(ĐT) – Những khoản nợ đầu tiên của 4 ngân hàng thuộc diện bắt buộc bán nợ xấu đang được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xem xét mua lại. Các bên đang ráo riết lọc nợ đủ chuẩn.
Dư dả nguồn hàng để “lọc”
Đúng như tuyên bố trước đó của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong năm 2013, VAMC chưa tiến hành mua nợ theo giá trị thị trường, mà chủ yếu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Dự kiến, từ nay đến hết năm, VAMC sẽ phát hành 35.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ.
Trong năm 2013, VAMC chưa tiến hành mua nợ theo giá trị thị trường, mà chủ yếu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (ảnh minh họa) |
Nguồn tin từ VAMC cho biết, số trái phiếu này sẽ được chia thành 2 – 3 đợt.
Theo đó, đợt đầu tiên (từ ngày 21/9 đến 30/10), VAMC sẽ phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ của 4 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, gồm: Navibank, SCB, Agribank và SHB.
Việc VAMC dự kiến mua nợ của 4 ngân hàng trên không gây nhiều bất ngờ.
Đây là những ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu cao, thuộc diện bắt buộc phải bán nợ và đã từng úp mở ý định bán nợ cho VAMC.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Đúng là SHB đang chuẩn bị bán nợ cho VAMC. SHB đã cung cấp danh sách các khoản nợ muốn bán cho VAMC. Tuy nhiên, sau khi hai bên rà soát xem các khoản nợ nào đáp ứng đầy đủ điều kiện bán cho VAMC, thì mới chốt và công bố được số lượng nợ bán cho VAMC”.
Tương tự, một lãnh đạo của Navibank cũng cho biết, ngân hàng này mong muốn bán nợ cho VAMC và lên danh sách từ sớm. Tuy nhiên, việc bán được bao nhiêu nợ còn tùy thuộc vào kết quả thẩm định của VAMC.
Dù các ngân hàng chưa công bố số lượng nợ xấu cụ thể muốn bán cho VAMC, song một nguồn tin khẳng định, số lượng nợ xấu mà các ngân hàng muốn bán cho VAMC trong đợt 1 chắc chắn sẽ vượt mức 10.000 tỷ đồng, bởi riêng số nợ mà Agribank muốn bán cho VAMC có thể đã lên tới 10.000 tỷ đồng. Do đó, không lo ngại việc VAMC không có “hàng” để mua. Cũng chính vì vậy, trong đợt 1 này, VAMC sẽ lựa chọn các khoản nợ một cách cẩn thận.
Được biết, dù VAMC đã lên kế hoạch mua nợ của 4 ngân hàng đầu tiên, song trong tuần này, VAMC và các ngân hàng bán nợ đang ráo riết lọc nợ đủ chuẩn. Như vậy, phải đến tuần sau, những khoản nợ đầu tiên mới được bán cho VAMC.
Không dễ chây ỳ với VAMC
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, dù NHNN quy định các ngân hàng thương mại có nợ xấu trên 3% sẽ phải bán nợ cho VAMC, song thực tế, sẽ có nhiều ngân hàng trốn bán nợ cho VAMC vì sợ lộ sân sau.
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đúng là có thực trạng trên, nhưng kỷ luật của NHNN đối với mua bán nợ rất nghiêm khắc. Do đó, các ngân hàng thương mại nếu có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ không dễ trốn tránh việc bán nợ đủ chuẩn cho VAMC.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại chưa hiểu rõ về VAMC, nên đắn đo là đương nhiên. Một khi việc mua bán những khoản nợ đầu tiên thành công, các ngân hàng khác sẽ mạnh dạn hơn trong việc bán nợ cho VAMC.
Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho biết, họ đang chờ đợi việc mua nợ chính thức diễn ra trên thực tế, rút kinh nghiệm từ các ngân hàng bạn, rồi mới bán nợ cho VAMC.
Ở một khía cạnh khác, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI nhận định, với cơ chế hành chính hiện nay, VAMC không sợ thiếu hàng để mua. Tuy nhiên, việc xử lý nợ sau khi mua vẫn chưa có triển vọng rõ ràng.
“Tôi e rằng, mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt cũng giống như xử lý nợ xấu bằng kỹ thuật, tức chỉ chuyển từ kho này sang kho khác, chứ không xử lý được tận gốc. Trong khi đó, hy vọng lớn nhất để xử lý triệt để nợ xấu là bán đấu giá cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thì xem ra rất khó thực hiện”, luật sư Đức cảnh báo.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả hoạt động của VAMC, song các chuyên gia tán thành quan điểm cho rằng, trong năm nay, VAMC có thể mua thành công 30.000 – 35.000 tỷ đồng nợ xấu.
Thùy Liên
————–
Đầu tư 25-9-2013:
http://baodautu.vn/news/vn/ngan-hang/ngan-hang/hoi-ha-loc-no-ban-cho-vamc.html
(125/873)