(DĐDN) – Sau NĐ 53/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước quy định mua, bán, xử lý nợ xấu và Thông tư 20/2013/TT- NHNN quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý để VAMC xử lý nợ xấu triệt để hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thị trường nợ xấu thực sự hoạt động hiệu quả thì cần một chất xúc tác mới, đó là sự tham gia của các NĐT nước ngoài. Quan điểm của các DN và chuyên gia về vấn đề này.
“Rau” trong chợ để lâu sẽ héo dần
Ông John M. Sheehan – Giám đốc Khu vực Đông Nam Á – Tập đoàn quản lý tài sản độc lập Capital Service: Nếu VN sớm mở cửa cho các NĐT nước ngoài cạnh tranh mua nợ, thì nợ xấu không chỉ được xử lý nhanh hơn, mà còn “được giá” hơn. |
Trước hết, tôi muốn nói với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, VAMC khó có đủ tiền để xử lý nợ xấu, mà rất cần đến vốn nước ngoài. Trong khi đó, VN lại là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nên nợ xấu của VN cũng được nhiều NĐT quan tâm. Vì vậy, để thu hút NĐT ngoại tham gia mua nợ xấu, VN cần xây dựng một cơ sở hạ tầng mua nợ xấu tốt nhất cho NĐT, bao gồm lập pháp, định chế, tài chính… Giải quyết được vấn đề này thì nợ xấu của VN sẽ thu hút mạnh các NĐT ngoại. Hiện nay, quy định của VN, trong đó có vấn đề sở hữu tài sản và tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu, là những rào cản lớn. Trên thế giới, việc kêu gọi NĐT ngoại xử lý nợ xấu đã được nhiều nước thực hiện. Chẳng hạn, năm 1998, Thái Lan đã cho phép NĐT nước ngoài sở hữu nhà ở liên quan đến những khoản nợ xấu họ mua. Năm 2002, Philippines cũng thay đổi luật thuế đánh vào NĐT nước ngoài để thu hút nhiều hơn vốn FDI vào xử lý nợ xấu…
Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, việc giải quyết nợ xấu càng sớm thì chi phí giải quyết càng đỡ đắt đỏ. Ví dụ như trường hợp Thái Lan với sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã tích cực xử lý nợ xấu sớm và giúp hệ thống ngân hàng nước này vượt qua khủng hoảng nhanh hơn Philippines tới 4 năm. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường đi xuống, ngân hàng nào bán nợ nhanh nhất sẽ là ngân hàng chiến thắng. Một nguyên tắc đơn giản là càng tranh mua thì bán càng được giá. Nếu VN sớm mở cửa cho các NĐT nước ngoài cạnh tranh mua nợ, thì nợ xấu không chỉ được xử lý nhanh hơn, mà còn “được giá” hơn.
Đừng nên cho rằng, nợ xấu đã có tài sản đảm bảo là an toàn. Nên nhớ, các tài sản này sẽ mất giá dần, khó thu hồi hơn và sẽ tự phân hủy theo thời gian, giống như rau trong chợ để lâu không ai mua sẽ héo dần.
NĐT nước ngoài đang muốn mua nợ xấu
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: Chẳng có lý do gì phải e ngại NĐT nước ngoài bỏ vốn và công sức mua lại nợ xấu, “ôm” vào rủi ro để kiếm lời. |
Kỳ vọng NĐT nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ thì có, nhưng cơ chế hiện nay dường như đang đóng cửa với họ.
Đã là NĐT, thì đương nhiên NĐT nước ngoài sẽ quan tâm đến những lĩnh vực đầu tư có tiềm năng, trong đó có nợ xấu. Tuy nhiên, đây là một việc rất khó khăn, vì liên quan đến các TCTD, là một lĩnh vực được quản lý rất chặt chẽ, không mở rộng đối với NĐT nước ngoài. Đặc biệt là điều kiện kinh tế – xã hội cũng như hành lang pháp lý hiện nay của VN là một trở ngại rất lớn đối với việc xử lý nợ xấu. Sở dĩ nợ xấu tăng mạnh và chậm được xử lý, một phần quan trọng cũng là do thủ tục thu giữ tài sản thế chấp, khởi kiện, phát mại theo quy định của pháp luật quá rắc rối, phức tạp, kéo dài, tốn kém…
NĐT nước ngoài thì còn gặp khó khăn hơn so với các cá nhân, pháp nhân trong nước, nhất là về thủ tục pháp lý. Nhiều trường hợp NĐT nước ngoài mua nợ, khi không bán lại được cho người khác, thì sẽ phải nhằm tới mục tiêu cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc quản lý, điều hành các DN. Nhưng họ lại bị hạn chế bởi các giới hạn đầu tư theo quy định của pháp luật, đặc biệt là giới hạn sở hữu cổ phần của các TCTD. Tôi cho rằng, nếu các NĐT trong nước có hội kinh doanh từ nợ xấu thì họ đã không bỏ lỡ cơ hội. Nhưng thực tế cho thấy, điều này đã không xảy ra, vì vậy chỉ còn trông chờ vào NĐT nước ngoài. Chẳng có lý do gì phải e ngại NĐT nước ngoài bỏ vốn và công sức mua lại nợ xấu, “ôm” vào rủi ro để kiếm lời. Nhà cửa, đất đai hay nhà máy, Cty vẫn hoạt động ở VN, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm, việc làm và thu nhập cho xã hội. Hoạt động này cũng không khác nhiều so với việc kêu gọi NĐT nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh từ trước đến nay. Bởi NĐT nước ngoài có lợi ích nhưng đồng thời cũng mang lại lợi ích cho VN.
