375. VAMC: Nhiều áp lực nên cần niềm tin

(PT) – Sau thời gian dài chờ đợi các giải pháp tháo gỡ cho nền kinh tế vốn đang nhiều vướng mắc, sáng 26/7, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản – VAMC) chính thức đi vào hoạt động.

Sự ra đời của VAMC được đặt rất nhiều kỳ vọng. (Ảnh Bảo Sơn)

Theo các chuyên gia kinh tế, sự ra đời của VAMC là rất cần thiết để giải quyết những tồn đọng liên quan đến nợ xấu, khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh… Mặc dù, nội dung dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu còn Đhiều vướng mắc, nhưng VAMC ra đời vốn mang nhiều áp lực nên cần có thời gian và niềm tin để nó thể hiện hiệu quả.

Mua nợ xấu hay nợ tốt?

Theo kỳ vọng của lãnh đạo NHNN thì ngay trong năm nay, VAMC có thể giúp nền kinh tế xử lý được từ 45.000 – 70.000 tỉ đồng nợ xấu, đưa tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức an toàn là dưới 3% vào năm 2015.

Tuy nhiên, theo đại diện của nhiều NHTM, rất nhiều quy định về hoạt động của công ty này còn quá chặt chẽ và còn nhiều bất cập.

Theo dự thảo, một trong những điều kiện để được bán cho VAMC là khoản nợ xấu phải có tài sản đảm bảo, trong đó không dưới 65% tổng giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS), bao gồm cả BĐS hình thành trong tương lai (quy định tại Điều 9, mục 1, khoản b). Đây là một trong những nội dung được hầu hết các tổ chức tín dụng thắc mắc thậm chí đề xuất bỏ.

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó phòng công nợ (NH Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank) cho biết, tại Vietcombank, tỉ lệ này chỉ khoảng 50%, vì thế dự thảo đưa ra tỉ lệ 65% là không khả thi. “Nên xem xét quy định tỉ lệ này không dưới 40%, để các tổ chức tín dụng bán được nợ cho VAMC nhiều hơn”, bà Oanh đề xuất.

Đại diện NH Hàng Hải (MaritimeBank) lại cho rằng, nếu khoản nợ có ít nhất 65% tổng giá trị tài sản đảm bảo là BĐS thì khoản nợ sẽ thuộc diện “nợ tốt” chứ không phải “nợ xấu” để cần đến VAMC giải quyết. Cũng theo vị đại diện này, đã là nợ thì không cần thiết phải gọi đó cụ thể là tài sản gì để ưu tiên.

“Tại sao BĐS lại được ưu tiên cứu mà nợ khác lại không được ưu tiên. NH nhận tài sản đảm bảo thì nhận những tài sản mà pháp luật không cấm. Nếu quy định ít nhất có tài sản thế chấp bằng 65% tổng giá trị là BĐS là đi trái với quy định cho vay của ngân hàng. Nên chăng xem xét bỏ quy định này”, Giám đốc thu hồi nợ NH Hàng hải bày tỏ.

Về nội dung quy định tại dự thảo thông tư, Công ty VAMC có quyền mua và không mua các khoản nợ xấu, thậm chí mua rồi vẫn có quyền trả lại. Luật sư Trương Thanh Đức, Ban Pháp chế Hiệp hội NHVN, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Theo quy định thì VAMC được từ chối mua nợ. Điều này dẫn tới tình trạng mua bán nợ bế tắc nếu không đáp ứng được 5 điều kiện về khoản nợ theo quy định. Đặc biệt, với quy định khoản nợ có 65% tài sản đảm bảo là BĐS, đây là khoản nợ tương đối tốt mới đem ra mua bán. Với điều kiện này, nhiều khoản nợ của NH không đủ điều kiện để mua, bán.

Vị luật sư này cho rằng, với điều kiện trên, khả năng sẽ tạo ra 2 nguy cơ, hoặc bên có nợ từ chối không bán, hoặc bên mua nợ từ chối không mua, đồng nghĩa khoản nợ xấu không bao giờ được giải quyết. Trong khi đó, cả NH và DN đều trông chờ tháo gỡ được nợ xấu thì vẫn “tắc”.

“Công ty mua bán hoạt động an toàn như thế này thì cũng như công ty của Nhà nước chứ không phải công ty kinh doanh”, luật sư Đức nói.

