(TTT) – Sau nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh bán hàng đa cấp trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát lại Nghị định 110 về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp. Ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) – khẳng định: Bộ đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi luật để siết chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh này.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, những quy định hiện tại về việc quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp đã rất chặt chẽ. Vì vậy, dù có siết chặt hơn nữa cũng vô ích vì đó không phải bản chất của vấn đề.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI |
Thưa ông, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 110 về quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp theo hướng siết chặt hơn trong việc quản lý, ông đánh giá thế nào về vấn đề này ?
Ông Trương Thanh Đức: Thực tế, quy định hiện nay của chúng ta về quản lý bán hàng đa cấp đã rất chặt chẽ rồi. Chẳng hạn, về mức ký quỹ, quy định trước đã ở mức khá cao là 5% vốn điều lệ nhưng tối thiểu phải là 1 tỉ đồng. Trong khi đó, quy định mới giờ nâng mức ký quỹ lên tối thiếu 5 tỉ, đồng thời vốn pháp định trên 10 tỉ đồng. Ngay cả công ty thương mại, siêu thị cũng không cần vốn lớn như thế.
Việc cấp giấy phép cũng vậy. Quy định mới yêu cầu Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp, thay vì Sở Công thương như trước. Theo tôi, đã là đăng ký là phải dễ dàng, đơn giản, là điều kiện tối thiểu nhất, là trách nhiệm của Nhà nước.
Vậy mà chúng ta lại làm ngược lại, không những siết chặt việc cấp giấy phép, còn quy định thời hạn chỉ có 5 năm.
Nếu quy định đã chặt rồi thì vấn đề thực chất nằm ở đâu, thưa ông ?
Nguyên nhân chính là do chúng ta có cơ chế nhưng không xử lý được, vì nể nang, vì nhiều vấn đề tiêu cực, chứ không phải tại luật quy định thiếu.
Nếu chiếu theo quy định hiện hành, rõ ràng Thiên Ngọc Minh Uy có sai phạm nhưng họ vẫn đang hoạt động bình thường. Thực tế, DN bán hàng đa cấp ở Việt Nam không nhiều. Những vụ khiếu kiện các công ty đa cấp cũng rất ít. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý phải nhắc nhở, cảnh báo thường xuyên.
Nếu vi phạm pháp luật thì xử lý, áp dụng cơ chế thu hồi giấy phép. Không thể đợi nó sắp đổ vỡ rồi mới nhảy vào giải quyết. Ngay trọng vụ đình đám gần đây là MB 24, chỉ có tỉnh Dak Lak làm dứt khoát còn các tỉnh khác cũng không triệt để.
Nói như vậy thì dù có sửa quy định cũng không thay đổi được gì?
Kể cả có quy định mới thì hoạt động kinh doanh đa cấp vẫn sẽ y như trước, vì bản chất nằm ở việc nhân lực yếu kém không thực thi được pháp luật.
Chẳng hạn, quy định mới yêu cầu khi một công ty bán hàng đa cấp tổ chức đào tạo, tổ chức hội thảo ngoài công ty thì sẽ phải báo cáo Bộ Công Thương. Liệu xin phép có tốt hơn không xin phép không, hay chỉ là tăng thêm tiêu cực ?
Quy định mới thể hiện quan điểm không quản lý được là cấm của Nhà nước. Lẽ ra luật càng ngày phải thả lỏng, để doanh nghiệp hoạt động theo quy luật thị trường thì chúng ta thời gian qua lại ngày càng siết chặt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Trần Dũng
Những hành vi mang tính chất lừa đảo của Thiên Ngọc Minh Uy đều đã bị cấm trong Nghị định 110/2005/NĐ-CP về Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, ví dụ như: – Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một món hàng nào đó rồi mới cho gia nhập mạng lưới; – Không cho phép trả lại hàng hóa như vụ đánh hội đồng sinh viên trường Thủy lợi đòi hoàn tiền và trả lại hàng; – Lừa dối về lợi ích khi tham gia bán hàng đa cấp; hay – Đưa thông tin sai lệch về công dụng, tính chất của hàng hóa. |
Theo Trí Thức Trẻ
————
CafeBiz 07-10-2013 (Mục Pháp luật):
(598/910)