VAMC chính thức tham gia thị trường nợ xấu
Ông Nguyễn Hữu Thủy – Tổng Giám đốc VAMC: Phải nói rằng khối ngoại co nhiều thế mạnh. Điều này sẽ giúp cho quá trình đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. |
Thời gian gần đây một số chuyên gia tài chính cho rằng nên mở cửa để các NĐT nước ngoài tham gia mua lại các khoản nợ xấu của DN. Theo tôi, đây là xu thế tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới và VN cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất bây giờ là ở cơ chế chính sách để đảm bảo cho hoạt động mua bán nợ diễn ra thuận lợi.
Phải nói rằng khối ngoại có thế mạnh về tiền, lại giàu kinh nghiệm và kỹ năng thẩm định tình trạng các món nợ và tài sản bảo đảm. Điều này giúp cho quá trình đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Ngoài ra, với tiềm lực mạnh về vốn, sự tham gia của khối ngoại sẽ làm tăng tính minh bạch cho việc mua bán nợ. Đồng thời tạo ra thị trường mua bán nợ sôi động hơn và thanh khoản cao hơn. Tuy nhiên vào thời điểm này tôi tin rằng chưa có NĐT nước ngoài sẵn sàng mua bán nợ xấu của VN, mà chỉ thăm dò thị trường…
Do vậy, để đẩy nhanh thị trường mua bán nợ xấu, từ nay đến cuối năm, VAMC dự kiến phát hành 35 nghìn tỉ đồng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) và chia làm 2 đợt. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của VAMC nhằm đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu. Chúng tôi dự kiến trong đợt 1 dự kiến mua nợ của các ngân hàng Navibank, SCB, SHB… Để tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 19 hướng dẫn việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Theo thông tư này VAMC được bán nợ theo hình thức đấu thầu hoặc chào giá cạnh tranh và được đơn phương chấm dứt hợp đồng mua, bán nợ. Cùng với đó là Thông tư 20 hướng dẫn việc các tổ chức tín dụng được nhận tái cấp vốn từ NHNN trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC. Hai thông tư trên đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để VAMC có thể chính thức tham gia thị trường mua bán nợ xấu.
Chưa đến mức trầm trọng
Ông Phạm Thanh Quang – TGĐ Cty mua bán nợ và xử lí tài sản tồn đọng DN (DATC): Vướng mắc lớn nhất bây giờ là ở cơ chế chính sách để đảm bảo cho hoạt động mua bán nợ diễn ra thuận lợi. Và mâu chốt chinh là các NH. |
Việc có thông tin nhiều NĐT nước ngoài quan tâm đến nợ xấu VN cần phải xem xét thấu đáo. Ví dụ như đâu là lĩnh vực họ quan tâm và khả năng giải quyết hiệu quả các khoản nợ xấu. Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng thị trường mua bán nợ xấu của VN chưa đến mức trầm trọng và cần thiết có sự tham gia của các NĐT nước ngoài.
Thứ nhất, các DN trong nước hoàn toàn có thể tự xử lý được nợ xấu. Vướng mắc lớn nhất bây giờ là ở cơ chế chính sách để đảm bảo cho hoạt động mua bán nợ diễn ra thuận lợi. Và mâu chốt chính là các ngân hàng. Bản thân DATC có những khoản nợ xấu dù theo đuổi vài năm nhưng ngân hàng vẫn không bán. Nguyên nhân là do chưa có những chế tài cụ thể đối với các khoản nợ xấu của các ngân hàng.
Thứ hai, thông qua hoạt động mua bán nợ , chủ nợ phải góp phần cơ cấu lại DN chứ không phải theo kiểu “hớt váng”. Chúng ta cũng không nên đặt mục tiêu quá cao về số lượng nợ xấu phải giải quyết trong một thời gian cụ thể mà cần chú ý tới chất lượng, bởi đây là một “sản phẩm” đặc biệt. Ngay cả ở các nước thì việc tham gia của các NĐT vào lĩnh vực mua bán nợ xấu cũng rất hạn chế, nên không thể coi đó là giải pháp trông chờ hiện nay. Và với những quy định hiện hành thì dù muốn các NĐT nước ngoài cũngkhó có thể tham gia.
Tôi cho rằng để tạo điều kiện cho hoạt động mua bán nợ xấu thực sự hiệu quả thì Ngân hàng nhà nước cần có những chính sách rõ ràng và chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt là quy định về thời hạn bắt buộc phải xử lý các khoản nợ xấu. Việc tham gia của các NĐT nước ngoài hay không không quan trọng bằng việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi để nhiều DN có thể cùng tham gia bởi VAMC hay DATC khó có thể giải quyết được bài toán nợ xấu hiện nay.
Mấu chốt giải quyết nợ xấu hiện nay đang phụ thuộc vào những điều chỉnh xung quanh các vấn đề liên quan đến các TCTD, ngân hàng. |
T.anh, P.Hà, P.Nam thực hiện
—————-
Diễn đàn Doanh nghiệp 26-09-2013:
http://dddn.com.vn/toa-dam/xu-ly-no-xau-cho-chat-xuc-tac-tu-phia-ngoai-201309240212245.htm
(402/1.915)