Một trong những quy định của VAMC là sẽ chỉ mua các khoản nợ xấu có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên với tổ chức và 1 tỉ đồng trở lên với cá nhân, điều kiện là khách hàng vay phải còn tồn tại (được quy định tại Điều 9, mục 1, khoản e, thông tư hướng dẫn).

Quy định này của VAMC vấp phải một số hạn chế đối với các NH mang tính đặc thù.

Đối với NH Nông nghiệp phát triển nông thôn (Agribank), Tổng giám đốc Công ty quản lý tài sản của Agribank – Vũ Minh Cường cho biết: đặc thù khách hàng của Agribank là hộ sản xuất, số hộ vay tiền từ 1 tỉ trở lên rất ít. Nếu quy định chỉ mua các khoản nợ xấu có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên với cá nhân thì chẳng khác gì làm “khó” cho người vay. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu từ hộ sản xuất kinh doanh của Agribank sẽ rất khó khăn. Vì vậy đại diện NH Agribank đề xuất nên điều chỉnh con số 1 tỉ đồng này.

Liên quan đến vấn đề có tiếp tục cho vay sau khi bán nợ xong, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi các doanh nghiệp kỳ vọng là VAMC vào cuộc sẽ giúp họ có thể tiếp tục được vay vốn, thì đại diện NH Quốc tế (VIB) cho rằng, đây là việc làm không ổn. Vì chính những khách hàng này đã có lịch sử trả nợ không tốt thì không có lý do gì mà NH lại cho vay lại bởi nhiều khả năng khoản vay mới lại trở thành nợ xấu.

Ông Bùi Minh Khải, Giám đốc Ban Pháp chế của BIDV nêu vấn đề, trong trường hợp VAMC đã mua hết nợ xấu và NH tiếp tục cho vay đối với khách hàng thì việc cho vay mới này có bị ảnh hưởng? Tức là cho vay ra đương nhiên lại trở thành nợ xấu.

“Nếu không hoặc có thì trong thông tư phải đề cập để chúng tôi có giải pháp. Thực tế, có DN bán phần kinh doanh thua lỗ, nhưng mảng khác vẫn còn. Nếu không qui định rõ thì rất khó cho chúng tôi”, ông Khải chia sẻ.

VAMC cần niềm tin

Không thể phủ nhận, trọng trách của VAMC hiện nay rất lớn trong chủ trương tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận những khó khăn, áp lực của Công ty Mua bán nợ xấu này sau quãng thời gian dài nền kinh tế áp dụng nhiều giải pháp nhằm phá tảng băng nợ xấu nhưng hiệu quả mang lại còn khiêm tốn.

Ông Louis Taylor – Tổng Giám đốc NH TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam cho rằng: Việc thành lập VAMC là một bước đi quan trọng của Việt Nam nhằm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước. Mặc dù VAMC không thể là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề nợ xấu nhưng đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư.

“VAMC cần phải có được niềm tin của mọi người thông qua những thành công – điều đó cần phải có thời gian”, vị này nói.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm củ mình, ông Louis Taylor góp ý: Để đảm bảo tính hiệu quả của VAMC cần phải có quy định bắt buộc các ngân hàng phải bán lại nợ xấu thay vì chỉ coi VAMC như là một lựa chọn. Bên cạnh đó, VAMC cần phải có quyền hạn pháp lý đặc biệt để giải quyết nợ xấu, như được phép tịch thu tài sản thế chấp một cách nhanh chóng và có báo trước và quá trình tái cấu trúc phải giúp cải thiện trình độ quản trị và quản lý rủi ro của các NH nhằm tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.

“Nếu Chính phủ có thể thực hiện được những điều này, nó sẽ giúp ngành NH vượt qua được nhiều thách thức”, Tổng Giám đốc NH Standard Chartered Việt Nam nói.

Ông Phạm Thanh Quang – TGĐ công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cho biết: Ngoài hệ thống pháp lý đã và sẽ được thiết lập, khả năng xử lý nợ xấu của VAMC phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bộ máy tổ chức, nhân sự, các khoản nợ cụ thể… Theo đó, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm, không thể chỉ trông chờ vào VAMC.

“Vì đây là một mô hình mới nên không thể không có những bật cập, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Quang nói.

Trà Phương

——————-

Petrotimes 29-7-2013:

http://petrotimes.vn/news/vn/kinh-te/vamc-nhieu-ap-luc-nen-can-niem-tin.html

(216/1.586)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,164