(ĐT) – Không “ế ẩm” như cảnh báo của các chuyên gia, Công ty Quản lý và Khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã nhận đăng ký bán nợ của ít nhất 10 tổ chức dụng, trong đó có cả những ngân hàng nợ xấu dưới 3%.
SHB là một trong những ngân hàng sớm đăng ký bán nợ cho VAMC |
Tranh nhau bán nợ
Như báo Đầu tư online –baodautu.vn đã đưa tin, hôm qua (1/10), VAMC đã chính thức ký hợp đồng mua hơn 1.700 tỷ đồng nợ xấu với Agribank.
Thương vụ mua nợ đầu tiên song được chờ đợi từ rất lâu này kỳ vọng sẽ giúp quá trình mua bán nợ của VAMc “đầu xuôi đuôi lọt”.
Theo ông Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực VAMC, trong số 10 tổ chức tín dụng đề nghị bán nợ cho VAMC, có tới 4 tổ chức tín dụng nợ xấu dưới 3%.
Được biết, trong số này, đã có 7 đơn vị gửi hồ sơ bán nợ tới VAMC.
Do số lượng hồ sơ đề nghị bán nợ nhiều, nên trước mắt, VAMC sẽ ưu tiên mua nợ của ngân hàng thương mại vốn nhà nước, các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu và các ngân hàng có nợ xấu trên 3%.
Trong tuần này, dự kiến VAMC sẽ tiếp tục ký hợp đồng mua nợ xấu với SCB, SHB và PGBank. Trước đó, Navibank cũng bày tỏ mong muốn bán nợ cho VAMC song do thủ tục chưa hoàn thiện nên việc ký kết sẽ được thực hiện muộn hơn.
Trả lời baodautu.vn tuần trước, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, SHB và VAMC đang rà soát các khoản nợ xem những khoản nào đủ điều kiện bán cho VAMC.
Nhận xét về động thái xếp hàng bán nợ cho VAMC của các ngân hàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các ngân hàng mạnh dạn bán nợ cho VAMC là khôn ngoan. Càng bán nợ sớm, tảng băng tín dụng sẽ càng sớm được phá tan.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế quốc hội cho rằng, việc có cả ngân hàng dưới 3% bán nợ cho VAMC là bình thường. Trên thực tế, có những ngân hàng nợ xấu trên 3% nhưng không đáng lo. Trong khi đó, có ngân hàng nợ xấu xấp xỉ 3% nhưng lại nguy hiểm.
Hậu mua nợ, nợ đi đâu?
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, với cơ chế hành chính hiện nay, VAMC không sợ thiếu hàng để mua. Chính vì thế, ngân hàng nào có nợ xấu trên 3% dù muốn hay không vẫn phải bán nợ.
Tuy nhiên, ngoài lý do này, theo các chuyên gia kinh tế, không thể phủ nhận bán nợ cho VAMC, ngân hàng cũng được nhiều lợi ích, đặc biệt là sẽ được làm sạch một phần nợ xấu, có thêm vốn để kinh doanh thay vì để vốn “chết” trong nợ xấu. Đây là lý do nhiều ngân hàng dù nợ xấu dưới 3% vẫn muốn bán nợ cho VAMC.
Dẫu vậy, trên thực tế, số đông còn lại vẫn đang nằm im nghe ngóng. Triển vọng xử lý nợ chưa rõ ràng sau khi VAMC thu mua là lý do khiến các ngân hàng đang phân vân.
Ông Trương Thanh Đức cho rằng: “Mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt cũng giống như xử lý nợ xấu bằng kỹ thuật, tức chỉ chuyển từ kho này sang kho khác, chứ không xử lý được tận gốc. Trong khi đó, hy vọng lớn nhất để xử lý triệt để nợ xấu là bán đấu giá cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thì xem ra rất khó thực hiện”.
Ông Sameer Goyal, chuyên gia tài chính cao cấp của WB tại Việt Nam cũng cho rằng, để xử lý nợ, phải chấp nhận thiệt hại. Nếu không bán nợ ra thị trường, nợ xấu chỉ chuyển từ kho của các ngân hàng thương mại sang kho VAMC. Theo ông Goyal, Việt Nam nên xem xét nới điều kiện bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, lãnh đạo VAMC khẳng định, VAMC không mua nợ về để giữ trong kho và chờ cơ hội bán ra. Mục đích lớn nhất của VAMC là mua về để phân loại, tái cơ cấu, cùng ngân hàng hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Hà Tâm
———-
Đầu tư 03-10-2013 (Mục Ngân hàng):
http://baodautu.vn/news/vn/ngan-hang/tai-sao-nha-bang-xep-hang-ban-no-cho-vamc.html
(121/785)