(TTT) – Cơ sở nào để xác định là nợ xấu được mua theo giá thị trường trong khi chỉ có một người mua duy nhất?
Góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý nợ xấu (VAMC), ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Ban pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, theo Dự thảo Thông tư về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thì một trong những điều kiện để VAMC mua nợ là khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản; trong đó, không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai.
Góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý nợ xấu (VAMC)
“Điều đó đồng nghĩa với việc VAMC chỉ mua những khoản nợ tốt, có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, điều mà các ngân hàng cần nhất là giải quyết những khoản nợ xấu thực sự thì có vẻ đang tắc, bởi các khoản nợ xấu thật này, nếu không đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì không thể bán được cho VAMC” – Ông Đức nói.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho rằng, quy định này sẽ khiến Agribank khó lòng bán nợ xấu cho VAMC.
Theo vị đại diện này, tại ngân hàng Agribank các khoản vay có tài sản đảm bảo có trên 65% thường chỉ có ở các đơn vị kinh doanh bất động sản. Còn với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, họ có đầu tư bất động sản nhưng thường rất tiết kiệm, họ có thể thuê đất nên kết cấu lượng tiền nằm trong tài sản đảm bảo đó là rất nhỏ. Chủ yếu họ đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, dây chuyền thiết bị…
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó phòng công nợ Vietcombank cho biết, theo thống kê tại Vietcombank tỷ lệ này chỉ khoảng 50 – 60% vì thế dự thảo đưa ra tỷ lệ 65% là không khả thi.
Bà Oanh kiến nghị, NHNN nên xem xét tỷ lệ không dưới 40% để các tổ chức tín dụng bán được nợ cho VAMC nhiều hơn.
Không nêu ra tỷ lệ cụ thể, nhưng đại diện Agribank cũng cho rằng, quy định về 65% tài sản đảm bảo là bất động sản là không có tính thực tế nên giảm tỷ lệ này xuống để các ngân hàng có thể xử lý được nợ xấu.
Nợ xấu khó xác định thế nào là giá thị trường
Ông Vũ Hữu Bình – Phó phòng quản lý nợ Vietinbank cho rằng, có quá nhiều biện pháp hành chính trong Dự thảo Thông tư VAMC. Xử lý nợ xấu mang tầm vĩ mô nhưng trong Dự thảo có những biện pháp can thiệp quá sâu vào hoạt động của các TCTD.
“NHNN buộc các TCTD phải bán nợ. Cơ quan thanh tra, giám sát sẽ thẩm định quá trình mua theo giá thị trường” – Ông Bình lấy ví dụ.
Ông Trương Thanh Đức thì thẳng thắn đặt câu hỏi: Cơ sở nào để xác định là nợ xấu được mua theo giá thị trường trong khi chỉ có một người mua duy nhất?
“Chắc chắn việc mua bán nợ xấu là không có thị trường” – Ông Đức nói.
Ông Đức lấy dẫn chứng, “Có khoản nợ mà ngân hàng đưa ra giá là 70% cho công ty mua bán nợ và tài sản (Bộ Tài chính) mua. Nhưng công ty này chỉ trả 40% và sau nhiều lần thương lượng thì khoản nợ không thể bán được”.
“Nợ xấu sẽ khó có thể xử lý được một cách rốt ráo. Vì ngân hàng cũng chả muốn bán rẻ khoản nợ, còn công ty Quản lý tài sản sẽ không mua nếu thấy rủi ro” – Ông Đức kết luận.
Chỉ mua nợ cá nhân trên 1 tỷ và tổ chức trên 3 tỷ
Theo Dự thảo của Thông tư, VAMC chỉ mua những khoản nợ từ 1 tỷ đồng trở lên với cá nhân, từ 3 tỷ đồng trở lên với tổ chức, ông Bùi Minh Khải – Giám đốc Ban Pháp chế của BIDV cho rằng là bất hợp lý.
Ông Khải nêu tình hình cụ thể ở ngân hàng Agribank hiện nay chủ yếu là cho vay hộ cá nhân, hộ sản xuất. Vì thế, nếu qui định thế này thì Agribank cũng không thể giải quyết nợ xấu từ khoản vay sản xuất kinh doanh.
Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, mục tiêu chính của VAMC là giúp xử lý nhanh nợ xấu đồng thời tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho các khách hàng trong nền kinh tế.
Thời gian đầu, VAMC dự định chỉ xử lý các khoản nợ lớn từ 1 – 3 tỷ đồng để tạo điều kiện đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Đến thời điểm phù hợp, VAMC sẽ mở rộng phạm vi xử lý các khoản nợ nhỏ hơn.
Hiệp hội ngân hàng cũng đề nghị các ngân hàng tính toán để biết tỷ lệ nợ xấu được xử lý là bao nhiêu nếu VAMC mua nợ dưới 1 tỷ đồng.
Theo nhiều hội viên trong Hiệp hội Ngân hàng, điều kiện trong Nghị định 53 và hướng dẫn trong Thông tư là khá chặt chẽ. Cứ với đà này thì khó đạt mục tiêu mà các TCTD có thể bán được nợ cho VAMC, trong khi mục tiêu chúng ta đề ra rất rõ ràng là làm thế nào để dễ chuyển giao, dễ bán để giảm nợ xấu và mọi chỉ số sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, một số câu hỏi đã được đặt ra như: Nếu cơ cấu nợ không hiệu quả, trách nhiệm sau mấy năm của VAMC như thế nào?
Khánh Linh
—————-
Trí thức trẻ 27-6-2013:
http://nguyentandung.org/cac-to-chuc-tin-dung-noi-gi-ve-cong-ty-quan-ly-no-xau-vamc.html