giá chứng khoán là không hiếm. Tuy nhiên, điều này gây ảnh hưởng rất lớn trước hết tới cổ phiếu của chính doanh nghiệp đó, quyền lợi của nhà đầu tư, sau đó là niềm tin trên thị trường chứng khoán.

Tăng mức phạt, mở rộng phạm vi đối tượng theo dõi, xử phạt

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khi nói về các đại án trên thị trường chứng khoán cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm phải xử lý rất nặng, nhằm hướng tới xây dựng được một thị trường minh bạch. Doanh nghiệp nào tốt, doanh nghiệp nào xấu phải được thể hiện rõ, đúng để nhà đầu tư có được thông tin và dựa trên cơ sở đó, ra được quyết định đầu tư.

Không chỉ tăng mức phạt, với đặc thù thị trường có đến 80-90% là nhà đầu tư cá nhân, việc tăng khả năng giám sát, thường xuyên cập nhật, bổ sung các hành vi được coi là vi phạm trong công bố thông tin, ảnh hưởng bất lợi tới quyết định đầu tư của nhà đầu tư cũng cần được cơ quan quản lý nhận diện.

Thực tế, nhiều trường hợp dù không nằm trong phạm vi xử lý sai phạm theo quy định về công bố thông tin như: Kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính trước kiểm toán sai lệch so với báo cáo kiểm toán; lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người nhà công bố mua cổ phiếu của doanh nghiệp nhưng không mua hoặc mua không đúng số lượng đăng ký; hoặc doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh rất cao nhưng khi báo cáo kết quả kinh doanh lại không đạt… hiện mới nằm trong diện “nhắc nhở” của UBCKNN thay vì những chế tài xử phạt tương xứng với tác động có nó lên thị trường và thiệt hại của các nhà đầu tư.

Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công bố thông tin, quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung về công bố thông tin trên TTCK trong các văn bản pháp luật, cần nâng cao khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng về công bố thông tin; mở rộng các hành vi, đối tượng bị xử lý, thì một đề xuất cũng đang lưu ý là cần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động quản lý để phát hiện các vi phạm từ sớm, từ xa, cảnh báo cho các nhà đầu tư tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của thành viên thị trường về nâng hạng TTCK Việt Nam, đề xuất giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường, ngày 10/10/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, Ban Kinh tế TW, Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán, các thành viên thị trường.

—————

Nhà đầu tư (Tài chính) ngày 06-10-2023:

https://nhadautu.vn/news/80368.amp

(75/1.689) #ANVI

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,383