360. Bình luận về Hoạt động từ thiện đúng nghĩa không hề đơn giản.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân từ tháng 5, nhưng dừng đăng do tình hình sau đó có biến chuyển.

 

Thưa Luật sư, hẳn ông cũng đã biết về những “lùm xùm” trong nhiều hoạt động quyên góp thiện nguyện thời gian qua, liên quan đến những khoản tiền đóng góp khá lớn không được sử dụng kịp thời, đúng mục đích. Ông có bình luận gì?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Hoạt động đóng góp từ thiện là quan hệ dân sự trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự giác, chia sẻ, giúp đỡ, thể hiện tình người, tấm lòng trắc ẩn giữa người với người. Tuy nhiên, nếu ai đó đứng ra làm đầu mối nhận tiền, nhận quà từ thiện mà không làm đúng cam kết, mục đích và kịp thời với bên trao tặng thì cũng là hành vi bội ước, hay ít nhất là sút giảm lòng tin của những người từ tâm, thiện ý.

Vụ việc nghệ sĩ Hoài Linh “ngâm” tiền từ thiện là rất “mất điểm”, vì đã quá chậm trễ trong việc phân phối khoản tiền từ thiện sau khi tiếp nhận. Tuy nhiên, xét về pháp luật thì anh ấy lại không hề vi phạm. Cho đến nay, việc vận động, tiếp nhận và phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện vẫn được thực hiện theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 của Chính phủ. Nhưng Nghị định này chỉ áp dụng đối với các tổ chức, không đề cập đến việc cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện.

Có lẽ khi xây dựng văn bản pháp quy này, người ta vẫn cho rằng việc cá nhân huy động từ thiện chỉ là quan hệ xã hội, dân sự tự phát và nhỏ lẻ, chứ không tính đến tình huống những cá nhân có thể kêu gọi đóng góp được hàng chục, thậm chí hằng trăm tỷ đồng của hàng vạn người đã diễn ra. Vì vậy, hiện nay ai cũng có thể huy động tiền từ thiện giá trị lớn và có thể tùy ý phân phối, sử dụng nếu không trái với mục đích đã cam kết. Do đó, Hoài Linh hoặc bất cứ cá nhân nào có thể giữ tiền từ thiện 6 tháng hay 6 năm vẫn không vi phạm pháp luật, mà chỉ chịu sự phán xét của người hâm mộ, các mạnh thường quân đã gửi gắm và dư luận.

Tất nhiên trong quá trình một cá nhân tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện, nếu xảy ra hành vi gian dối, lợi dụng tư lợi, thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí là tội hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này, nếu toàn bộ số tiền từ thiện vẫn còn nguyên, thì cũng chưa nên đặt ra vấn đề gì về pháp luật.

* Phải chăng đây chính là một trường hợp mà luật pháp đã trở nên lạc hậu so với thực tế cuộc sống, từ đó tạo ra những kẽ hở khó chấp nhận?

Pháp luật thì thường có độ trễ và đi sau cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề cá nhân đứng ra quyên góp số tiền từ thiện rất lớn không phải là chuyện mới, mà đã phát sinh ít nhất từ hơn 4 năm trước qua vụ việc MC Phan Anh. Như vậy là các cơ quan làm chính sách đã phản ứng quá chậm, dẫn đến sự tranh cãi, phức tạp không đáng có, ảnh hưởng đến hoạt động thiện nguyện.

Tuy nhiên, trong việc này, điều quan trọng nhất cũng không phải dựa vào pháp luật, mà là cần phải hình thành được các tổ chức làm từ thiện chuyên nghiệp, bài bản, uy tín thì tự khắc sẽ không dồn gánh nặng và sức ép cho cá nhân. Pháp luật chỉ có thể bắt buộc phải làm gì trong trường hợp mua bán, trao đổi, huy động vốn hay kêu gọi từ thiện của pháp nhân, tổ chức, chứ cũng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động thiện nguyện gắn liền với từng con người. Vì vậy, không thể cấm, mà chỉ có thể đặt ra một vài nguyên tắc cơ bản về việc công khai, minh bạch đối với cá nhân đảm nhận đầu mối tiếp nhận từ thiện.

* Từ thực tế hoạt động của mình, quý vị có thể cho biết những bất cập, vướng mắc khi triển khai các chương trình quyên góp, thiện nguyện; từ đó có những đề xuất, kiến nghị giải pháp như thế nào? Thiết nghĩ riêng với hoạt động thiện nguyện thì bên cạnh yêu cầu quản lý, việc làm sao để thúc đẩy, khuyến khích, tạo động lực cho các nhà hảo tâm cũng đóng vai trò rất quan trọng?

Hoạt động từ thiện nếu diễn ra nhỏ lẻ và trực tiếp giữa người tặng cho và người nhận thì hoàn toàn không có vấn đề gì đáng ngại. Nhưng nếu xảy ra với số lượng nhiều, giá trị lớn, phạm vi rộng, thời gian dài, có nhiều người tham gia tặng cho và tiếp nhận, nhất là thông qua tổ chức, cá nhân trung gian và trong các tình thế cấp bách, thì rất cần phải có vai trò điều phối, sắp xếp và giám sát. Vì trong trường hợp đó, thì dễ xảy ra nhiều hệ lụy như mất công bằng, chỗ thừa, chỗ thiếu, không kịp thời, hợp lý và đặc biệt là dễ bị lợi dụng, thất thoát, làm mất đi ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của việc làm từ thiện.

Để hoạt động từ thiện đúng nghĩa và thực sự tốt đẹp thì liên quan đến 5 khía cạnh sau: Thứ nhất, là người được thụ hưởng từ thiện thì gần như hoàn toàn thụ động, nên không có ảnh hưởng gì đáng kể, ngoại trừ sự vui vẻ, nhẹ nhàng đón nhận;

Thứ hai, là người có tấm lòng từ thiện thì cần cân nhắc tặng cho cái gì và qua kênh nào để đồng tiền, vật phẩm của mình có ý nghĩa nhất, đến được với người thật sự cần sự giúp đỡ;

Thứ ba, là người làm đầu mối từ thiện, thì là việc rất khó, nên cần lượng sức để có thể hoàn thành trọng trách, tránh làm tổn thương đến cả những người tặng cho và người tiếp nhận; tránh làm ơn lại mắc oán;

Thứ tư, những người có trách nhiệm của chính quyền và cơ quan, đoàn thể các cấp cũng cần hết sức quan tâm trong việc hỗ trợ, điều phối tạo điều kiện để phát huy hiệu quả mọi kênh hoạt động thiện nguyện;

Và cuối cùng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để một mặt vẫn khơi gợi, khuyến khích hoạt động từ thiện, nhưng đồng thời cũng phải ngăn ngừa, hạn chế mặt trái có thể xảy ra./.

 

 

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,674