(TBKD) – Dù Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã có hiệu lực từ ngày 9/7, nhưng tổ chức này vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Mặc dù vậy, các ngân hàng tỏ vẻ thờ ơ với thông tin liên quan đến VAMC. Vì theo họ, VAMC ra đời cũng khó giải quyết được vướng mắc về nợ xấu.
Theo thông tin từ Ban trù bị thành lập VAMC, hiện vẫn còn một số văn bản cần thiết cho hoạt động của VAMC chưa hoàn tất, cũng như bộ máy nhân sự chưa được phê chuẩn. Dự kiến VAMC sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động vào tuần sau, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Chờ “khâu” nhân sự
Trước đó, ngày 19/6/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC, một cơ sở pháp lý cụ thể hơn cho sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động. Vậy nhưng, cho đến ngày 9/7, Thông tư này vẫn chưa được ban hành trong khi theo dự thảo, VAMC sẽ đi vào hoạt động từ ngày 9/7/2013.
Tuy nhiên, ngoài các thông tin về khung pháp lý, cơ cấu vốn, thị trường tuyệt nhiên chưa có bất cứ công bố cụ thể nào về sự nhập cuộc của công ty xử lý nợ xấu này.
Vẫn chưa biết những văn bản mới liên quan đến hoạt động của VAMC có sự thay đổi nào không liên quan đến cách thức hoạt động của tổ chức này hay không. Với quy định hiện tại về điều kiện mua nợ của VAMC, còn nhiều tranh cãi như TCTD nào cần phải bán nợ cho VAMC, hình thức xử lý bằng phương án phát hành trái phiếu hay mua lại nợ theo giá thị trường sẽ khả thi hơn…
Một vấn đề nữa cũng khá quan trọng, nhưng thị trường cũng mới nhận thông tin bên lề chứ chưa phải chính thức từ NHNN. Từ giữa tháng 6/2013, thị trường đã bắt đầu đón VAMC bằng kế hoạch tổ chức và tuyển dụng nhân sự. Theo thông tin từ thị trường, nhân sự của VAMC sẽ là các lãnh đạo cấp cao của các NHTM đầu quân, do lợi thế về kinh nghiệm lâu năm trong ngành và đặc biệt là trong vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM. Các nhân sự này cũng được cho là sẽ dễ dàng nắm bắt những vấn đề thực sự của tình hình nợ xấu tại các ngân hàng, để có thể giúp hệ thống này nhanh chóng lành mạnh hóa.
Quan tâm nhất là nợ xấu
Theo quy định tại Nghị định 53, khi vận hành, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC. Trong dự Thảo thông tư liên quan, công ty này sẽ được hưởng 2% trên số tiền thu hồi nợ.
Bản giải trình dự thảo nêu rõ rằng dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20 – 40%. Theo đó, với quy định tỷ lệ công ty được hưởng là 2%, tương ứng với mức thu là 320 – 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC là khoảng 60 – 160 tỷ đồng, dự kiến sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng với một trong những điều kiện mua nợ xấu của VAMC là “mua nợ là khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản; trong đó, không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai” thì sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Ban Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng quy định đó đồng nghĩa với việc VAMC chỉ mua những khoản nợ tốt, có tài sản bảo đảm. Trong khi đó, điều mà các ngân hàng cần nhất là giải quyết những khoản nợ xấu thực sự, thì có vẻ đang tắc. Bởi các khoản nợ xấu thật này, nếu không đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì không thể bán được cho VAMC.
Các ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nợ xấu của họ
Ts. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng với phương thức của VAMC như hiện nay, cũng phải mất 4 – 5 năm mới có thể xử lý xong nợ xấu. Trong quá trình xử lý nợ xấu, NHNN cũng đang thực hiện chuyển toàn bộ hệ thống ngân hàng sang chuẩn quốc tế (mà cụ thể là Thông tư 02 đã được ban hành).
“Tóm lại, NHTM sẽ phải đứng trước 2 sức ép: một là xử lý nợ xấu, cái quá khứ để lại; hai là chuyển đổi theo chuẩn mới của thế giới, cái mà NHNN buộc họ sẽ phải tuân thủ. Như vậy, xử lý nợ xấu sẽ mất 4 – 5 năm, không thể ngắn hơn như chúng ta mong muốn”, Ts. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Tuy nhiên, trong quá trình mua nợ xấu, VAMC chắc chắn cũng sẽ gặp khó khăn vì nhiều NHTM không muốn bán. Đơn giản, có thể vì chính các khoản vay đó là của cổ đông lớn ngân hàng và tài sản bảo đảm là của chính các cổ đông lớn nên cũng dễ hiểu khi họ không muốn bán.
Điều này nguy hiểm ở chỗ, vì có nợ xấu mà không thể đẩy tín dụng lên được, toàn bộ tín dụng tê liệt, ngân hàng chẳng “ngứa ngáy” gì cả. Họ thích cho vay thì cho vay, không thì thôi, thậm chí chịu lỗ, nhưng toàn bộ nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất lớn, không có vốn để hoạt động, không có vốn để phục hồi lại nền kinh tế.
“Do vậy, các ngân hàng trước tiên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nợ xấu của họ, VAMC sẽ buộc họ phải bán và xử lý rất nhanh các khoản nợ xấu ấy”, Ts. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Chắc chắn còn nhiều điều phải bàn, nhưng theo giới chuyên gia, hiệu quả hoạt động của VAMC sẽ cần phải được chứng tỏ trong thời gian tới. Tuy nhiên, dường như mục tiêu giải quyết 50.000 – 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong vòng 5 tháng cuối năm 2013 được cho là sẽ rất khó hoàn thành. “Vấn đề tiên quyết là tổ chức này cần phải đi vào hoạt động mới có thể đánh giá được khả năng của mình”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Ngân Giang
——————-
Thời báo Kinh doanh 12-7-2013 (mục Tài chính – Ngân hàng):
http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/663551/tai-chinh-ngan-hang/ky-vong-vamc-.html
(81/1.196)